Ảnh minh họa.
Tại Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, sáng 04/11, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên có câu hỏi gửi đến Bộ trưởng liên quan đến việc xử lý các trang thông tin điện tử, các mạng xã hội được “báo hóa” hiện nay diễn ra như thế nào và tại sao lại khó khăn như vậy?
Đặt vấn đề chất vấn tại hội trường, đại biểu Quốc hội Lê Hoàng Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai cũng cho biết, nhiều cử tri đánh giá rất cao bộ đã tập trung cho phát triển kinh tế số, xã hội số, chính quyền số,…nhưng đồng thời, cũng cho rằng, chính vì thế mà bộ chưa quan tâm tập trung cho công tác quản lý nhà nước về mạng xã hội nên để các vụ việc xảy ra thì mới tiến hành thanh tra, kiểm tra và dẫn đến báo hóa mạng xã hội… gây lúng túng, chậm xử lý những vi phạm như trường hợp của bà Nguyễn Phương Hằng khi thường xuyên đưa tin, không kiểm chứng, có lời lẽ xúc phạm đến uy tín, danh dự của nhiều tổ chức, cá nhân.
Trả lời chất vấn của đại biểu về vấn đề báo hóa tạp chí, báo hóa trang thông tin này, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện nay chúng ta đã công khai dấu hiệu, biểu hiện thế nào là một tạp chí báo hóa, một trang thông tin báo hóa để toàn dân cùng giám sát. Thay vì một mình Bộ Thông tin và Truyền thông, bây giờ toàn dân có thể giám sát vấn đề này, chúng ta đã công khai việc này trên 3 tháng rồi.
"Trong số 650 tạp chí, đến nay số tạp chí có dấu hiệu "báo hoá" là khoảng 21; trong gần 2.000 trang tin được cấp giấy phép thì cũng chỉ tầm đó trang tin có dấu hiệu. Đảng, Nhà nước cũng đã chỉ đạo rất quyết liệt để rà soát, kiểm tra, thanh tra, xử lý, tiến hành xử phạt, nhắc nhở, yêu cầu đối với nhiều cơ quan để đảm bảo từng bước giải quyết vấn đề này. Tin rằng đến năm 2023 sẽ xử lý vấn đề này kiên quyết, căn cơ", Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định.
PHƯƠNG HOA
Sẽ thanh tra toàn diện các nhà mạng viễn thông trong việc đảm bảo an toàn dữ liệu thông tin