Quyền của cá nhân đối với hình ảnh

16/11/2017 19:30 | 6 năm trước

LSVNO - So với quy định tại Điều 31 BLDS năm 2005, quy định về quyền của cá nhân đối với hình ảnh trong BLDS năm 2015 có nhiều điểm mới, theo đó, nhà làm luật đã xây dựng cơ chế bảo vệ chặt chẽ hơ...

LSVNO - So với quy định tại Điều 31 BLDS năm 2005, quy định về quyền của cá nhân đối với hình ảnh trong BLDS năm 2015 có nhiều điểm mới, theo đó, nhà làm luật đã xây dựng cơ chế bảo vệ chặt chẽ hơn về quyền của cá nhân đối với hình ảnh của mình, nghĩa là, khi sử dụng hình ảnh của một ai đó, yêu cầu phải được sự chấp thuận của người có hình ảnh được sử dụng và phải trả thù lao nếu có phát sinh lợi nhuận.

Quyền của cá nhân đối với hình ảnh, Điều 32 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 quy định:

“1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.

Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.

Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ: a) Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; b) Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh. Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật”.

So với quy định tại Điều 31 BLDS năm 2005, quy định về quyền của cá nhân đối với hình ảnh trong BLDS năm 2015 có nhiều điểm mới, theo đó, nhà làm luật đã xây dựng cơ chế bảo vệ chặt chẽ hơn về quyền của cá nhân đối với hình ảnh của mình, nghĩa là, khi sử dụng hình ảnh của một ai đó, yêu cầu phải được sự chấp thuận của người có hình ảnh được sử dụng và phải trả thù lao nếu có phát sinh lợi nhuận. Việc sử dụng hình ảnh không phép chỉ áp dụng với trường hợp vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích cộng đồng hoặc trong các hoạt động công khai công cộng. Ngoài ra, luật cho phép người bị xâm phạm yêu cầu tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh và bồi thường thiệt hại, kể cả với trường hợp sử dụng trái phép cho mục đích phi lợi nhuận.

Quy định như trên được xem là phù hợp với xu hướng luật pháp quốc tế cũng như văn hóa của người Việt, khích lệ các hành xử nhân văn, nhân ái trong xã hội và bảo vệ tốt hơn quyền đối với hình ảnh của công dân và bảo đảm tính khách quan, có trách nhiệm hơn của các cơ quan báo chí, của cộng đồng mạng xã hội.

Hành vi phát tán hình ảnh của cá nhân xâm hại tới danh dự, nhân phẩm, uy tín của người đó. Hành vi này thực hiện bằng cách khi có được hình ảnh của một người, nhất là hình ảnh thuộc về đời sống riêng tư của cá nhân, hình ảnh có tính chất “nhạy cảm”có thể là do tư thù hoặc bất kỳ lý do nào họ đã đăng tải trên các phương tiện thông tin, tạo hiệu ứng lan truyền nhanh trong cộng đồng, nhằm mục đích bôi nhọ danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh hoặc chỉ để “trêu đùa” không có dụng ý xấu. Theo quy định của pháp luật, người thực hiện hành vi đó phải chịu trách nhiệm.

Xâm phạm hình ảnh cá nhân còn được thể hiện thông qua việc một số các cơ quan báo chí công bố những hình ảnh được cá nhân thực hiện bảo mật. Hoạt động của báo chí đã xâm phạm quyền nhân thân đối với hình ảnh của cá nhân, sử dụng hình ảnh xâm phạm bí mật cá nhân, đời sống riêng tư. Hành vi này biểu hiện ở việc cá nhân bị phát tán những bức hình, cảnh quay riêng tư, nó thuộc đời sống sinh hoạt riêng tư của một người hoặc mặc dù là những hình ảnh bình thường nhưng cá nhân thực hiện vào việc bảo mật những bức ảnh đó thì việc công bố phát tán những bức ảnh, cảnh quay đó là xâm phạm tới bí mật cá nhân, đời sống riêng tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Hiến pháp năm 2013: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn”.

Tại khoản 5 Điều 9 Luật Báo chí hiện hành có quy định cấm “Tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật Nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật”.

Khoản 3 Điều 5 Nghị định 51/2002/NĐ-CP ngày 26/4/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Báo chí, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí quy định những điều không được thông tin trên báo chí. Theo đó, “Không được đăng, phát ảnh của cá nhân mà không có chú thích rõ ràng hoặc làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cá nhân đó (trừ ảnh thông tin các buổi họp công khai, sinh hoạt tập thể, các buổi lao động, biểu diễn nghệ thuật, thể dục thể thao, những người có lệnh truy nã, các cuộc xét xử công khai của tòa án, những người phạm tội trong các vụ trọng án đã bị tuyên án)”.

Tại điểm c khoản 1 Điều 10 Nghị định 56/2006/NĐ-CP ngày 06/6/2006 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa, thông tin có quy định: “Phạt tiền từ 01 triệu đồng đến 03 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: đăng, phát ảnh của cá nhân mà không được sự đồng ý của người đó hoặc thân nhân người đó, trừ các trường hợp tìm thân nhân của nạn nhân, ảnh của người đã bị khởi tố hình sự hoặc đang chấp hành hình phạt tù giam, ảnh thông tin về các hoạt động tập thể”.

Tại điểm e khoản 2 Điều 8 Nghị định 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí quy định: “Phạt tiền từ 01 triệu đồng đến 03 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: đăng, phát ảnh của cá nhân mà không được sự đồng ý của người đó, trừ các trường hợp pháp luật có quy định khác”.

Việc xâm phạm hình ảnh cá nhân với sự hỗ trợ của các phương tiện hiện đại như các thiết bị máy quay, máy chụp ảnh hiện đại giúp người ta quay lén, chụp ảnh ở các góc độ đã ghi nhận lại những hình ảnh không đẹp của một số người. Chính điều này làm tăng tính chất nguy hiểm của hành vi xâm phạm hình ảnh đối với xã hội, từ đó hành vi xâm phạm hình ảnh của cá nhân đã không chỉ là xâm phạm tới quan hệ dân sự nữa mà chuyển sang xâm phạm tới quan hệ được pháp luật hình sự điều chỉnh, một số tội như: tội “Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy” theo Điều 253 Bộ luật Hình sự năm 1999 (BLHS); tội “Làm nhục người khác” theo Điều 121 BLHS; tội “Cưỡng đoạt tài sản” theo Điều 135 BLHS.

Như vậy, theo tinh thần nội dung các quy phạm pháp luật liên quan đến hình ảnh của cá nhân cho thấy, chỉ riêng với Điều 5 Nghị định 51/2002/NĐ-CP đã mở rộng quyền của báo chí được sử dụng hình ảnh cá nhân là bị can, bị cáo bị tòa án đưa ra xét xử công khai đã bị tuyên án. Việc mở rộng quyền sử dụng hình ảnh cá nhân như vậy sẽ hạn chế quyền con người, quyền công dân, trái với quy định của Hiến pháp năm 2013 như đã trích dẫn và không phù hợp với quy định tại Điều 32 BLDS năm 2015. 

Thực tế, cũng không khó để tìm thấy nhiều, thậm chí rất nhiều hình ảnh “buồn”của những người trước đây họ là bị can, bị cáo đứng trước vành móng ngựa tại phiên tòa, những người không may “dấn thân” vào con đường lao lý từ nhiều năm trước. Nhưng hiện tại, trong số này, có người vẫn còn đang bị cách ly khỏi xã hội, để lao động học tập cải tạo thành người lương thiện; có người đã mãn hạn tù sum họp với gia đình; số khác đã được xóa án tích, trở thành doanh nhân có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội tại địa phương. Tuy nhiên, hình ảnh của một giai đoạn đau buồn nhất của họ vẫn đang được lưu giữ tràn lan trên internet!

Đó là chuyện đã xảy ra, khi mà Điều 32 BLDS năm 2015 chưa được Quốc hội thông qua, hy vọng sự tùy tiện sử dụng hình ảnh của cá nhân sẽ không còn tái diễn. Qua nghiên cứu nội dung quy định của Điều luật này, theo tác giả, còn có một số vấn đề thiết nghĩ cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần ban hành văn bản hướng dẫn nhằm thống nhất chung về nhận thức và áp dụng, cụ thể:

Tiêu chí nào để xác định thế nào là hình ảnh cá nhân, hình ảnh sinh hoạt tập thể?

Tiêu chí nào xác định đó là vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng khi sử dụng hình ảnh của người khác? Ngoài các hoạt động mang tính công cộng như hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật khi sử dụng hình ảnh mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh thì không cần có sự đồng ý của họ, bên cạnh đó, luật còn quy định hoạt động công cộng khác. Vậy các hoạt động công cộng khác được hiểu như thế nào cho đúng với tinh thần quy định tại điểm b khoản 2 Điều 32 BLDS năm 2015 và không mâu thuẫn với quy định quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình tại Điều 38 BLDS năm 2015?

Khái niệm “hình ảnh của cá nhân” bao gồm mọi hình thức tác phẩm ghi lại hình dáng của con người cụ thể như chụp, ảnh vẽ, ảnh họa chép và suy luận rộng ra có thể cả bức tượng của cá nhân đó nữa. Xét về mặt quyền sở hữu trí tuệ thì bức ảnh, tấm hình, pho tượng đều là loại hình tác phẩm, người sử dụng tác phẩm trước hết phải xin phép người chủ bản quyền (chủ sở hữu quyền tác giả) và trả cho họ một khoản lợi ích vật chất, đồng thời phải trả thù lao, nhuận bút cho người sáng tác (người chụp ảnh, sao chép, họa hình...). Còn xét về “quyền nhân thân của con người”, ai muốn sử dụng hình ảnh của cá nhân đều phải được sự đồng ý của người đó. Hình ảnh của cá nhân có thể được hiểu là sự tái hiện lại vẻ bề ngoài của một người bằng cách thức nào đó có thể ghi lại và gây ấn tượng thị giác cho những người khác. Khi được mọi người nhìn vào hình ảnh tái hiện đó có thể nhận diện được rằng đó là ai. Do đó, Điều 32 BLDS năm 2015 đã đặt ra những quy định cụ thể về quyền nhân thân đối với hình ảnh, theo hướng chặt chẽ hơn, khả thi hơn so với quy định tại Điều 31 BLDS năm 2005.

Về quyền của cá nhân đối với hình ảnh bị giới hạn trong trường hợp xung đột với quyền lợi chung, quyền lợi của bên thứ ba

Bản thân quyền nhân thân đối với hình ảnh là một quyền tuyệt đối của cá nhân. Quyền này hoàn toàn được bảo vệ một cách vô điều kiện khi cá nhân có hình ảnh thấy rằng hình ảnh của mình bị xâm phạm. Thực tế, nhiều văn bản luật dù chặt chẽ đến mấy cũng không thể giải quyết thỏa đáng được tất cả những vấn đề rắc rối phát sinh hàng ngày trong cuộc sống. Bởi vậy, quyền nhân thân đối với hình ảnh không nằm ngoài ngoại lệ này.

Khoản 1 Điều 32 BLDS 2015 quy định: “Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình”. Quy định này dẫn đến cách hiểu là cá nhân hoàn toàn được phép định đoạt những gì mình muốn với hình ảnh của mình, không một ai được quyền ngăn cản hay được phép xâm phạm. Tuy nhiên, quyền nhân thân của cá nhân đối với hình ảnh bị giới hạn trong trường hợp xung đột với quyền lợi chung. Nghĩa là quyền đối với hình ảnh có sự khác biệt về giá trị văn hóa, quan điểm và yếu tố xã hội góp phần làm nảy sinh các xung đột với các quyền lợi chung vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng. Cá nhân không thể viện dẫn quyền nhân thân đối với hình ảnh nếu họ chỉ có mặt trong một bức ảnh chụp phong cảnh hoặc ảnh chụp tại hội nghị, hội thảo, nơi tụ tập đông người như mít tinh, biểu tình,... Ở đây, người chụp ảnh không nhằm ghi hình của cá nhân đó mà ghi hình phong cảnh hoặc sự kiện đang diễn ra. Cá nhân đó chỉ là một bộ phận bổ trợ trong phong cảnh hoặc sự kiện đó. Trường hợp người chụp ảnh tập trung mô tả đương sự, trong đó phong cảnh và sự kiện chỉ đóng vai trò làm nền thì vấn đề quyền nhân thân đối với hình ảnh sẽ được đặt ra, chẳng hạn, cá nhân đó bị chụp cận cảnh hoặc tách hẳn với bối cảnh xung quanh.

Nghiên cứu các quy định của pháp luật hiện hành, tác giả thấy rằng không có quy định cụ thể nào phân biệt rõ hình ảnh bắt buộc phải có sự đồng ý của cá nhân và hình ảnh được phép ghi, chụp hình. Ví dụ, đối với hình ảnh được công bố nhằm mục đích truy nã, cơ quan cảnh sát điều tra được quyền đăng hình tội phạm bị truy nã, nhằm giúp người dân nhận biết được người đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, mà pháp luật hình sự coi là tội phạm. Tuy nhiên, cũng nên hiểu một cách đúng đắn về vấn đề này, tránh cách hiểu cứ có hành vi phạm tội là cơ quan nào cũng được phép đăng hình. Dù rằng, quy định đăng hình truy nã tội phạm chỉ thuộc cơ quan có thẩm quyền, tất nhiên, việc làm đó phải bảo đảm tuân thủ triệt để quy định của pháp luật hình sự và tố tụng hình sự. Ví dụ: Sau 03 tháng tham gia khóa huấn luyện chiến sĩ mới, Nguyễn Văn B được điều động về công tác tại đơn vị X. Ngày 15/9/1999 B tự ý bỏ đơn vị đi đến nhà người bạn tại tỉnh Đắc Nông và B ở luôn tại đây cùng làm rẫy với bạn mình. Ngày 04/10/1999 đơn vị tổ chức vận động đưa B trở lại đơn vị tiếp tục công tác. Đến 10/11/1999 B tiếp tục bỏ đơn vị đi mà không được phép. Do không rõ sau khi đào ngũ B ở đâu và làm gì, nên ngày 20/12/1999, cơ quan điều tra hình sự khu vực thuộc đơn vị X ra lệnh truy nã trên toàn quốc đối với B về tội “Vắng mặt trái phép” theo quy định tại Điều 259 BLHS năm 1985. Lệnh truy nã được gửi đến các nơi theo quy định, trong đó có địa phương nơi B đăng ký hộ khẩu thường trú. Đến ngày 19/6/2016, Công an thành phố H. bắt khẩn cấp B theo lệnh truy nã mà cơ quan điều tra hình sự khu vực đơn vị X ban hành cách đây 16 năm!

Vấn đề đáng quan tâm đó là, BLHS năm 1999 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2000, mà theo đó, Điều 259 BLHS năm 1985 đã bị bãi bỏ, nhưng cơ quan ban hành lệnh truy nã vẫn không có một hành động cần thiết nào để xử lý “Quyết định truy nã” đối với B cho phù hợp với sự chuyển biến của tình hình! Việc cơ quan đã phát lệnh truy nã, sử dụng hình ảnh của B đính kèm với lệnh truy nã chỉ“vì lợi ích quốc gia” là hoàn toàn chính xác, nhưng kể từ ngày 01/7/2000 cho đến khi B bị bắt (19/6/2016), khoảng thời gian dài gần 15 năm, B vẫn mang thân phận của người đang bị truy nã và đương nhiên hình ảnh của B vẫn được sử dụng để cơ quan chức năng truy tìm. Vậy liệu cơ quan đã phát hành lệnh truy nã có vi phạm quyền về hình ảnh cá nhân đối với B từ ngày 01/7/2000 cho đến khi cơ quan điều tra hình sự khu vực thuộc đơn vị X ra quyết định đình nã không?

Trường hợp xung đột với người thứ ba, đây là trường hợp tác giả muốn đề cập đến khía cạnh đối với những bức ảnh chụp chung với mọi người như chụp với bạn bè, gia đình, chụp tại hội nghị, hội thảo,… hoặc với những người nổi tiếng. Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 32 BLDS năm 2015, khi sử dụng hình ảnh đó, không cần thiết phải có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ. Nghĩa là, trong trường hợp này quyền nhân thân của cá nhân đối với hình ảnh cũng đã bị giới hạn. Bởi khi chụp chung với mọi người thì mặc nhiên thừa nhận là chấp nhận người chụp ảnh, ghi hình được phép sử dụng hình ảnh của mình. Hơn nữa, việc này cũng không gây thiệt hại gì cho người có mặt trong bức ảnh, nên họ không cần phải xin phép!?

Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, trong một số trường hợp, quyền nhân thân đối với hình ảnh có quan hệ chặt chẽ với quyền bí mật cá nhân, bí mật gia đình. Cũng như quyền nhân thân đối với hình ảnh, Điều 38 BLDS năm 2015 quy định quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, đây là những thông tin, tư liệu về tinh thần, vật chất, quan hệ xã hội hoặc những thông tin khác liên quan đến cá nhân, gia đình trong quá khứ cũng như trong hiện tại, được pháp luật bảo vệ và những thông tin đó được bảo mật bằng những biện pháp mà pháp luật thừa nhận. Như vậy, nếu đối tượng trong ảnh chụp là một nhóm người, nhưng trong nhóm người đó có cá nhân, dù cá nhân người đó không nổi tiếng, nhưng  người này cũng có đủ quyền để phản đối việc sử dụng hình ảnh của mình! Lúc này, quyền nhân thân đối với hình ảnh xuất phát từ quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân. Trước khi có thể sử dụng hình ảnh liên quan phải bảo đảm rằng người được chụp ảnh, ghi hình không bị tổn hại đến đời sống cá nhân, hình tượng riêng và bản thân họ không phản đối việc sử dụng hình ảnh đó. Ngược lại, với những bức ảnh vượt khỏi khuôn khổ đời tư, người có hình ảnh được chụp khi họ tham gia các buổi biểu tình, lễ hội công khai thì cá nhân đó có thể yêu cầu xử lý sao cho mình không thể bị nhận dạng trong bức ảnh đó. Điều này thể hiện sự tôn trọng với cá nhân đó. Quyền nhân thân đối với hình ảnh có đối tượng hẹp hơn quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, đó là, quyền nhân thân đối với hình ảnh có đối tượng cụ thể - hình ảnh của chính cá nhân đó, còn quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình có đối tượng là những thông tin, tài liệu về quá khứ liên quan đến cá nhân, gia đình họ.

Quyền của cá nhân đối với hình ảnh bị giới hạn trong trường hợp đương sự từ bỏ quyền của mình đối với hình ảnh

Tất cả các quyền dân sự của cá nhân đều được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Khi hành vi xâm phạm xảy ra thì hai bên có thể tự thỏa thuận. Nguyên tắc hòa giải luôn được pháp luật dân sự khuyến khích. Và chỉ khi hai bên không thống nhất ý chí được với nhau thì tranh chấp mới xảy ra và phát sinh thủ tục tố tụng. Tòa án là cơ quan xét xử các vụ việc này và tòa án chỉ thực sự tiến hành xét xử khi có đơn yêu cầu của đương sự. Đấu tranh, bảo vệ hình ảnh của mình trước hết phải là nghĩa vụ, quyền của chính người đó. Thực tế, cũng chưa xử lý tốt việc truy xét hay tìm ra manh mối kẻ phát tán nhưng hầu như những vụ bị phát tán hình ảnh (đặc biệt là hình ảnh khỏa thân) lên mạng xã hội thì không thấy người gây ra hành vi nhận trách nhiệm. Điều này đã gây ra tâm lý ngại không muốn khơi ra của chính người bị hại. Nạn nhân không tự mình viết đơn tố cáo, đề nghị cơ quan điều tra, xử lý thì những vụ việc trên chỉ dừng lại ở quan hệ dân sự, các bên tự thỏa thuận và giải quyết. Nếu chủ thể nào cần sự phân xử của tòa án thì buộc phải có yêu cầu thì tòa mới bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ. Hiện nay, xã hội có quá nhiều vụ xâm phạm hình ảnh của cá nhân như chụp ảnh lén lút, quay lén đời sống riêng tư ... và đăng tải lên internet với phản ứng dây chuyền cực nhanh và không thể kiểm soát nổi.

Do đó, không thể nói pháp luật không bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân mà do chính đương sự, trong nhiều trường hợp đã từ bỏ quyền này của mình. Quyền nhân thân đối với hình ảnh là một quyền cơ bản của con người nên cá nhân có toàn quyền xử sự đối với hành vi xâm phạm tới hình ảnh của mình. Nhưng một khi đương sự từ bỏ quyền này của mình thì mặc nhiên quyền nhân thân đối với hình ảnh đó của họ cũng bị từ bỏ.

Phân biệt quyền nhân thân đối với hình ảnh và quyền đối với từng hình ảnh cụ thể

Theo quy định tại đoạn 2 khoản 1 Điều 32 BLDS năm 2015: “Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác”. Nội dung quy định này, có thể hiểu: “người khác” ở đây là người có hình ảnh của chính họ đã được ai đó chụp ảnh, vẽ, tạc tượng; “người có hình ảnh” với “người khác” là một chủ thể. Ví dụ: Để quảng cáo cho sản phẩm X, công ty A phải trả thù lao cho người mẫu Y, vì công ty A đã sử dụng hình ảnh của cô Y để quảng cáo hàng mỹ phẩm của mình. Như vậy, trong tình huống này, “người khác” là người mẫu Y; người được nhận thù lao từ công ty A chính là “người có hình ảnh”, mà người đó cũng chính là cô Y.

Nhưng cũng có cách hiểu khác, cho rằng theo ngữ nghĩa quy định tại đoạn 2 khoản 1 Điều 32 BLDS năm 2015, thì “người có hình ảnh” được hiểu là người sở hữu hợp pháp hình ảnh của “người khác”. Vậy, với trường hợp người có hình ảnh hợp pháp của người khác thông qua một hợp đồng dân sự, thì người có hình ảnh hợp pháp đó có được quyền sử dụng hình ảnh của người khác để minh họa cho bài viết, cho tác phẩm của mình không? Ví dụ: Theo hợp đồng thỏa thuận giữa nhà báo A với người mẫu Diễm Q, Diễm Q đồng ý chụp bộ ảnh lịch năm 2016, giá trị hợp đồng 250 triệu đồng. Đây gọi là quyền đối với từng hình ảnh trong bộ ảnh lịch của Diễm Q. Quyền đối với bộ ảnh lịch này của người mẫu Diễm Q sẽ chấm dứt sau khi bộ ảnh này được chụp xong theo như đúng thỏa thuận ghi trong hợp đồng. Sau đó, bộ ảnh lịch này có thể được nhà báo A sử dụng mà không cần có sự đồng ý của Diễm Q, như việc nhà báo sử dụng một bức ảnh trong số bộ ảnh lịch đó để làm hình ảnh mang tính chất minh họa cho bài viết của mình trên các phương tiện truyền thông nhằm tìm đối tác, giới thiệu đến công chúng bộ ảnh lịch sẽ phát hành, việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp này chỉ cần sự chấp nhận của cơ quan truyền thông đăng tải, mà không cần có sự đồng ý của người mẫu Diễm Q.

Vậy nếu như nội dung như vừa phân tích là đúng, thì quy định tại đoạn 2 khoản 1 Điều 32 BLDS năm 2015 quả là “rắc rối”, nên rất cần sự giải thích thống nhất nhận thức. Mặt khác, cũng theo cách hiểu thứ hai, liệu sẽ có mâu thuẫn gì với quy định tại đoạn 1 khoản 1 Điều 32 BLDS năm 2015: “Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý”. Theo quan điểm người viết, điểm khác nhau cơ bản giữa quyền nhân thân đối với hình ảnh và quyền đối với từng hình ảnh cụ thể là quyền nhân thân đối với hình ảnh của cá nhân tồn tại vô thời hạn. Còn quyền đối với từng hình ảnh cụ thể sẽ chấm dứt khi hình ảnh đó được sử dụng đúng mục đích mà người có quyền đối với hình ảnh đó đã đồng ý. Quyền đối với từng hình ảnh cụ thể là việc cá nhân có quyền tự do định đoạt đối với từng bức ảnh phản chiếu lại hình ảnh của mình. Thường nhiều người vẫn nhầm lẫn quyền nhân thân của cá nhân đối với hình ảnh có thể đem ra trao đổi được. Thực chất thì hình ảnh mà cá nhân đem ra giao dịch là quyền tài sản đối với hình ảnh. Hình ảnh sau khi được chụp, vẽ,... trở thành một tài sản và cá nhân được phép bán quyền đối với hình ảnh cụ thể đó. Còn ngược lại, quyền nhân thân đối với hình ảnh của cá nhân không phải là một loại tài sản nên không thể định đoạt được, không được phép chuyển giao. Ở đây cần phải dung hòa đặc điểm không thể định đoạt của quyền nhân thân với giao dịch dân sự về hình ảnh. Việc chuyển giao quyền đối với từng bức ảnh cụ thể được thể hiện rõ nét ở khía cạnh những người nổi tiếng ký hợp đồng sử dụng hình ảnh của mình với các cơ quan thông tin, xuất bản. Do đó, việc phân biệt quyền nhân thân cơ sở với quyền nhân thân phái sinh là hoàn toàn hợp lý nhằm phân biệt quyền nhân thân gắn liền với cá nhân và quyền nhân thân được phép chuyển giao. Tức là quyền nhân thân cơ sở là quyền nhân thân của cá nhân đối với hình ảnh. Quyền nhân thân phái sinh là quyền khai thác danh tiếng của một cá nhân với mục đích thương mại (việc người nổi tiếng ký hợp đồng đồng ý cho phép sử dụng hình ảnh của mình là quyền nhân thân phái sinh). Quyền nhân thân phái sinh là quyền đối với từng bức ảnh cụ thể nhằm khai thác danh tiếng của mình để thu lợi nhuận.

 Ths. LS Lê Văn Sua