Tập chân dung học thuật, Văn học “Gừng Xứ nghệ”.
Việt Nam có nhiều địa phương nổi tiếng được gọi bằng xứ, như xứ Bắc, xứ Đoài, xứ Đông, xứ Thanh, xứ Nghệ, xứ Huế, xứ Quảng, thậm chí xứ Đồng Nai. Xứ vốn là một đơn vị hành chính, sau trở thành một vùng địa – văn hóa. Đất đai, sông núi, phong tục tập quán, lịch sử, văn hóa của một vùng đất đã tạo ra những anh hùng, nhà thơ, nhà tư tưởng không chỉ của vùng đất ấy.
Xứ Nghệ (gồm cả Nghệ An và Hà Tĩnh) có sông Lam, núi Hồng và biển cả. Đứng ở đồng bằng, chỉ một liếc mắt là đã thu gọn cả nước non. Tuy nhiên, đây cũng là vùng đất đai cằn cỗi, khí hậu gió lào khắc nghiệt. Xứ Nghệ trước đây vốn là giáp ranh giữa Đại Việt và Chăm Pa. Chiến tranh giữa hai nước trước hết xảy ra trên đất này. Nên nơi đây cũng là đất lưu đày của những dòng họ phạm tội với triều đình, nhưng cũng là mảnh đất tự do cho những anh chị, những kẻ hành tung bất hảo trú ngụ. Con người sống trong môi trường thiên nhiên và xã hội hoang dã và khắc khổ như vậy lâu dần hình thành nên tính cách Nghệ: bền bỉ kiên cường, bất khuất đến duy ý chí, ham học, thích làm giàu, làm quan, nhưng cũng không kém phần mơ mộng.
Đất Nghệ cũng là đất học. Ở Việt Nam, sự học trước đây được biểu tượng hóa lên thành ông đồ: đồ Bắc (Kinh Bắc), đồ Nam (Nam Định, Hà Nam), đồ Nghệ (Nghệ An, Hà Tĩnh), đồ Quảng (Ngũ Quảng, chủ yếu Quảng Nam). Từ ông đồ Nghệ đó đã thoát thai những danh nhân văn hóa, xưa là La Sơn phu tử, Phan Huy Ích, Nguyễn Hữu Chỉnh, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Trường Tộ,… nay là Xuân Diệu, Huy Cận, Thanh Tâm Tuyền, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Khắc Viện, Cao Xuân Huy, Hà Văn Tấn…
Nhà phê bình Đỗ Lai Thúy.
Trong lời tựa của cuốn sách, tác giả Đỗ Lai Thúy nói rằng, trong rất nhiều các nhân vật xứ Nghệ, do rất nhiều những giới hạn của một cây bút phê bình, ông chỉ có thể viết được 20 người. Nhưng như thế cũng có thể coi là nhiều đối với một người ngoài-Nghệ, không-Nghệ. “Thực ra, tôi không có ý định viết về các danh sĩ đất Nghệ. Trên hành trình viết của tôi, tôi chỉ tìm đến những người có vấn đề học thuật, có nhân cách thú vị, có sáng tạo thi/văn cách, chứ không hề xem ông/anh ta quê quán ở đâu. Rồi một lúc nào đó ngoảnh lại, bỗng giật mình hóa ra mình viết hơi bị nhiều về người Nghệ, thậm chí hơn cả người Nghệ, hơn cả người xứ Đoài quê tôi. Các ông bạn Nghệ của tôi thường hỏi sao vậy. Tôi đùa, chắc là kiếp trước tớ là người Nghệ, nên kiếp này phải viết trả nợ”- tác giả chia sẽ.
Đỗ Lai Thúy sinh 1948 tại làng Ngọc Than, Quốc Oai, Sơn Tây (nay là Hà Nội). năm 1971 – 1981, ông phục vụ trong Quân đội. Từ 1981 – 1997, ông là biên tập viên/ trưởng ban biên tập/ phụ trách tạp chí Etudes Vietnamiennes, thuộc Nhà xuất bản Ngoại Văn, bộ Văn hóa. Từ 1997 – 2008 ông làm biên tập viên/ trưởng ban biên tập/ phó tổng biên tập tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, Bộ Văn hóa – Thông tin. 2005 là Phó Giáo sư Văn học, hướng dẫn thạc sĩ và nghiên cứu sinh.
Khoảng thời gian từ 2008 đến 2016, ông nghỉ hưu/ làm thêm với tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, dạy các chuyên đề về phân tâm học, về lý thuyết và phương pháp phê bình, về lịch sử văn hóa Việt Nam cho các trường Đại học. Từ 2018 đến nay giữ cương vị Viện trưởng Viện Nhân học Văn hóa.
Các tác phẩm đã xuất bản:
Viết: Mắt thơ (Phê bình phong cách Thơ mới), chuyên luận, Lao động, 1992, 1994; Giáo dục, 1997; Văn hóa Thông tin, 2000; Hội Nhà văn, 2012; Từ cái nhìn văn hóa, tập tiểu luận, Văn hóa dân tộc, 1999; Tri thức, 2018; Hồ Xuân Hương hoài niệm phồn thực, chuyên luận, Văn hóa Thông tin, 1999; Văn học, 2010; Chân trời có người bay, tập chân dung học thuật, Văn hóa Thông tin, 2003, 2005; Văn hóa Việt Nam, nhìn từ mẫu người văn hóa, chuyên luận, Văn hóa Thông tin, 2005; Tri thức, 2018; Bút pháp của ham muốn (Phê bình phân tâm học), tập tiểu luận, Trí thức, 2009. Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội, 2010; Giải thưởng Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội, 2011; Phê bình văn học, con vật lưỡng thê ấy (Tư tưởng phê bình văn học Việt Nam, một cái nhìn lịch sử), chuyên luận, Nhã Nam và Hội Nhà văn, 2010; Thơ như là mỹ học của cái Khác, chuyên luận, Hội Nhà văn, 2012; Vẫy vào vô tận, tập chân dung học thuật, Phụ nữ, 2013; Hé gương cho người đọc, tập tiểu luận, Phụ nữ, 2015; Bờ bên kia của viết, tập tiểu luận, Hội Nhà văn, 2017; Tròng trành và lệch chuẩn (Viết như nội tâm hóa tham dự văn chương), chuyên luận, Hội Nhà văn, 2020.; Thơ rìa mắt (Mắt thơ ngoại tập), tập tiểu luận, Hội Nhà văn, 2021; Gừng xứ Nghệ, tập chân dung học thuật, Văn học, 2022.
Biên soạn: Nghệ thuật như là thủ pháp (Lý thuyết văn chương của Chủ nghĩa hình thức Nga), Hội Nhà văn, 2002; Sự đỏng đảnh của phương pháp (Giới thiệu 15 lý thuyết và phương pháp nghiên cứu văn hóa, văn học của thế giới trong thế kỷ XIX, XX), Văn hóa Thông tin, 2004; Theo vết chân những người khổng lồ (Tân Guylivơ phiêu lưu ký về các lý thuyết văn hóa), Văn hóa Thông tin, 2006; Phân tâm học và văn hóa nghệ thuật, Văn hóa Thông tin, 2000, 2004; Tri thức, 2018; Phân tâm học và văn hóa tâm linh, Văn hóa Thông tin, 2002, 2005; Tri thức, 2018.; Phân tâm học và tình yêu, Văn hóa Thông tin, 2003; Hội Nhà văn, 2018; Phân tâm học và tính cách dân tộc, Tri thức, 2007, 2018.
PHI HÙNG/PLVN
Quy định mới về thành lập, chuyển đổi doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ