Ảnh minh họa.
Tại họp báo thường kỳ quý II do Bộ Tài chính tổ chức ngày 16/6, Bộ này nhận được một số câu hỏi từ báo chí liên quan đến việc chấp hành nghĩa vụ thuế của hãng gọi xe công nghệ Grab tại Việt Nam.
Cụ thể, Công ty TNHH Grab là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã hoạt động ở Việt Nam được 09 năm. Giai đoạn mới tiến vào thị trường, doanh thu của Grab năm 2014 chỉ ghi nhận 1,5 tỉ đồng. Song đến năm 2022, chỉ tiêu tài chính này đã tăng lên 6.384 tỉ đồng.
Đáng chú ý, Grab chưa phải nộp khoản thuế thu nhập doanh nghiệp nào cho Việt Nam trong khi hàng năm vẫn chuyển hàng trăm tỉ đồng phí bản quyền, phí quản lý... cho hai công ty liên quan là GrabTaxi Holdings Pte Ltd (trụ sở ở Singapore) và Grab Inc (trụ sở ở Đảo Cayman, Anh).
Thực tế này khiến dư luận đặt ra nhiều câu hỏi về trách nhiệm rà soát nghĩa vụ nộp thuế đối với Grab của Tổng cục Thuế cũng như tính hiệu quả của các biện pháp chống chuyển giá, ngăn chặn thất thu thuế hiện nay của Bộ Tài chính đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Về vấn đề này, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Vũ Chí Hùng khẳng định, Bộ Tài chính và ngành thuế luôn quan tâm công tác chống chuyển giá để ngăn thất thu thuế. Theo Luật Quản lý thuế, doanh nghiệp đầu tư kinh doanh tại Việt Nam thực hiện nghĩa vụ thuế theo hình thức tự khai tự nộp.
Với Grab, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Vũ Chí Hùng cho biết sẽ trao đổi với Cục thuế TP. Hồ Chí Minh để chỉ đạo Chi cục thuế số 7 - Nhà Bè (đơn vị quản lý Công ty TNHH Grab) rà soát, đánh giá về nghĩa vụ nộp thuế của Công ty TNHH Grab, đồng thời báo cáo ngay với Cục thuế TP. Hồ Chí Minh để chuyển báo cáo lên Tổng cục Thuế.
QUÝ NGUYÊN
Kiến nghị không bắt buộc mua bán bất động sản phải qua sàn giao dịch