/ Tư vấn
/ Sản xuất, buôn bán khẩu trang giả bị phạt như thế nào?

Sản xuất, buôn bán khẩu trang giả bị phạt như thế nào?

01/02/2021 08:10 |

(LSVN) - Thời gian gần đây, tôi thấy nhiều đối tượng đã cố tình sản xuất, buôn bán các loại khẩu trang giả, được gắn mác khẩu trang y tế nhưng lại không có lớp kháng khuẩn, không qua kiểm định chất lượng của Bộ Y tế. Vậy theo quy định của pháp luật thì hoạt động sản xuất, buôn bán khẩu trang giả bị phạt như thế nào? Bà T.A. (Khánh Hòa) hỏi.

Ảnh minh họa.

Hành vi sản xuất, buôn bán khẩu trang y tế giả ngoài xâm phạm đến quyền và lợi ích của người tiêu dùng thì việc không đáp ứng đủ tiêu chuẩn y tế sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh đối với người sử dụng.

Theo đó, khẩu trang y tế giả không có giá trị sử dụng, công dụng để chống virus gây bệnh có thể bị phạt hành chính theo quy định tại Điều 10 Nghị định 98/2020/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như sau:

Điều 10. Hành vi sản xuất hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng

1. Đối với hành vi sản xuất hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng quy định tại điểm a, b, c và d khoản 7 Điều 3 Nghị định này, mức phạt tiền như sau:

a) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá dưới 3.000.000 đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp dưới 5.000.000 đồng;

b) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng;

c) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng;

d) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng;

đ) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 30.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;

e) Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 30.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 50.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đặc biệt sẽ phạt tiền gấp hai lần các mức tiền phạt quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định 98/2020/NĐ-CP đối với một trong các trường hợp hàng giả là trang thiết bị y tế.

Khẩu trang y tế được xếp vào các trang thiết bị y tế, vì vậy, người sản xuất khẩu trang y tế giả không có giá trị sử dụng sẽ bị áp dụng gấp đôi mức phạt quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định 98/2020/NĐ-CP và có thể bị phạt tiền đến 200 triệu đồng.

Đối với hành vi buôn bán khẩu trang giả sẽ bị phạt gấp 02 lần mức phạt quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định 98/2020/NĐ-CP và có thể bị phạt tiền đến 140 triệu đồng.

Các mức phạt trên là áp dụng đối với hành vi vi phạm do cá nhân thực hiện. Trường hợp hành vi vi phạm do tổ chức thực hiện thì phạt tiền gấp 02 lần mức tiền phạt quy định đối với cá nhân (theo điểm b khoản 4 Điều 4 Nghị định 98/2020/NĐ-CP).

Đặc biệt, hành vi sản xuất, buôn bán khẩu trang giả có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả" quy định tại Điều 192 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

Theo đó, người nào sản xuất, buôn bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 100 triệu đến 01 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

- Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30 đến dưới 150 triệu đồng;

- Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá dưới 30 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định về Tội sản xuất, buôn bán hàng giả; Tội buôn lậu; Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới…

- Thu lợi bất chính từ 50 đến dưới 100 triệu đồng;

- Gây thiệt hại về tài sản từ 100 đến dưới 500 triệu đồng…

Trường hợp pháp nhân thương mại vi phạm như trên thì bị phạt tiền từ 01 - 03 tỉ đồng.

Phạt tù từ 05 - 10 năm khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Phạm tội có tổ chức;

- Có tính chất chuyên nghiệp;

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

- Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

- Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150 đến dưới 500 triệu đồng;

- Thu lợi bất chính từ 100 đến dưới 500 triệu đồng;

- Gây thiệt hại về tài sản từ 500 triệu đến dưới 1,5 tỉ đồng;

- Buôn bán qua biên giới;

- Tái phạm nguy hiểm.

Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc một trong các trường hợp này bị phạt tiền từ 03 - 06 tỉ đồng, trừ các trường hợp: lợi dụng chức vụ, quyền hạn; lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chứ; tái phạm nguy hiểm.

Phạt tù từ 07 - 15 năm khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp:

- Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500 triệu đồng trở lên;

- Thu lợi bất chính 500 triệu đồng trở lên;

- Gây thiệt hại về tài sản 1,5 tỉ đồng trở lên.

Pháp nhân phạm tội thuộc trường hợp này có thể bị phạt tiền từ 06 - 09 tỉ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm.

Trong trường hợp pháp nhân thương mại thành lập chỉ để buôn bán hàng giả thì có thể bị đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ hoạt động.

Hình phạt bổ sung:

- Hình phạt bổ sung đối với cá nhân là phạt tiền từ 20 - 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 - 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

- Hình phạt bổ sung đối với pháp nhân thương mại là phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 - 03 năm.

Như vậy, người phạm tội sản xuất, buôn bán khẩu trang giả có thể bị phạt tiền đến 100 triệu đồng, phạt tù đến 15 năm. Pháp nhân phạm tội này có thể bị phạt tiền đến 09 tỉ đồng hoặc đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ hoạt động.

THÚY QUỲNH

Tăng cường giám sát tình trạng đầu cơ, găm hàng khẩu trang

Lê Minh Hoàng