(LSVN) - Để tăng cường hơn nữa việc triển khai tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 đến dưới 18 tuổi, sinh viên và cán bộ, công nhân viên ngành giáo dục sẵn sàng cho năm học mới 2022-2023, Bộ Y tế đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm, chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với ngành y tế trên địa bàn rà soát, lập danh sách trẻ em mầm non và học sinh thuộc độ tuổi tiêm chủng từ 5 đến dưới 18 tuổi chưa tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ.
Rà soát trẻ từ 5 đến dưới 18 tuổi chưa tiêm vaccine Covid-19 hoặc tiêm chưa đầy đủ.
Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc tăng cường truyền thông và tiêm vaccine Covid-19. Theo Bộ Y tế, đến nay Việt Nam đã triển khai tiêm chủng được hơn 240 triệu liều vaccine Covid-19 với tỷ lệ bao phủ đủ liều cơ bản cho người từ 12 tuổi trở lên cao và đang tập trung triển khai tiêm mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên, tiêm mũi 4 cho nhóm đối tượng nguy cơ theo hướng dẫn của Bộ Y tế, tiêm liều cơ bản cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Thực tế đã cho thấy tiêm vaccine vẫn luôn là biện pháp hiệu quả và có ý nghĩa chiến lược trong phòng, chống dịch bệnh.
Để tăng cường hơn nữa việc triển khai tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 đến dưới 18 tuổi, sinh viên và cán bộ, công nhân viên ngành giáo dục, sẵn sàng cho năm học mới 2022-2023, Bộ Y tế đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm, chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với ngành y tế trên địa bàn rà soát, lập danh sách trẻ em mầm non và học sinh thuộc độ tuổi tiêm chủng từ 5 - dưới 18 tuổi chưa tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ.
Đồng thời, chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực và tổ chức các điểm tiêm chủng tại trường học hoặc các địa điểm phù hợp khác, đảm bảo tiêm chủng an toàn, khoa học và hoàn thành tiêm 2 liều trong tháng 8/2022 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đủ điều kiện tiêm chủng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tăng nhanh độ bao phủ mũi 3 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi.
Tăng cường truyền thông, vận động sinh viên và cán bộ, công nhân viên trong ngành tham gia tiêm chủng đầy đủ, kịp thời để bảo vệ sức khỏe của bản thân và cộng đồng theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Công văn số 3309/BYT-DP ngày 23/6/2022.
Tăng cường công tác truyền thông trong trường học, mời các chuyên gia, nhà tư vấn chuyên môn tư vấn cho cha mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp của học sinh về tác dụng, lợi ích của việc tiêm chủng, những phản ứng có thể gặp sau tiêm chủng và trách nhiệm bảo đảm quyền được tiêm chủng của trẻ để tạo sự đồng thuận vận động các em và phụ huynh, người chăm sóc trẻ đưa con em đi tiêm chủng phòng dịch Covid-19 đầy đủ, kịp thời. Đặc biệt quan tâm đến trẻ mắc bệnh lý nền, béo phì,... để phối hợp với ngành y tế thực hiện phương án tiêm chủng bảo đảm an toàn cho trẻ em, học sinh.
PV