Ảnh minh họa.
Quản lý an toàn thực phẩm phải được thực hiện trong suốt quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên cơ sở phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm. Cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm khi hoạt động, trừ các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ, sơ chế nhỏ lẻ, không có địa điểm cố định, thực phẩm bao gói sẵn, nhà hàng trong khách sạn, thức ăn đường phố,… Pháp luật nghiêm cấm các hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa, không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, thực phẩm bị biến chất, thực phẩm có chứa tác nhân gây ô nhiễm vượt quá giới hạn cho phép, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc quá thời hạn sử dụng,…
Quy trình khép kín
Quy trình sản xuất là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng để chứng minh thực phẩm tạo ra hoàn toàn đảm bảo vệ sinh và chất lượng. Quy trình này gồm nhiều công đoạn: từ nguồn nguyên liệu, sơ chế thực phẩm, chế biến thực phẩm, đóng gói bao bì, bảo quản, vận chuyển, trong đó còn có cả quy trình lấy nước và thoát nước của cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Thạc sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, theo quy định của Luật An toàn thực phẩm 2010 và các văn bản hướng dẫn có liên quan thì quy trình sản xuất thực phẩm an toàn sẽ phải đáp ứng các điều kiện như sau:
Về chuẩn bị nguồn nguyên liệu: Nguyên liệu dùng để chế biến thực phẩm phải còn thời hạn sử dụng, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, bảo đảm an toàn và giữ nguyên các thuộc tính vốn có của nó; các nguyên liệu tạo thành thực phẩm không được tương tác với nhau để tạo ra các sản phẩm gây hại đến sức khoẻ, tính mạng con người. Chỉ được tăng cường vi chất dinh dưỡng là vitamin, chất khoáng, chất vi lượng vào thực phẩm với hàm lượng bảo đảm không gây hại đến sức khoẻ, tính mạng con người và thuộc Danh mục theo quy định của Bộ Y tế.
Đối với phụ gia thực phẩm và chất hỗ trợ chế biến thực phẩm: Phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, tuân thủ quy định về phụ gia thực phẩm và chất hỗ trợ chế biến thực phẩm; có hướng dẫn sử dụng ghi trên nhãn hoặc tài liệu đính kèm trong mỗi đơn vị sản phẩm bằng tiếng Việt và ngôn ngữ khác theo xuất xứ sản phẩm; thuộc Danh mục phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm được phép sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm do Bộ Y tế quy định…
Dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm: Phải được sản xuất từ nguyên vật liệu an toàn, bảo đảm không thôi nhiễm các chất độc hại, mùi vị lạ vào thực phẩm, bảo đảm chất lượng thực phẩm trong thời hạn sử dụng; đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, tuân thủ quy định đối với dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm do Bộ Y tế ban hành.
Về điều kiện để đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm, theo Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, Luật An toàn thực phẩm 2010 dành hẳn chương VI quy định vấn đề này. Theo đó, cơ sở sản xuất, kinh doanh phải: có địa điểm, diện tích thích hợp, có khoảng cách an toàn đối với nguồn gây độc hại, nguồn gây ô nhiễm và các yếu tố gây hại khác; có đủ nước đạt tiêu chuẩn mẫu nước phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) về chất lượng nước sinh hoạt số 02:2009/BYT; có đủ trang thiết bị phù hợp để xử lý nguyên liệu, chế biến, đóng gói, bảo quản và vận chuyển các loại thực phẩm khác nhau; có đủ trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện rửa và khử trùng, nước sát trùng, thiết bị phòng, chống côn trùng và động vật gây hại; có hệ thống xử lý chất thải và được vận hành thường xuyên theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; duy trì các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và lưu giữ hồ sơ về nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu thực phẩm và các tài liệu khác về toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm,…
Ngoài ra, quy trình sơ chế, chế biến phải bảo đảm thực phẩm không bị ô nhiễm chéo, tiếp xúc với các yếu tố gây ô nhiễm hoặc độc hại. Tất cả thực phẩm phải được sản xuất theo đúng công thức và quy trình đã được phê duyệt, mỗi công đoạn sẽ được theo dõi chặt chẽ, thành phần phải đúng định lượng được mô tả. Nhân viên tham gia vào quá trình sản xuất thực phẩm cũng được kiểm tra sức khỏe trước khi tuyển dụng và định kì, khi làm việc phải đảm bảo trang phục sạch sẽ, đeo bao tay, mũ trùm tóc…
Hành lang pháp lý trong đảm bảo an toàn thực phẩm
Theo Luật sư Đặng Văn Cường, hiện nay nước ta đã có khuôn khổ pháp lý, hệ thống pháp luật quy định về an toàn thực phẩm tương đối đầy đủ, toàn diện; nội luật hóa các điều ước, hiệp định quốc tế mà Việt Nam ký kết tham gia, thống nhất và đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành. Trong đó, Luật An toàn thực phẩm 2010 là văn bản pháp lý cao nhất quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong bảo đảm an toàn thực phẩm; điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm, sản xuất, kinh doanh thực phẩm và nhập khẩu, xuất khẩu thực phẩm; quảng cáo, ghi nhãn thực phẩm; kiểm nghiệm thực phẩm; phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm; phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm,…
Ngoài ra, còn có các văn bản pháp luật có liên quan đến công tác kiểm soát an toàn thực phẩm, như: Luật Tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật Thương mại, Luật Quảng cáo, Luật Thú y, Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật,… và hàng loạt các văn bản dưới luật.
Các văn bản nói trên đã tạo hành lang pháp lý cho công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Chúng ta cũng đã có hệ thống tiêu chuẩn nhất định về thực phẩm để áp dụng trong quá trình sản xuất kinh doanh và kiểm soát an toàn thực phẩm.
Về chức năng, thẩm quyền của các cơ quan quản lý hiện nay được giao cho Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công thương, cùng hệ thống ngành từ trung ương tới địa phương nên dẫn đến sự đan xen trách nhiệm. Có một số sản phẩm sẽ có sự quản lý của nhiều cơ quan cùng lúc.
Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, các văn bản quy phạm pháp luật về kiểm soát an toàn thực phẩm cũng thiếu tính ổn định, thường xuyên sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ nên dẫn đến lúng túng cho các cá nhân, doanh nghiệp khi áp dụng và khó khăn cho cơ quan kiểm soát, quản lý.
“Thực tế cho đến nay mặc dù chúng ta có hệ thống văn bản dưới luật kiểm soát an toàn thực phẩm rất phong phú nhưng lại còn dàn trải, phân tán chứ chưa hoàn toàn đồng bộ và hài hòa. Ngày 30/6/2021 vừa qua, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 10/2021/TT-BYT quy định Danh mục chất cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Trong khi trước đó, chưa có quy định chính thức nào về danh mục chất cấm trong thực phẩm”, Luật sư Cường nói.
PV
Bộ Y tế điều chỉnh, bổ sung các cuộc thanh tra theo kế hoạch năm 2022