/ Đời sống - Xã hội
/ Rà soát, đánh giá sự phù hợp của quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long

Rà soát, đánh giá sự phù hợp của quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long

16/04/2022 14:28 |

(LSVN) - Theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ này sẽ rà soát, đánh giá sự phù hợp của quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với các quy hoạch cấp trên và hiệu quả triển khai quy hoạch; đồng thời, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh quy hoạch phù hợp với quy hoạch cấp cao hơn theo quy định của Luật Quy hoạch.

Ảnh minh họa. 

Cụ thể, trong bối cảnh các quy hoạch được lập đồng thời, Quy hoạch vùng ĐBSCL đã đảm bảo tính thống nhất và cụ thể hóa 5 quy hoạch cấp quốc gia đã được phê duyệt bao gồm: Quy hoạch sử dụng đất quốc gia và 4 Quy hoạch ngành quốc gia về giao thông. Tuy nhiên, quy hoạch vùng ĐBSCL là quy hoạch vùng đầu tiên được thực hiện theo Luật Quy hoạch nên lập quy hoạch là quá trình vừa làm, vừa học hỏi, điều chỉnh và rút kinh nghiệm của cả cơ quan lập quy hoạch và đơn vị tư vấn.

Trong quá trình lập quy hoạch có những khó khăn vướng mắc như quy hoạch được lập khi chưa có các quy hoạch cấp quốc gia được phê duyệt, dẫn đến chưa cụ thể hóa các định hướng lớn có tính liên vùng, có ý nghĩa quan trọng quốc gia, đặc biệt trọng một số lĩnh vực. Cùng với đó, việc thu thập, xây dựng cơ sở dữ liệu gặp nhiều khó khăn dữ liệu quản lý phân tán ở các bộ, ngành, địa phương; dữ liệu chưa đồng bộ về công nghệ, quy cách; mức độ cập nhật khác nhau. Điều này dẫn đến khó khăn trong thu thập, biên tập, tích hợp dữ liệu phục vụ xây dựng mô hình phân tích, dự báo và xây dựng bản đồ...

Về bài học kinh nghiệm, quy hoạch không gian có tính tổng hợp, tích hợp đa ngành, trong khi đó, không có nhiều chuyên gia có năng lực, kinh nghiệm tổng hợp về tất cả các ngành, cũng như hiểu biết toàn điện về thực tiễn phát triển của địa phương, vùng lãnh thổ lập quy hoạch. Do đó, công tác tham vấn có ý nghĩa rất quan trọng. Quy hoạch lập theo cách tiếp cận tích hợp đa ngành đòi hỏi cần nhiều thời gian cho việc tham vấn và cần có phương pháp tham vấn phù hợp và hiệu quả, đảm bảo thông tin được trao đổi hai chiều giữa cơ quan lập quy hoạch và cơ quan được lấy ý kiến để tăng cường tính minh bạch của quá trình lập quy hoạch.

Ngoài ra, Chính phủ cũng cần sớm xây dựng Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch để từng bước chuẩn hóa, đồng bộ hóa thông tin, dữ liệu cần thiết cho lập quy hoạch, theo dõi, đánh giá thực hiện quy hoạch. Một bộ cơ sở dữ liệu đầy đủ, cập nhật và được chuẩn hóa trên cùng một nền tảng công nghệ góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng quy hoạch và đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch. Cùng với đó, cần tăng cường việc xây dựng và ứng dụng phương pháp mô hình hóa, công cụ phân tích, đánh giá, đa tiêu chí, phân tích đánh giá liên ngành trên nền bản đồ GIS để nâng cao độ tin cậy, cơ sở khoa học của các phương án phát triển...

PV

Đề xuất nguyên tắc bảo vệ cưỡng chế thi hành án dân sự

Lê Minh Hoàng