Bộ sách giáo khoa (SGK) tiếng Anh i-Learn Smart Start lớp 1 và lớp 2 do Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh xuất bản.
Duyệt đi, duyệt lại vẫn nhiều “sạn”
Chị N.T.T.L. (tên đã được thay đổi theo yêu cầu) cho biết: “Sau khi đọc đi, đọc lại nhiều lần, tôi nhận thấy bộ SGK tiếng Anh i-Learn Smart Start các lớp 1 và 2 có nhiều sai sót”.
Cụ thể, với SGK tiếng Anh i-Learn Smart Start lớp 1, tại trang 24, font chữ “Flower” thể hiện chữ “f” và chữ “l” nối liền với nhau, học sinh lớp 1 khó có thể nhận ra đây là chữ gì.
Trang 27 và 31, tại hoạt động B, Play “Simon says” là “Touch your leg” nhưng hình ảnh minh họa là chú Sóc đang chỉ tay vào hai chân của mình. Như vậy, giữa hình ảnh và câu nói của nhân vật đang không có sự thống nhất, học sinh dễ bị hiểu sai về nội dung “leg” là đôi chân.
Chưa kể, khi cùng một hoạt động được lặp lại (tại trang 27 và trang 31 lặp lại y nguyên đối với hoạt động Simon says) và các hoạt động game chưa đa dạng sẽ dẫn đến việc gây sự nhàm chán cho học sinh, đi ngược với mục đích tạo hứng thú cho các em làm quen tiếng Anh. Cụ thể, tại Unit 3 (hoạt động B và C, trang 24) và Unit 7 (hoạt động B và C, trang 48); Unit 5 (hoạt động E, trang 33), Unit 6 (hoạt động 4, trang 41), Unit 7 (hoạt động E, trang 45), Unit 8 (hoạt động E, trang 51), Unit 9 (hoạt động 4, trang 59), và Review 10 (hoạt động B, trang 67).
Tiếp đến, trang 32 và 33 của cuốn sách lại mắc lỗi không tường minh với hoạt động B và hoạt động E của Unit 5.
Ở hoạt động B, nhân vật Kim nói “I like birds” và chỉ vào một chú chim trên cành cây. Bản chất, nhân vật Kim đang chỉ vào một chú chim thực tế, nên dù ý định của tác giả là Kim thích loài chim nói chung thì học sinh cũng có thể hiểu là Kim thích một chú chim này (chứ không phải loài chim hay là nhiều con chim). Và lỗi đó tiếp tục lặp lại ở hoạt động E khi chú thỏ cũng đang chỉ vào bức tranh một chú chim và nói “I like birds”.
Tại trang 48 của cuốn sách, bạn học sinh 6 tuổi đã được đeo khăn quàng đỏ. Trong khi đó, theo hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh ban hành kèm theo Quyết định số 50-QĐ/HĐĐTW ngày 23 tháng 10 năm 2018 của Hội đồng Đội Trung ương khóa VIII có quy định: “Đội viên Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh là thiếu niên Việt Nam từ 9 đến hết 15 tuổi thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy, có ý thức phấn đấu trong học tập, rèn luyện và tu dưỡng để trở thành đoàn viên Đoàn TNCS Hồ Chí Minh”.
Tiếp nối những lỗi của SGK tiếng Anh i-Learn Smart Start lớp 1, chị L. tiếp tục chỉ ra những “hạt sạn” của SGK tiếng Anh i-Learn Smart Start lớp 2.
Theo đó, tại trang 63, “Countnumbers” bị sai lỗi chính tả. Đúng ra phải là “Count numbers”.
Tiếp đến, tại trang 64, trong hình ảnh minh họa có khoanh lựa chọn vào nhiều ngày trong tháng (các ngày thứ 5, các ngày thứ 6,…), nhưng từ vựng thì chỉ nêu là Thursday, Friday,… Như vậy, đã bị sai ở hình ảnh. Ở đây muốn mô tả là nhiều ngày, nhưng từ vựng thì chỉ là một ngày.
Hoặc, ngay tại Unit 5, danh từ chỉ tên trò chơi trốn tìm là “hide-and-seek” thì đang được viết dưới dạng động từ “hide and seek”.
Bên cạnh đó, vẫn còn những lỗi sơ đẳng như dùng từ chưa rõ ràng. Từ điển tiếng Việt sẽ có “váy đầm” hoặc “đầm”. Trong khi giải nghĩa trong cuốn sách này lại đưa ra là “áo đầm”, là đưa ra hai khái niệm “áo” và “đầm”; lỗi thiết kế hình ảnh như xe máy không có chân chống vẫn có thể đứng.
Chị L. bày tỏ sự băn khoăn về việc thẩm định, lựa chọn bộ SGK này có chặt chẽ không? "Tại sao, bộ sách đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GĐ&ĐT) lấy ý kiến góp ý bản mẫu từ các địa phương, thẩm định theo đúng quy trình, quy định; một số tỉnh/thành phố đã tổ chức lựa chọn, phê duyệt theo quy trình nhiều vòng nhưng vẫn còn nhiều “sạn” như vậy?".
Cần cẩn trọng khi lựa chọn
Vấn đề chị L. đặt ra ở đây là, liệu tổ chuyên môn, giáo viên (GV) của các nhà trường, Sở GD&ĐT, hội đồng lựa chọn SGK của cấp một số tỉnh/thành phố đã làm hết trách nhiệm chưa, đã thực sự nghiêm túc trong việc lựa chọn, đánh giá bộ sách này chưa, hay chỉ nhận xét mang tính đối phó nên không phát hiện sách có sai sót để kịp thời báo cáo về Bộ GD&ĐT điều chỉnh?.
Theo quy trình lựa chọn SGK của các địa phương được thực hiện trước hết dựa trên cơ sở đề xuất của chính GV các nhà trường. Theo đó, tổ chuyên môn của các cơ sở giáo dục đã tổ chức cho GV nghiên cứu, thảo luận và đánh giá các SGK thuộc danh mục đã được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt của môn học thuộc chuyên môn phụ trách theo tiêu chí lựa chọn sách; bỏ phiếu kín lựa chọn ít nhất 1 SGK cho mỗi môn học; báo cáo người đứng đầu nhà trường danh mục SGK do tổ chuyên môn đề xuất. Các trường đã tổ chức cuộc họp với các thành phần theo quy định, trong đó có cả đại diện ban đại diện cha mẹ học sinh để thảo luận, đánh giá sách trên cơ sở danh mục SGK do các tổ chuyên môn đề xuất; lựa chọn ít nhất 1 SGK cho mỗi môn học; báo cáo về Phòng GD&ĐT. Các Phòng GD&ĐT tổng hợp báo cáo Sở GD&ĐT danh mục sách được các nhà trường đề xuất lựa chọn.
Trên cơ sở danh mục SGK do các cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất, hội đồng lựa chọn sách cấp tỉnh tổ chức họp, thảo luận, đánh giá mỗi SGK theo các tiêu chí được UBND tỉnh ban hành, bỏ phiếu và lựa chọn được sách cho mỗi môn học. Mỗi bộ môn sẽ có một hội đồng riêng, thành viên hội đồng lựa chọn cấp tỉnh được yêu cầu là những người có năng lực, kinh nghiệm dạy học và quản lý. Trong đó, 2/3 là tổ trưởng tổ chuyên môn, GV trực tiếp đứng lớp và có đại diện cho từng địa bàn có điều kiện kinh tế, xã hội khác nhau. Kết quả lựa chọn của các hội đồng được chuyển giao cho Sở GD&ĐT để trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.
Theo quy định, sách được lựa chọn phải đạt trên 1/2 số phiếu đồng ý lựa chọn. Trường hợp môn học không có sách nào đạt trên 1/2 số phiếu đồng ý lựa chọn, hội đồng thảo luận và bỏ phiếu lựa chọn lại cho đến khi có ít nhất 1 SGK cho mỗi môn học đạt trên 1/2 số phiếu đồng ý lựa chọn.
Trước khi tiến hành chọn, UBND cấp tỉnh ban hành tiêu chí chọn sách để sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông ở địa phương mình.
Chia sẻ kinh nghiệm về việc lựa chọn SGK tiếng Anh, Giảng viên Nguyễn Việt Vương - Trường Cao đẳng Công nghiệp và Thương mại (Vĩnh Phúc) cho rằng, SGK nói chung, SGK tiếng Anh nói riêng là tài liệu dạy học chính thức và cơ bản nhất ở trường phổ thông, cung cấp các kiến thức nền tảng cho người học. Trong đó, sách giáo khoa tiếng Anh các lớp 1 và 2 là một trong những công cụ dạy và học Ngoại ngữ không thể thiếu của cấp Tiểu học. Loại sách này chính là những nguồn tài liệu và kiến thức cơ bản nhất mà thầy cô và phụ huynh sử dụng để dạy tiếng Anh cho con của mình. Vì vậy, SGK cần được biên tập khoa học, cẩn thận, không được sai sót.
Theo Giảng viên Nguyễn Việt Vương, SGK phải là tài liệu “chuẩn” nhất trước tiên về mặt nội dung, kiến thức của một môn học cụ thể; sau đó phải có tính giáo dục nhân cách, kỹ năng cho học sinh. Việc sai sót trong khâu biên tập, chỉnh lý, thẩm định, lựa chọn SGK dẫn tới để lọt những lỗi dù nhỏ nhất cũng để lại những hậu quả mang tính hệ thống. Cái sai trong SGK sẽ trở thành cái sai tai hại của hàng trăm nghìn học sinh học theo sách đó. Đối với học sinh lớp 1, lớp 2 thì SGK lại càng quan trọng. Bởi, các em vừa bước qua tuổi Mầm non và SGK chính là những cuốn sách đầu tiên cung cấp kiến thức nền tảng sẽ đi theo suốt cuộc đời, và nếu học sai ngay từ đầu sẽ rất khó sửa.
Sự cẩu thả, không cẩn thận, rõ ràng trong biên tập nội dung, hình ảnh sẽ ảnh hưởng lớn đến nhận thức của trẻ. Thầy cô và phụ huynh nên tìm hiểu kỹ trước tiên về cấu trúc của cuốn sách, tổng quan nội dung của cuốn sách để lựa chọn. Đặc biệt, đối với những bé bắt đầu học tiếng Anh thì việc kiểm tra nội dung sách càng quan trọng hơn, Giảng viên Nguyễn Việt Vương nhấn mạnh.
Giảng viên Nguyễn Việt Vương lưu ý thầy cô và phụ huynh nên cẩn trọng khi lựa chọn sách dạy tiếng Anh, đặc biệt là sách tiếng Anh cho trẻ các lớp 1 và 2 là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên hiệu quả trong quá trình học ngôn ngữ của bé.
THÀNH TRUNG
Thí sinh thi vào lớp 10 tại Hà Nội được nộp đơn xin đổi khu vực tuyển sinh