Ảnh minh họa.
Tại TP. Hồ Chí Minh, sau hơn 05 tháng kể từ ngày khai giảng năm học mới, học sinh Tiểu học, trẻ Mầm non được đến trường học trực tiếp từ sáng nay (14/02).
Trước đó, ngày 13/02, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh đã cùng Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố thành lập 03 đoàn kiểm tra tình hình thực tế việc triển khai phương án an toàn phòng chống dịch tại trường Mầm non và Tiểu học trên địa bàn để sẵn sàng đón học sinh quay trở lại trường.
Đoàn kiểm tra của Sở Y tế đã đến một số cơ sở giáo dục tại quận 3, quận 1 và quận 10. Qua khảo sát, hầu hết các trường đều chuẩn bị đầy đủ biện pháp phòng chống dịch Covid-19, bao gồm: Bố trí khu vực đo thân nhiệt; trang bị bồn rửa tay, xà phòng và nước sát khuẩn; các lớp học thông thoáng và chuẩn bị sẵn khẩu trang,… Bên cạnh đó, mỗi trường đều chuẩn bị các quy trình phòng chống dịch Covid-19 cũng như quy trình xử lý khi xuất hiện ca F0 để ứng phó khi cần thiết.
Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng đánh giá, công tác tổ chức của các trường được thực hiện nghiêm theo hướng dẫn, đồng thời nhấn mạnh các trường cần hướng dẫn kỹ việc xác định chính xác trường hợp F1 cho trẻ ở lứa tuổi Tiểu học và Mầm non.
Ngoài ra, đoàn kiểm tra cũng lưu ý, các nhà trường cần đẩy mạnh tuyên truyền biện pháp phòng dịch, xử trí kịp thời khi phát hiện ca nhiễm hoặc nghi nhiễm đến giáo viên, công nhân viên trong trường và cho phụ huynh học sinh. Các số điện thoại sử dụng trong trường hợp khẩn cấp cần được dán ở những nơi dễ thấy.
Tại Đồng Nai, từ ngày 14/02 toàn tỉnh tổ chức cho trẻ em mầm non, học sinh và học viên các cấp học đồng loạt đi học trực tiếp trở lại. Sở GD&ĐT tỉnh cùng các trường xây dựng nhiều phương án để đảm bảo quyền lợi cho tất cả học sinh vì lý do bất khả kháng không thể đến trường học trực tiếp (học sinh, học viên là F0, F1, thuộc diện cách ly theo quy định của ngành y tế hoặc lý do khác).
Tại Hưng Yên, theo kế hoạch, các trường học mở cửa đón học sinh đi học trực tiếp từ ngày 14/02. Đại diện Sở GD&ĐT tỉnh cũng cho biết, các trường xây dựng kế hoạch dạy học trực tiếp, kịch bản cụ thể để xử lý tình huống khi có ca F0 hoặc dịch bệnh lây lan trong cơ sở giáo dục.
Các trường học tại Hưng Yên sẽ tổ chức dạy học trực tiếp linh hoạt. Một số trường có thể kết hợp dạy học trực tiếp với trực tuyến, điều này sẽ giúp những trường hợp học sinh đang phải cách ly phòng, chống Covid-19 có thể tham dự lớp học trực tuyến, đảm bảo thống nhất chương trình cho các học sinh.
Tại Cao Bằng, học sinh các cấp mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn sẽ trở lại trường học trực tiếp từ ngày 14/02. Vì vậy, thời điểm này các trường chuẩn bị xong về cơ sở vật chất, dọn dẹp vệ sinh, phun khử khuẩn, đảm bảo an toàn về phòng, chống dịch Covid-19.
Tại An Giang, theo kế hoạch của Sở GD&ĐT tỉnh, học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 đến trường học trực tiếp từ ngày 14/02, sau đó sẽ đánh giá, rút kinh nghiệm và tổ chức cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 đi học trực tiếp trở lại.
Trước đó, huyện Châu Phú của tỉnh cũng đã tổ chức thí điểm cho học sinh đi học trở lại từ ngày 10/02, hiện tại chỉ phát hiện 01 học sinh bị nhiễm Covid-19 và tổ chức xử lý theo đúng kịch bản đề trước đó.
Sở GD&ĐT tỉnh An Giang cũng tổ chức tập huấn cho giáo viên và cán bộ quản lý trong các cơ sở giáo dục lấy mẫu và tự lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 để chủ động tầm soát, sàng lọc các ca nhiễm một cách tốt nhất.
Với bậc học Mầm non, các nhà trường sẽ tổ chức dạy học trên cơ sở tự nguyện của các phụ huynh đưa con đến trường.
Tại Long An, sau bậc THPT, THCS, từ sáng nay (14/02) tỉnh cho phép trẻ Mầm non, học sinh Tiểu học trên địa bàn tỉnh trở lại trường học trực tiếp trên tinh thần tự nguyện của cha mẹ trẻ, người chăm sóc trẻ.
Để chuẩn bị cho tiểu học và mầm non học trực tiếp (trong đó tiểu học hơn 137.000 học sinh), UBND huyện, thị xã, thành phố tổ chức tuyên truyền, tập huấn, xử lý tình huống xảy ra dịch trong quá trình tổ chức dạy học.
Cụ thể, lịch đi học trở lại của các địa phương:
TRẦN QUÝ (t/h)
TP. HCM: Chuẩn bị tốt cho bậc Mầm non, Tiểu học trở lại trường