Ảnh minh họa.
Câu hỏi:Tôi mở tài khoản chứng khoán (TKCK) tại công ty chứng khoán và đã chuyển tiền vào tài khoản để thực hiện đầu tư chứng khoán. Tuy nhiên, trong khi tôi chưa thực hiện giao dịch chứng khoán, cũng chưa ủy quyền cho bất kỳ tổ chức, các nhân nào được quyền thay tôi thực hiện giao dịch chứng khoán, nhưng trên TKCK của tôi lại phát sinh giao dịch mua bán chứng khoán. Vậy, trong trường hợp này công ty chứng khoán, Uỷ ban Chứng khoán nhà nước có trách nhiệm như thế nào đối với tài sản của tôi?
Trả lời:
Liên quan đến trường hợp bạn hỏi, thứ nhất, căn cứ Điều 88 Luật Chứng khoán 2019 (có hiệu lực ngày 01/01/2021) quy định việc quản lý tài sản khách hàng của công ty chứng khoán như sau:
- Tài sản của khách hàng do công ty chứng khoán tiếp nhận và quản lý bao gồm tiền gửi giao dịch chứng khoán, chứng khoán lưu ký, lưu giữ tại công ty chứng khoán và các quyền có liên quan là tài sản thuộc quyền sở hữu của khách hàng, không phải là tài sản của công ty chứng khoán.
- Trường hợp công ty chứng khoán giải thể hoặc bị phá sản, tài sản của khách hàng phải được hoàn trả cho khách hàng sau khi trừ đi nghĩa vụ nợ phải trả của khách hàng đối với công ty chứng khoán.
Thứ hai, căn cứ Điều 9 Luật Chứng khoán 2019, Uỷ ban Chứng khoán nhà nước có nhiệm vụ và quyền hạn:
- Quản lý, giám sát hoạt động liên quan đến chứng khoán và thị trường chứng khoán của tổ chức, cá nhân;
- Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Thứ ba, Thông tư 121/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính về hoạt động của công ty chứng khoán (có hiệu lực từ ngày 15/02/2021) đã nêu rõ về trách nhiệm của công ty chứng khoán khi thực hiện nghiệp vụ môi giới chứng khoán.
Theo đó, công ty chứng khoán phải bố trí người hành nghề chứng khoán làm việc tại các vị trí sau: Tư vấn, giải thích hợp đồng và thực hiện các thủ tục mở tài khoản giao dịch chứng khoán cho khách hàng; tư vấn giao dịch chứng khoán cho khách hàng; nhận lệnh, kiểm soát lệnh giao dịch của khách hàng.
Công ty chứng khoán thực hiện nghiệp vụ môi giới chứng khoán không được:
- Thỏa thuận và đưa ra lãi suất cụ thể hoặc chia sẻ lợi nhuận hoặc thua lỗ với khách hàng để lôi kéo khách hàng tham gia giao dịch;
- Nhận lệnh, thanh toán giao dịch với người không phải là người đứng tên tài khoản mà không có ủy quyền của người đứng tên tài khoản bằng văn bản;
- Sử dụng tên hoặc tài khoản của khách hàng để đăng ký, giao dịch chứng khoán;
- Xâm phạm tài sản, quyền và lợi ích khác của khách hàng.
Đồng thời, Thông tư 121 cũng quy định rõ trách nhiệm của công ty chứng khoán đối với khách hàng khi thực hiện nghiệp vụ môi giới như sau:
- Công ty chứng khoán phải ký hợp đồng mở tài khoản giao dịch chứng khoán với khách hàng, trực tiếp thực hiện giao dịch chứng khoán cho khách hàng và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hoạt động này.
- Công ty chứng khoán phải theo dõi chi tiết tiền và chứng khoán cho khách hàng khi khách hàng yêu cầu.
Căn cứ quy định trên, đã có sự bất thường xâm phạm tài sản, quyền và lợi ích của khách hàng liên quan trực tiếp đến trách nhiệm của công ty chứng khoán nơi bạn mở tài khoản giao dịch chứng khoán.
Trong trường hợp công ty chứng khoán thoái thác trách nhiệm, bạn có quyền gửi đơn khiếu nại hoặc tố cáo đến Uỷ ban Chứng khoán nhà nước để được giải quyết theo luật định.
Câu hỏi: Trong tài liệu sao kê về lịch sử các giao dịch chứng khoán trên tài khoản của tôi mở tại công ty chứng khoán, xuất hiện một bản hợp đồng điện tử có nội dung mua bán chứng khoán giữa tôi và công ty chứng khoán, được ký giữa tôi và người đại diện công ty chứng khoán. Hợp đồng này được lấy làm căn cứ để công ty chứng khoán yêu cầu tôi thanh toán nợ đến hạn. Tôi khẳng định không ký hợp đồng này và khiếu nại công ty chứng khoán phải làm rõ dấu hiệu giả mạo của hợp đồng này. Công ty chứng khoán đã không giải quyết khiếu nại của tôi mà vẫn phong tỏa tài khoản bán cổ phiếu trong tài khoản của tôi để thu hồi nợ. Sau khi hoàn tất thủ tục bán cưỡng bức cổ phiếu của tôi kể trên, đại diện công ty chứng khoán mới trả lời hợp đồng kể trên là không có thật, do lỗi hệ thống của công ty. Vậy, công ty chứng khoán hành xử như trên là đúng hay sai?
Trả lời:
Nếu đúng nội dung như bạn hỏi nội dung khiếu nại về hợp đồng giả mạo của bạn là có cơ sở và lỗi lại thuộc về công ty chứng khoán, cho dù là “lỗi hệ thống” thì hành xử của công ty chứng khoán đã có dấu hiệu vi phạm các quy định sau:
Việc công ty chứng khoán không làm rõ khiếu nại có cơ sở của bạn trước khi tiến hành chế tài bán cưỡng bức cổ phiếu trong tài khoản của bạn để thu nợ đã vi phạm “nguyên tắc hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán” được quy định tại Điều 5 Luật Chứng khoán 2019 là: “…2. Công bằng, công khai, minh bạch”.
Việc công ty chứng khoán cung cấp thông tin cho bạn về Hợp đồng không có thật và giải thích là “lỗi hệ thống” đã vi phạm Điều 89 Luật Chứng khoán 2019 qui định nghĩa vụ của công ty chứng khoán tại các khoản sau:
“4. Ký hợp đồng bằng văn bản với khách hàng khi cung cấp dịch vụ cho khách hàng; cung cấp đầy đủ, trung thực thông tin cho khách hàng.
7. Cập nhật, lưu trữ đầy đủ thông tin khách hàng, chứng từ và phản ánh chi tiết, chính xác các giao dịch của khách hàng và của Công ty chứng khoán.
10. Xây dựng hệ thống công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu dự phòng để đảm bảo hoạt động an toàn và liên tục”.
Căn cứ vào các quy định nêu trên, công ty chứng khoán phải chịu trách nhiệm về việc cung cấp thông tin về hợp đồng không có thật trên lịch sử giao dịch tại tài khoản chứng khoán của bạn.
Việc công ty chứng khoán chưa làm rõ khiếu nại của khách hàng về thông tin không trung thực của mình mà đã tiến hành cưỡng chế thu hồi nợ trên tài khoản của khách hàng là đã vi phạm quyền về tài sản của khách hàng.
Nếu không được công ty chứng khoán giải quyết thỏa đáng, bạn có quyền khiếu nại tới cơ quan có thẩm quyền để được giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.
Câu hỏi: Khái niệm “đòn bẩy tài chính” có bắt buộc phải hiểu là margin? Khi mở tài khoản giao dịch ký quỹ tôi có bắt buộc phải vay đầu tư chứng khoán từ công ty chứng khoán để mua cổ phiếu?
Trả lời:
Margin còn được gọi là giao dịch ký quỹ chứng khoán. Đây là một thuật ngữ được sử dụng trong đầu tư. Hiểu đơn giản, Margin sẽ cho phép nhà đầu tư sử dụng các khoản vay từ Công ty chứng khoán để mua thêm cổ phiếu.
Pháp luật không quy định “đòn bẩy tài chính” là margin, margin (tiếng Anh) dịch sang tiếng Việt cũng không có nghĩa là “đòn bẩy tài chính”, nên không bắt buộc bạn phải hiểu “đòn bẩy tài chính” là margin.
Việc thực hiện biện pháp “đòn bẩy tài chính” bạn có thể lựa chọn kênh huy động các khoản vay để đầu tư chứng khoán là quyền của bạn nếu tuân thủ quy định của pháp luật liên quan và phù hợp với lợi ích của bạn.
Việc mở tài khoản giao dịch ký quỹ là điều kiện để bạn được vay tài chính từ công ty chứng khoán nhưng không bắt buộc bạn phải vay để đầu tư chứng khoán nếu bạn thấy không cần thiết.
PV