Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng Phần Lan sẽ được "chào đón nồng nhiệt" đồng thời cam kết tiến trình sẽ "suôn sẻ và nhanh chóng".
Quốc kỳ các thành viên NATO trong một hội nghị của khối quân sự cộng này tại Brussels (Bỉ) năm 2017. Ảnh: AP.
Việc sẵn sàng tham gia NATO phải được Quốc hội Phần Lan chính thức thông qua. Sau đó, NATO dự kiến sẽ đưa ra lời mời chính thức để Phần Lan gia nhập. Lời mời chính thức này có thể được đưa ra vào cuối tháng 6, khi các nhà lãnh đạo NATO nhóm họp tại Madrid (Tây Ban Nha).
Sau đó, có 5 bước cho quá trình gia nhập này.
Đầu tiên, các chuyên gia NATO và đại diện của những quốc gia riêng lẻ gặp nhau tại Brussels (Bỉ) để thảo luận nhằm đảm bảo quốc gia ứng cử viên sẵn sàng và có thể đáp ứng các nghĩa vụ cũng như cam kết chính trị, pháp lý, quân sự với tư cách thành viên NATO.
Bước thứ hai là quốc gia được mời gia nhập sẽ gửi một bức thư chính thức về ý định tới Tổng thư ký NATO, trong đó có nội dung rằng họ chấp nhận các nghĩa vụ của mình đối với khối quân sự này.
Bước thứ ba là NATO chuẩn bị các nghị định thư gia nhập Hiệp ước Washington - văn kiện thành lập NATO - cho mỗi quốc gia được mời tham gia.
Bước thứ tư là chính phủ các nước thành viên NATO cần phải nhất trí phê chuẩn nghị định thư, theo luật pháp của riêng quốc gia đó.
Bước cuối cùng là sau khi chính phủ của tất cả các thành viên NATO chấp thuận việc gia nhập, các thành viên NATO sẽ thông báo cho chính phủ Mỹ, nơi lưu ký Hiệp ước Washington. Sau đó, Tổng thư ký NATO mời các nước mới tham gia liên minh.
Hãng thông tấn AP (Mỹ) dẫn lời một số quan chức NATO cho biết quá trình gia nhập của Phần Lan và Thụy Điển có thể được hoàn tất "trong vài tuần”. Nhưng quá trình này cũng có thể mất nhiều thời gian hơn thế, tùy thuộc vào phần “câu giờ” nhất của quy trình là tất cả các nước thành viên NATO phê chuẩn nghị định thư của quốc gia muốn gia nhập. Tờ Sky News lại tính toán rằng quá trình này có thể kéo dài đến 1 năm.
TTXVN
Điều kiện vay vốn với trường mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng Covid-19