Ngày 21/3, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 06/2025/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều trong Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành giáo dục mầm non (sau đây gọi chung là Quy chế tuyển sinh). Quy chế có một số điểm mới, trong đó với quy định về quy đổi tương đương điểm trúng tuyển.

Ảnh minh họa.
Theo khoản 20 Điều 2 Quy chế tuyển sinh nêu rõ, quy đổi tương đương trong tuyển sinh là việc quy đổi ngưỡng đầu vào, điểm trúng tuyển giữa các phương thức tuyển sinh, tổ hợp xét tuyển của một mã xét tuyển theo một quy tắc do cơ sở đào tạo quy định, bảo đảm tương đương về mức độ đáp ứng yêu cầu đầu vào của chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo tương ứng.
Theo Quy chế tuyển sinh, các trường được sử dụng đồng thời nhiều phương thức xét tuyển cho cùng một chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo. Tuy nhiên, các trường phải quy điểm tất cả phương thức về một thang điểm tương đương và căn cứ vào thang điểm tương đương để xác định điểm chuẩn.
Cụ thể, nếu một ngành có nhiều phương thức tuyển sinh hoặc nhiều tổ hợp xét tuyển, trường phải xác định quy tắc quy đổi tương đương ngưỡng đầu vào và điểm trúng tuyển của các phương thức tuyển sinh, phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển theo hướng dẫn chung của Bộ GD&ĐT. Các trường không quy định mã xét tuyển riêng, chỉ tiêu riêng cho từng phương thức xét tuyển hoặc tổ hợp xét tuyển (trừ việc quy định chỉ tiêu xét tuyển thẳng).
Theo Bộ GD&ĐT, với quy định này các trường không phải phân bổ chỉ tiêu cho các phương thức xét tuyển, tránh được rủi ro khi xét tuyển theo chỉ tiêu của từng phương thức như độ lệch điểm giữa các phương thức quá lớn, có phương thức điểm trúng tuyển rất cao, điểm trúng tuyển học bạ thấp hơn điểm trúng tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT…
Bên cạnh đó, để bảo đảm thí sinh có đầy đủ thông tin trong quá trình đăng ký xét tuyển, Quy chế tuyển sinh quy định quy tắc quy đổi tương đương phải được công bố công khai muộn nhất cùng thời gian công bố ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào.
Thí sinh không cần chọn mã phương thức, mã tổ hợp… chỉ cần xác định rõ chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo và cơ sở đào tạo mong muốn theo học để quyết định đăng ký. Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT sẽ sử dụng phương thức có kết quả cao nhất của thí sinh để xét tuyển.