(LSO) - Sáng ngày 22/7, Bộ Y tế tổ chức Hội thảo “Triển khai nghiên cứu sản xuất, thử nghiệm lâm sàng, cấp phép đăng ký, sử dụng vaccine Covid-19 tại Việt Nam”. Theo Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Việt Nam là 1 trong 38 quốc gia có thể xuất khẩu vaccine phòng ngừa Covid-19.
Ngày 22/7, Bộ Y tế tổ chức Hội thảo "Triển khai nghiên cứu sản xuất, thử nghiệm lâm sàng, cấp phép đăng ký, sử dụng vaccine Covid-19 tại Việt Nam".
Chủ trì hội nghị, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới, việc nghiên cứu sản xuất và làm chủ nguồn cung cấp vaccine phòng Covid-19 trong nước là hết sức quan trọng.
Đặc biệt, Việt Nam đã có Hệ thống quản lý chất lượng vaccine (NRA) theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), do đó nếu sản xuất thành công vaccine Covid-19 trong nước có thể xuất khẩu, góp phần phòng đại dịch cho các nước trên thế giới.
Ông Long cũng cho biết, Việt Nam hiện đang kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, cách ly xã hội hay giãn cách xã hội vẫn chỉ là biện pháp tạm thời để hạn chế số ca lây nhiễm mới và ngăn chặn sự phát triển, bùng phát của đại dịch, còn giải pháp hiệu quả nhất để thực sự đẩy lùi dịch bệnh này vẫn là vaccine.
“Có nhiều ý kiến khác nhưng nếu không có vaccine thì khó có thể cuộc sống bình thường như trước đây. Đây là thách thức lớn với toàn cầu, toàn nhân loại”, Quyền Bộ trưởng Long nhấn mạnh.
Hện nay, Việt Nam đã ghi nhận 401 ca mắc Covid-19, chủ yếu là ca bệnh xâm nhập từ nước ngoài. Như vậy, nước ta đã qua gần 100 ngày không phát hiện trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng.
“Nhiều bài học thành công, kinh nghiệm của Việt Nam được bạn bè quốc tế ghi nhận nhưng chúng tôi nhận thấy một điều nếu không có vaccine, với việc giao lưu đi lại thương mại bình thường thì cuộc sống không trở về bình thường như mong muốn. Cũng chính vì điều này, Bộ Y tế rất quan tâm, chỉ đạo trong thời gian qua để làm sao Việt Nam sớm có vaccine”, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế chia sẻ.
Đến nay, trên toàn cầu có 24 loại vaccine tiến tới thử nghiệm giai đoạn 3, đã có những vaccine đánh giá có kết quả khá tốt. Cả thế giới đều đang rất nỗ lực để sớm có được vaccine Covid-19, mọi thủ tục quy trình đã được thảo luận rút ngắn để đảm bảo vấn đề chất lượng và thời gian.
Theo Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Việt Nam hiện là 1 trong 42 quốc gia có thể sản xuất vaccine. Với dịch bạch hầu ở Tây Nguyên, một số tỉnh miền Trung, Việt Nam đã hoàn toàn chủ động được việc sản xuất, cung cấp đủ cho nhu cầu của các địa phương nhằm phòng chống dịch hiệu quả.
Tương tự với Covid-19, chúng ta cũng đặt vấn đề sản xuất để đảm bảo an ninh vaccine. Việt Nam cũng là 1 trong 38 quốc gia có cơ quan quản lý vaccine theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới, mở ra cơ hội hợp tác, xuất khẩu vaccine với các nước.
Tại hội nghị, ông Vũ Hương, Cố vấn kỹ thuật Khu vực - Trung tâm Sáng kiến và Tiếp cận Vaccine cho biết, đến ngày 15/7, trên toàn cầu có 163 ứng viên vaccine Covid-19 đang được nghiên cứu và phát triển; 23 vaccine đang ở trong giai đoạn thử nghiệm trên người, còn lại 140 ứng viên đang ở giai đoạn tiền lâm sàng (trong đó có các vaccine của Việt Nam).
Cả thế giới đều đang rất nỗ lực để sớm có được vaccine Covid-19, mọi thủ tục quy trình đã được thảo luận rút ngắn để đảm bảo các vấn đề về chất lượng và thời gian.
Hiện tại, ở Việt Nam có 4 nhà sản xuất trong nước (VABIOTECH, POLYVAC, IVAC, NANOGEN) đang tập trung nghiên cứu vaccine Covid-19, mỗi nhà sản xuất đi theo hướng khác nhau nhưng bước đầu đều cho thấy kết quả khả quan.
Lãnh đạo Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo các nhà sản xuất, các đơn vị nghiên cứu tiếp tục chủ động, tích cực nghiên cứu sản xuất vaccine Covid-19;
Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chức năng của Bộ đẩy nhanh quá trình kiểm định, thẩm định hồ sơ nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, cấp phép lưu hành vaccine phòng Covid-19 nhằm tạo điều kiện thúc đẩy công tác nghiên cứu, sản xuất vaccine này tại Việt Nam trong thời gian ngắn nhất nhưng phải đảm bảo nguyên tắc an toàn và hiệu quả.
Trước đó, khoảng 6h sáng cùng ngày 22/7, Bộ Y tế đã thông báo ngày thứ hai liên tiếp ghi nhận nhóm lớn bệnh nhân Covid-19 mới. Nhóm này có 5 bệnh nhân, đều mới từ Mỹ và Nga về nước, đưa tổng số ca Covid-19 lên 401. Cụ thể, bệnh nhân thứ 397 là nữ, 58 tuổi, ở phường Trung Mỹ Tây, quận 12, TP.HCM. Ngày 16/7, bệnh nhân từ Mỹ về sân bay Vân Đồn trên chuyến bay VN1, được cách ly sau nhập cảnh tại trung đoàn 125, Cộng Hòa, Chí Linh, Hải Dương. Bệnh nhân được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh lấy mẫu xét nghiệm lần 1 ngày 17/7, kết quả nghi ngờ dương tính với SARS-CoV-2, ngày 20/7 lấy mẫu xét nghiệm lần 2, kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Mẫu được gửi Viện Vệ sinh Dịch tễ trung ương ngày 21/7 cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Hải Dương. Các bệnh nhân còn lại bao gồm: Bệnh nhân thứ 398 là nam, 25 tuổi, có địa chỉ tại Yên Đồng, Ý Yên, Nam Định. Bệnh nhân thứ 399 là nam, 25 tuổi, có địa chỉ tại Trung Dũng, Tiên Lữ, Hưng Yên. Bệnh nhân thứ 400 là nam, 25 tuổi, có địa chỉ tại Tiên Phong, Ba Vì, Hà Nội. Bệnh nhân thứ 401 là nam, 24 tuổi, có địa chỉ tại Điền Xá, Nam Trực, Nam Định. Ngày 17/7, cả 4 trường hợp này từ Liên bang Nga (quá cảnh Belarus) về Sân bay Vân Đồn trên chuyến bay VN5062 (trước đó đã có 12 ca dương tính trên chuyến bay này ghi nhận tại Ninh Bình là 8 ca, Nam Định là 4 ca), được cách ly ngay sau nhập cảnh tại Trung đoàn 814, tỉnh Hòa Bình. Các bệnh nhân được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hòa Bình lấy mẫu xét nghiệm, kết quả xét nghiệm ngày 18/7 nghi ngờ dương tính với SARS-CoV-2, mẫu lần 2 được gửi Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương xét nghiệm, kết quả xét nghiệm ngày 21/7 có 4 mẫu dương tính với SARS-CoV-2. Hiện cả 4 bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình. Như vậy, tính đến 6h ngày 22/7, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 261 ca nhiễm nhập cảnh, các bệnh nhân được cách ly ngay sau khi nhập cảnh. Cả nước đã ghi nhận 401 ca mắc Covid-19. |
LÂM HOÀNG(t/h)