/ Pháp luật - Đời sống
/ Quy tắc ứng xử của cán bộ thanh tra trong giải quyết khiếu nại, tố cáo

Quy tắc ứng xử của cán bộ thanh tra trong giải quyết khiếu nại, tố cáo

19/03/2021 05:05 |

(LSVN) - Thông tư số 01/2021/TT-TTCP được ban hành vào ngày 11/3/2021 của Thanh tra Chính phủ, đã quy định Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong ngành Thanh tra và cán bộ, công chức trong thực hiện nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Tại khoản 1, Điều 12 của Thông tư quy định về những việc cán bộ, công chức, viên chức phải làm trong thực hiện nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo như sau: 

- Quán triệt quan điểm, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền, đúng trình tự, thủ tục được quy định trong Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các văn bản pháp luật khác có liên quan;

- Hướng dẫn, giúp người khiếu nại, tố cáo hiểu và thực hiện đúng quy định của pháp luật; tham mưu giải quyết thấu đáo theo quy định của pháp luật;

- Hướng dẫn, công khai quy trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, quy trình thủ tục hành chính đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm các đề nghị của tổ chức và cá nhân được giải quyết đúng pháp luật;

- Khi xác minh, kết luận, kiến nghị phải thận trọng, khách quan;

- Trường hợp hồ sơ giải quyết khiếu nại, tố cáo có sai sót, chậm, muộn phải nghiêm túc thực hiện việc xin lỗi theo quy định;

- Nếu phát hiện hành vi vi phạm pháp luật có thể gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân thì báo cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để áp dụng biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Đồng thời tại khoản 2 của Điều luật quy định Cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan thanh tra nhà nước không được làm những việc sau đây: 

- Có thái độ hách dịch, dọa nạt, gây căng thẳng, khó khăn, phiền hà, sách nhiễu, vòi vĩnh, trì hoãn, kéo dài thời gian xử lý công việc của tổ chức và người dân;

- Từ chối giải quyết các yêu cầu của tổ chức và cá nhân thuộc chức trách, nhiệm vụ được giao mà không có lý do chính đáng;

- Thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc của tổ chức và người dân; lợi dụng nhiệm vụ, vị trí công tác để nhũng nhiễu, gây phiền hà, trục lợi;

-  Làm mất, hư hỏng, sai lệch hồ sơ, tài liệu, kết quả giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo; truy ép hoặc gợi ý cho người khiếu nại, người tố cáo trình bày sự việc theo ý muốn chủ quan của mình;

-  Cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; tiết lộ họ tên, địa chỉ, bút tích hoặc các thông tin về người tố cáo.

Cán bộ, công chức, viên chức khi thi hành nhiệm vụ, công vụ, ngoài việc thực hiện đúng, đầy đủ các quy định của Thông tư này còn phải thực hiện các quy định về đạo đức công vụ, văn hóa công sở, các quy định về quyền và nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức và những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm theo các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Thông tư 01/2021/TT-TTCP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/5/2021.

VŨ THỦY

Các khoản phụ cấp với cán bộ, công chức, viên chức dự kiến áp dụng từ 01/7/2022

Lê Minh Hoàng