Quyền cư trú chính trị trong luật quốc tế

12/06/2018 23:51 | 5 năm trước

LSVNO - Vấn đề cư trú chính trị không chỉ tạo ra mối quan hệ căng thẳng giữa quốc gia mà người đó đang cư trú với quốc gia sở tại nơi người nước ngoài xin “tị nạn” mà còn với các quốc gia yêu ch...

LSVNO - Vấn đề cư trú chính trị không chỉ tạo ra mối quan hệ căng thẳng giữa quốc gia mà người đó đang cư trú với quốc gia sở tại nơi người nước ngoài xin “tị nạn” mà còn với các quốc gia yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Quyền con người là một giá trị cơ bản và quan trọng của nhân loại, được hình thành qua sự phát triển của lịch sử và là đặc trưng của xã hội văn minh. Được chính thức pháp điển hóa trong luật quốc tế từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, quyền con người đã trở thành một hệ thống các tiêu chuẩn pháp luật quốc tế có tính chất bắt buộc với mọi quốc gia. Pháp luật xác lập và bảo vệ sự bình đẳng giữa các cá nhân trong xã hội và sự độc lập tương đối của các cá nhân với tập thể, cộng đồng, nhà nước, thông qua việc pháp điển hóa các quyền và tự do tự nhiên, vốn có của cá nhân. Quyền tự do đi lại, cư trú là một trong những quyền cơ bản của con người được cộng đồng quốc tế thừa nhận: “Mọi người đều có quyền rời khỏi lãnh thổ nước nào, kể cả nước mình và quyền trở về xứ sở”[1], “Trước sự ngược đãi, mọi người đều có quyền tị nạn và tìm sự dung thân ở các quốc gia khác. Quyền này không được kể đến trong trường hợp bị truy nã thật sự vì các tội phạm không có tính chính trị, hay do những hành vi trái với những mục tiêu và nguyên tắc của Liên hợp quốc”[2]. Tuy đã được quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật quốc tế nhưng vấn đề cư trú chính trị hiện nay vẫn chưa được các quốc gia thực hiện một cách đồng bộ, thống nhất, dẫn đến cuộc sống của những người đứng ra đấu tranh bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người luôn bị đe dọa.

Nhận thức về vấn đề cư trú chính trị

Các quy định về cư trú chính trị được ghi nhận trong Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền năm 1948 và Tuyên bố về cư trú lãnh thổ năm 1967. Từ sau Cách mạng tư sản Pháp, cư trú chính trị đã trở thành một chế định pháp lý được ghi nhận trong Điều 20 Hiến pháp của Pháp năm 1973: “Những người nước ngoài bị truy nã vì đấu tranh cho tự do, được quyền cư trú chính trị” và đến nay đã được thừa nhận rộng rãi trong quan hệ quốc tế.

Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền năm 1948 đã nêu rõ: “Mỗi người đều có quyền tìm kiếm và được hưởng quy chế tị nạn tại nước khác, thoát khỏi sự săn đuổi”. Hay như trong Tuyên bố về quyền cư trú chính trị năm 1967: “Quyền cư trú chính trị cần được trao cho những người đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân. Các nước cần phải giúp đỡ những người này để họ có thể nhập cảnh, không trục xuất họ hoặc cưỡng bức họ trở về nước mà họ đang bị truy nã…”. Bên cạnh đó, người nước ngoài đang cư trú chính trị được quốc gia sở tại bảo đảm về an ninh cũng như cam kết không bị dẫn độ hoặc trục xuất về nước mà họ là công dân hoặc nước mà họ đã cư trú trước khi được cư trú chính trị theo yêu cầu của các quốc gia này.

Tuy nhiên, vấn đề cư trú chính trị không chỉ tạo ra mối quan hệ căng thẳng giữa quốc gia mà người đó đang cư trú với quốc gia sở tại nơi người nước ngoài xin “tị nạn” mà còn với các quốc gia yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Cư trú chính trị hay còn được gọi là tị nạn chính trị bao gồm hai hình thức là “tị nạn ngoại giao” và “tị nạn lãnh thổ”.

Tị nạn ngoại giao là việc một người đang cư trú tại một nước nhưng trốn tránh sự truy nã của nước này bằng cách vào cơ quan đại diện ngoại giao, lên máy bay quân sự, tàu quân sự của nước khác đang hoạt động trên lãnh thổ nước sở tại để xin cư trú. Năm 2010, khi trang mạng Wikileaks cho công khai hàng ngàn tài liệu mật có liên quan đến ngoại giao, quân sự của Mỹ trong cuộc chiến tranh ở Irag và Afganistan đã khiến cho cộng đồng quốc tế lên án. Để chống lại nhà sáng lập Wikileaks Julian Assange, một vụ án “xâm hại tình dục” đã được Chính phủ Thụy Điển tiến hành, còn Mỹ đã cáo buộc ông tội xâm phạm an ninh quốc gia do phát tán hàng ngàn tài liệu mật. Sau đó, Julian Assange đã xin cư trú chính trị tại Đại sứ quán Ecuador ở London (Anh) nhưng Chính phủ Anh không cho Assange rời London và đe dọa tấn công Đại sứ quán Ecuador vì họ có nghĩa vụ giao Assange cho Thụy Điển. Ngay lập tức, chính quyền Ecuador đã lên tiếng phản đối quyết liệt và đề nghị tổ chức Hội nghị cấp ngoại trưởng liên minh Bolivar vì các dân tộc Mỹ Latinh (ALBA). Tất cả các ngoại trưởng có mặt tại hội nghị đều tuyên bố ủng hộ quyết định của Ecuador cho Julian Assange cư trú chính trị và nếu cảnh sát Anh xâm nhập vào Đại sứ quán Ecuador tại London thì họ đã vi phạm quyền miễn trừ ngoại giao[3].

Tị nạn lãnh thổ là việc một người đang cư trú ở nước này chạy trốn sang lãnh thổ nước khác để xin nhập cảnh và cư trú. Năm 2013, Edwad Snowden - cựu điệp viên tình báo của CIA đã tiết lộ về hệ thống giám sát của tình báo Mỹ đối với nhiều quốc gia trên thế giới. Prism là hệ thống cho phép NSA và Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) truy cập trực tiếp hệ thống máy chủ của các công ty internet Mỹ như Google, Apple, Microsoft, Facebook và AOL. Hệ thống này thu thập các thư điện tử, cuộc gọi trò chuyện qua video, tin nhắn trên mạng… Họ nghe lén điện thoại của thủ tướng Đức, tổng thống Pháp, cũng như khoảng 35 vị lãnh tụ khác trên thế giới… Họ đọc lén email, nghe lén điện thoại, và qua hệ thống định vị gắn liền với điện thoại di động, có thể theo dõi từng đường đi nước bước của mọi đối tượng họ chọn lựa. NSA cũng lấy dữ liệu cuộc gọi của hàng triệu công dân Mỹ.

Ngay sau khi sự thật bị tiết lộ, Mỹ đã buộc tội Snowden hoạt động gián điệp, ăn cắp và “chuyển đổi tài sản của Chính phủ”. Đồng thời Mỹ đã hủy hộ chiếu của Snowden cũng như gây sức ép đối với các nước mà cựu điệp viên CIA Edward Snowden có đơn xin tị nạn. Bên cạnh đó, Mỹ hối thúc các đồng minh châu Âu ngăn chặn và đóng cửa không phận đối với chuyên cơ của Tổng thống Bolivia vì tình nghi có Snowden, các phát biểu mang tính đe dọa của giới chức Mỹ đối với Trung Quốc và Nga, đe dọa cắt đứt quan hệ thương mại với Ecuador cũng như gây áp lực đối với các nước có ý định chấp thuận đơn xin tị nạn của Edward Snowden - người đang bị Mỹ truy tố về tội tiết lộ bí mật quốc gia, là một hành động vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế[4].

Qua hai vụ việc trên, có thể thấy rằng quyền cư trú là một chế định pháp lý quốc tế nhưng việc dành cho một người được hưởng quyền cư trú chính trị lại là quyền của quốc gia. Mặc khác, Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền năm 1948 và Tuyên bố về quyền cư trú chính trị năm 1967 lại không dành quyền cư trú chính trị đối với các đối tượng phạm tội ác quốc tế, làm tổn hại đến mục đích, nguyên tắc hoạt động của Liên hợp quốc. Theo Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền năm 1948: “Quyền này không thể được viện dẫn theo trường hợp bị truy nã và thực sự không phải vì những tội không phải chính trị hoặc vì những hành động đi ngược lại nguyên tắc và mục đích của Liên hợp quốc”. Điều này đã dẫn đến mâu thuẫn khi xác định giữa “anh hùng” và “tội phạm”.

Thực tiễn thực hiện quyền cư trú chính trị

Hiện nay, trong các điều ước quốc tế cũng như các văn bản pháp luật của các quốc gia chỉ quy định chung chung về việc “một quốc gia cho phép người nước ngoài đang bị truy nã trên lãnh thổ quốc gia mà họ là công dân hoặc quốc gia mà họ đang cư trú do hành vi đấu tranh cho độc lập, dân chủ, tiến bộ xã hội hoặc bất đồng quan điểm về chính trị, tôn giáo… được quyền nhập cảnh và cư trú trên lãnh thổ nước mình”, nhưng hành vi dẫn đến việc người đó bị truy nã lại không được quy định rõ ràng. Ví dụ như trong trường hợp của người sáng lập Wikileaks Julian Assange hay cựu điệp viên CIA Edward Snowden, họ đều là những người đấu tranh cho dân chủ, tiến bộ xã hội trong mắt cộng đồng quốc tế khi sẵn sàng công khai sự thật về cuộc chiến tranh ở Irag và Afganistan cũng như hệ thống gián điệp toàn cầu của Mỹ. Nhưng ngược lại đối với chính quyền nước Mỹ, họ là những tội phạm hoạt động gián điệp đã tiết lộ bí mật quốc gia và đang bị truy nã. Vậy các quốc gia dựa vào đâu để cho phép những người đang bị truy nã đó cư trú chính trị hay dẫn độ họ về nước?

Cơ sở chung để một người được hưởng quyền cư trú chính trị là người đó đang bị truy tố vì lý do chính trị chứ không phải hình sự. Người xin cư trú chính trị không bị dẫn độ đến các quốc gia mà ở đó có thể họ phải đối mặt với hình phạt nặng hơn so với nước sở tại. Ngoài ra, trong một số trường hợp, pháp luật quốc tế cho phép các quốc gia cấp quy chế tị nạn chính trị cho những người đang tị nạn tại quốc gia mình.

Thủ tục cấp quy chế tị nạn chính trị ở mỗi nước lại có những khác biệt nhất định. Ở Nga, người xin tị nạn phải viết đơn và gửi đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ở Mỹ và các nước châu Âu, người tị nạn phải gửi gói tài liệu bao gồm bằng chứng về việc ở nước mình người tị nạn đã bị đàn áp vì lý do tôn giáo, dân tộc hoặc khuynh hướng tình dục… đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Ngoài ra, đối với những đối tượng đang bị truy nã xin cư trú chính trị, cơ quan điều tra của các nước có thể thông qua con đường ngoại giao hoặc phối hợp với Interpol để dẫn độ đối tượng đang bị truy nã về nước. Vấn đề đặt ra ở đây là việc dẫn độ tội phạm chỉ được thực hiện nếu giữa hai nước có ký kết hiệp định dẫn độ. Do đó, mặc dù Mỹ thông qua con đường ngoại giao yêu cầu Nga không cho Edward Snowden cư trú và dẫn độ về Mỹ nhưng Nga có đầy đủ cơ sở pháp lý để từ chối vì giữa Nga và Mỹ không hề có bất kỳ hiệp định dẫn độ tư pháp nào.

Từ những quy định của việc dẫn độ trong pháp luật Việt Nam như Luật Tương trợ tư pháp 2007, Luật Quốc tịch 2008, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cùng với các điều ước quốc tế đa phương và các hiệp định tương trợ tư pháp giữa các nước, có thể hiểu “dẫn độ tội phạm là việc một quốc gia chuyển giao cho quốc gia khác công dân của quốc gia được chuyển giao đang có mặt trên lãnh thổ của quốc gia mình, mà người đó đã có hành vi phạm tội thuộc thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự của quốc gia được chuyển giao hoặc đã bị tòa án của quốc gia được chuyển giao kết án và bản án đã có hiệu lực pháp luật để quốc gia được chuyển giao tiếp tục truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành hình phạt đối với người đó trên cơ sở các điều ước quốc tế và pháp luật của mỗi quốc gia”.[5]

Trên thực tế, quốc gia mà người phạm tội mang quốc tịch, quốc gia nơi tội phạm xảy ra, nơi tội phạm hoàn thành hoặc quốc gia bị tội phạm xâm phạm đều có quyền yêu cầu dẫn độ. Nhưng việc có chấp nhận dẫn độ hay không lại phụ thuộc vào quyết định của quốc gia được yêu cầu dẫn độ. Nếu nhiều quốc gia yêu cầu dẫn độ một người thì quốc gia được yêu cầu căn cứ vào pháp luật của quốc gia mình, điều ước quốc tế đa phương, song phương có liên quan và tình hình tội phạm cụ thể để đưa ra quyết định có chấp nhận yêu cầu dẫn độ của một trong số các quốc gia đó hay không. Nếu có một yêu cầu dẫn độ phù hợp với điều ước quốc tế có liên quan giữa các quốc gia thành viên, yêu cầu đó phải được thi hành. Nếu từ chối không có cơ sở thì quốc gia được yêu cầu đã vi phạm nghĩa vụ quốc tế của mình, đồng thời làm ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa hai quốc gia. Hoạt động dẫn độ tội phạm tuân thủ các nguyên tắc của pháp luật quốc tế và những nguyên tắc riêng của dẫn độ.

Như vậy, các căn cứ xác định quyền được cư trú chính trị chưa được quy định cụ thể, rõ ràng. Trình tự, thủ tục cấp quy chế tị nạn của các quốc gia còn chưa thống nhất. Đặc biệt, hoạt động dẫn độ tội phạm chỉ được áp dụng đối với những trường hợp phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự và phụ thuộc vào quốc gia được yêu cầu có chấp nhận đề nghị dẫn độ đó hay không.

Đối với hành động công bố 1,7 triệu tài liệu mật của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ, xét về mặt luật pháp, việc một nhân viên làm trong ngành tình báo tiết lộ thông tin tối mật liên quan đến an ninh quốc gia là hành động phản bội, phản bội lại lời thề trung thành với đất nước và mang thông tin do hệ thống tình báo thu thập được đưa ra công khai là một hành vi đánh cắp tài sản. Hành động của Snowden cũng ảnh hưởng lớn đến quan hệ giữa Mỹ với các nước đồng minh trên thế giới. Như vậy, theo luật pháp Mỹ thì Snowden là người có tội, cần phải được xét xử để thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật cũng như hạn chế việc tiết lộ bí mật quốc gia. Tuy nhiên, đứng trên góc độ bảo vệ quyền con người, Snowden hay Julian Assange đều đóng góp to lớn cho nền dân chủ tại Mỹ cũng như trên thế giới. Thông qua những tài liệu mật được tiết lộ, người Mỹ biết được mọi cuộc điện đàm hay email cũng như mọi thông tin cá nhân của họ bị theo dõi như thế nào, và sự riêng tư, vốn được xem là một quyền bất khả xâm phạm của họ bị xâm phạm ra sao. Nhân dân trên toàn thế giới có thể thấy được cuộc sống của người dân ở các nước Irag, Afganistan đã thay đổi thế nào từ khi Mỹ phát động các cuộc chiến tranh tiêu diệt phiến quân, chống khủng bố làm cho hàng ngàn dân thường thiệt mạng từ những tài liệu mà Wikileads công bố.

Sau những vụ phát tán các tài liệu mật, ngày 24/6/2014, Hạ viện Mỹ buộc phải thông qua dự luật bảo vệ quyền lợi của các nhân viên tình báo chính phủ trong trường hợp họ tiết lộ bí mật quốc gia. Dự luật này trước đó cũng đã được Thượng viện thông qua. Mục VI của dự luật quy định cấm sa thải, giáng chức hoặc áp dụng các hình thức phạt đối với những nhân viên tình báo tố giác các vụ việc vi phạm cho các cơ quan điều tra liên bang như Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA), Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA), Văn phòng Giám đốc tình báo quốc gia hay các nghị sĩ thành viên của các ủy ban tình báo.[6]

Dự luật bảo vệ quyền lợi người tiết lộ thông tin mật được thông qua là một bước tiến mới cho con đường bảo vệ quyền con người, là căn cứ xác đáng để các quốc gia xem xét cho những người dám đấu tranh cho nền dân chủ, tiến bộ được hưởng quyền cư trú chính trị. Đồng thời, các quốc gia cũng như các tổ chức quốc tế cần phối hợp với nhau để thực thi hiệu quả quyền cư trú chính trị, bảo vệ quyền con người. Thứ nhất, cần quy định cụ thể về những hành vi mà người xin cư trú chính trị có thể thực hiện trước đó. Những hành vi này phải phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc cũng như các điều ước quốc tế. Thứ hai, các quốc gia cần thống nhất về quy trình cấp thủ tục cư trú chính trị. Thứ ba, trong trường hợp các quốc gia đã ký hiệp định tương trợ tư pháp lẫn nhau, cần xem xét hành vi phạm tội của người xin cư trú chính trị trước khi tiến hành dẫn độ về quốc gia yêu cầu.

Trần Ngọc Thúy

[1] Điều 13 Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền năm 1948.

[2] Điều 14 Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền năm 1948.

[3] http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/phan-tich/dang-sau-vu-bat-giu-julian-   assange- 2182503.html

[4] http://baophapluat.vn/ho-so-vu-an/toan-canh-vu-tiet-lo-bi-mat-cua-edward-   snowden-177609.html

[5] Ths Ngô Thanh Xuyên, Viện Khoa học pháp lý - Bộ Tư pháp,  Dẫn độ tội phạm trong hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam với một số quốc gia trên thế giới.

[6] http://www.vietnamplus.vn/quoc-hoi-my-duyet-du-luat-bao-ve-quyen-loi-nguoi-tiet-lo-tin-mat/267648.vnp