(LSO) - Sáng 21/4, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã trình bày đề nghị của Chính phủ về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 và điều chỉnh chương trình năm 2020.
Thảo luận tại Phiên họp, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, thời gian qua, công tác xây dựng pháp luật tiếp tục được cải tiến, đổi mới và đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, trong việc lập và thực hiện Chương trình vẫn còn một số hạn chế như tính dự báo không cao; tình trạng xin lùi, rút dự án do chưa chuẩn bị kịp,...
Chính phủ đề nghị rút Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đất đai, chờ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII sẽ tiến hành sửa đổi căn cơ theo định hướng chiến lược xây dựng, phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Đồng thời đề nghị Quốc hội có thể xem xét ban hành nghị quyết để kịp thời tháo gỡ một số vướng mắc.
Về việc rút dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai ra khỏi Chương trình năm 2020, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, nhiều ý kiến trong Ủy ban Pháp luật đồng tình với việc rút dự án Luật nhưng đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng để trình Quốc hội sửa đổi toàn diện Luật này tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội XV (tháng 10/2021) mà không cần ban hành Nghị quyết về giải quyết một số vấn đề vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành Luật Đất đai tại Kỳ họp thứ 9 (vì về bản chất việc ban hành Nghị quyết cũng là sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai).
Tán thành việc lùi dự án Luật này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị cân nhắc việc ra nghị quyết của Quốc hội để giải quyết một số vấn đề vướng mắc liên quan đến Luật Đất đai. "Chúng ta chuẩn bị bao lâu nay để sửa một số điều cũng chưa được, bây giờ ban hành một nghị quyết thì có giải quyết được vấn đề không?", Phó Chủ tịch Quốc hội bày tỏ băn khoăn và cho rằng, dự án Luật cần được nhìn nhận tổng thể, giải quyết bài bản chứ không thể giải quyết một vài điểm.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cũng đồng quan điểm này cho rằng, những vướng mắc, bất cập trong Luật Đất đai thời gian qua đang được dần tháo gỡ như: việc đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất… Những khó khăn đã bước đầu được giải quyết khi Chính phủ ban hành Nghị định số 25/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư.
Thống nhất với Ủy ban Pháp luật, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh đề nghị, không trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai tại Quốc hội khóa XIV mà chuyển sang Quốc hội khóa XV để phù hợp với định hướng Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
PV