/ Pháp luật - Đầu tư
/ Rao bán tràn lan máy xung điện kích cá trên mạng

Rao bán tràn lan máy xung điện kích cá trên mạng

05/01/2021 18:05 |

(LSO) – Mặc dù đã có quy định cấm nhưng hiện tượng rao bán máy kích điện đánh bắt thủy sản vẫn diễn ra ngang nhiên bất chấp quy định của pháp luật. Nhiều trang thương mại điện tử cũng như mạng xã hội vẫn đang công khai buôn bán mặt hàng cấm này mang đến hiểm họa khôn lường cho môi trường và xã hội.

47.200.000 kết quả tìm kiếm trên Google về từ khóa “kích cá” trong đó có cả những trang web thương mại điện tử… Ảnh: Khánh Duy.

Công khai rao bán tràn lan trên mạng

Nhiều năm trở lại đây, hình thức đánh bắt cá tôm bằng xung điện đã trở thành nỗi nhức nhối của xã hội. Máy kích cá phổ biến đến nỗi ai cũng đều có thể mua được một cách dễ dàng. Không chỉ được rao bán công khai trên mạng xã hội như youtube, facebook, zalo…, máy kích cá còn được rao bán tràn lan trên các trang thương mại điện tử...

Chỉ từ vài trăm nghìn đồng là người mua đã có thể sở hữu được một sản phẩm mới kèm theo thời gian bảo hành. Chỉ cần đặt hàng, sản phẩm sẽ được giao đến tận tay người mua một cách dễ dàng. Nhiều trang web bán máy kích điện còn có số hotline sẵn sàng tư vấn cho người mua. Ngoài ra, người mua cũng có thể chat trực tiếp với người bán để được tư vấn trước khi mua, hướng dẫn sử dụng…

Theo thông tin từ số hotline của một trang web chuyên bán kích cá cho biết, hầu hết nguồn gốc những chiếc kích điện này phần lớn nhập từ Trung Quốc. Một số khác được sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam. Ngoài ra, một số địa chỉ cung cấp còn chế, độ lại tăng sức hủy diệt cho sản phẩm trước khi bán ra thị trường.

Rao bán công khai trên website maykichca.com. Ảnh: Khánh Duy.

Không chỉ hủy diệt, tận diệt tôm cá và các loại thủy sinh, làm mất cân bằng hệ sinh thái, làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, máy kích điện đánh bắt cá còn tiềm ẩn hiểm họa chết người.

Một người chết do dùng xung điện bắt cá tại Tiền Giang. Ảnh: THĐT.

Quản lý địa phương chưa quyết liệt

Theo ông Lê Trần Nguyên Hùng, Trưởng phòng Khai thác Thủy sản, Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn thủy sản thuộc Tổng cục Thủy sản cho biết, vấn đề bảo vệ nguồn lợi thủy sản là nhiệm vụ của nhiều cơ quan, ban ngành, nhiều đơn vị quản lý nhà nước có chức năng xử lý vi phạm liên quan đến việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Việc khai thác thủy sản bằng xung điện là vi phạm pháp luật, hiện ở Việt Nam không cấp phép cho bất kỳ một tổ chức, cá nhân nào được sử dụng xung điện để khai thác thủy sản.

Năm 2018, qua hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, đã xử lý vi phạm trên toàn quốc 5.771 vụ vi phạm, xử phạt 31.121.440.000 đồng trong đó có nhiều vụ vi phạm liên quan đến việc sử dụng xung điện để đánh bắt thủy sản. Năm 2019, số vụ xử lý vi phạm đã giảm đáng kể với 2.731 vụ, số tiền xử phạt 13.612.700.000 đồng.

Ông Hùng cũng cho biết thêm, công tác quản lý khai thác thủy sản được quy định rõ ràng trong Luật Thủy sản 2017, Nghị định 26/2019/NĐ-CP và Nghị định 42/2019/NĐ-CP có hướng dẫn chi tiết. Việc quản lý được phân cấp cho nhiều đơn vị nhưng nhìn chung còn yếu và thiếu, cụ thể là về con người, phương tiện, công cụ, kinh phí, chế độ, thẩm quyền nhà nước giao chưa đủ mạnh. Mặt khác, công tác quản lý ở các địa phương chưa thực sự quyết liệt, sự vào cuộc của chính quyền các cấp chưa đồng bộ, mạnh tay và thường xuyên dẫn đến hệ quả “nhờn pháp luật” của một bộ phận người dân, xử lý chưa đủ mức răn đe.

Vai trò của chính quyền địa phương là rất quan trọng trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản của quốc gia. Tổng cục Thủy sản hướng dẫn các địa phương từng bước thành lập bộ phận Kiểm ngư, thực hiện tháng ra quân bảo vệ nguồn lợi thủy sản quy mô từ Trung ương tới địa phương, tạo ra sự thay đổi trong nhận thức của toàn xã hội để thay đổi hành vi giữ gìn nguồn lợi thủy sản ngày nay và cho mai sau, ông Hùng nói.

Theo Luật sư Đặng Thị Tâm, Giám đốc Công ty Luật BHL, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, việc mua bán, tàng trữ, sử dụng kích điện để đánh bắt thủy sản là hành vi vi phạm pháp luật.
Điều 28 Nghị định 42/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản:
- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng công cụ kích điện trong trường hợp không sử dụng tàu cá;
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán công cụ kích điện;
- Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng công cụ kích điện trong trường hợp có sử dụng tàu cá (tiền phạt tùy thuộc vào kích cỡ, chiều dài tàu cá) và tước quyền sử dụng Giấy phép khai thác thủy sản từ 3 đến 6 tháng;
- Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng dòng điện (điện lưới) và tước quyền sử dụng Giấy phép khai thác thủy sản từ 3 đến 6 tháng. Nếu tái vi phạm mà gây thiệt hại đến nguồn lợi thủy sản từ 100.000.000 đồng trở lên thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự: phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Về thẩm quyền xử phạt vi phạm đối với các hành vi vi phạm về việc tàng trữ, vận chuyển, mua bán, sử dụng kích điện bao gồm các cá nhân và tổ chức sau: Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Chủ tịch UBND các cấp, Trưởng Công an cấp huyện, Giám đốc Công an cấp tỉnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Đội trưởng Đội nghiệp vụ Cảnh sát biển, Trạm trưởng Trạm Cảnh sát biển, Hải đội trưởng Hải đội Cảnh sát biển, Hải đoàn trưởng Hải đoàn Cảnh sát biển, Chỉ huy trưởng Vùng Cảnh sát biển, Tư lệnh Cảnh sát biển, Chi cục trưởng Chi cục thủy sản, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành Chi cục thủy sản, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành Tổng cục Thủy sản, Trạm trưởng Trạm Kiểm ngư Vùng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư Vùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư.

KHÁNH DUY

/chay-rung-bat-thuong-o-rung-hai-van-noi-nghi-ngo-pham-nhan-trieu-quan-su-lan-tron.html