Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long.
Tiếp tục chương trình của Kỳ họp thứ 2 – Quốc hội khóa XV, sáng 21/10, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; Báo cáo về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ nhất - Quốc hội khóa XV.
Tại Tổ thảo luận số 2, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, Việt Nam chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm qua 3 đợt dịch nhưng đợt dịch lần thứ 4 do biến chủng Delta làm "đảo ngược" mọi thành tựu phòng dịch, tác động sâu sắc, kể cả những nước phát triển và những nước có tỷ lệ tiêm chủng cao.
Chính vì vậy, các nước trên thế giới cũng như Việt Nam căng thẳng khi đối phó với biến chủng Delta. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự tham gia của tất cả tầng lớp nhân dân nên đến thời điểm này đã cơ bản kiểm soát tốt tình hình. Bộ trưởng khẳng định, khi nhìn lại việc triển khai tất cả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 đã có rất nhiều bài học, kinh nghiệm quý báu.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, hiện các doanh nghiệp thuộc cộng đồng quốc tế hỗ trợ rất nhiều cho Bộ Y tế, TP. Hồ Chí Minh mua các thiết bị, máy móc và test để triển khai việc chống dịch.
Đối với vấn đề vaccine Covid-19, chúng ta đã thực hiện Chiến dịch tiêm chủng quy mô rất lớn trên toàn quốc. Tính đến nay đã tiêm gần 70 triệu mũi tiêm cho người dân, có ngày đạt 2 triệu mũi tiêm 1 ngày. Trạm y tế lưu động, tiêm lưu động vẫn tiếp tục triển khai nhanh nhất và hướng tới tiêm chủng cho trẻ em, đặc biệt hướng đến ưu tiên cho các khu vực trọng điểm như Đồng Nai, Bình Dương…
“Hiện nay chúng ta có những hợp đồng, thỏa thuận cung ứng, tài trợ vaccine của các tổ chức với tổng số 191 triệu liều và con số này sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới”, ông Nguyễn Thanh Long thông tin. Bộ trưởng Bộ Y tế nêu kinh nghiệm chia nhỏ các khu vực, bố trí điểm tiêm cố định và lưu động với mục tiêu, quyết tâm phủ vaccine mũi 1 cho ít nhất 80% người dân từ 18 tuổi trở lên và lên kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ em.
Bộ trưởng cho rằng, chúng ta đang từng bước nghiên cứu để mở rộng đối tượng tiêm vaccine Covid-19. Bởi vì vaccine phát triển trong thời gian rất ngắn, rất mới nên chúng ta phải tham khảo, trao đổi và học các bài học kinh nghiệm của các nước, mở rộng dần các đối tượng tiêm từ 12 đến 17 tuổi và sang năm 2022 mở rộng đến độ tuổi từ 3 tuổi trở lên.
Bằng việc chuyển giao công nghệ và nghiên cứu sản xuất vaccine trong nước, lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định tự tin trong việc chủ động vaccine vào 2022. Song song với đó là chủ động về thuốc điều trị khi các văn bản của Quốc hội, Chính phủ đã cho phép nhập khẩu nguyên liệu để bảo đảm nguồn cung cho sản xuất thuốc.
Về vấn đề thuốc điều trị, Bộ trưởng cho biết đã triển khai thí điểm trên một quy mô rộng và triển khai cho điểm điều trị có kiểm soát và kết quả ban đầu của việc triển khai này rất tốt.
Cuối cùng, nhắc đến việc chuyển trạng thái chống dịch, Bộ trưởng cho rằng chúng ta phải chấp nhận một thực tế là virus ngày càng nhiều biến thể và không thể triệt tiêu hoàn toàn mầm bệnh. Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh muốn chuyển sang thích ứng, an toàn với dịch thì không còn cách nào khác là phải đảm bảo độ phủ vaccine.
HỒNG HẠNH
Người từ vùng cấp độ 1, 2 về Hà Giang không phải xét nghiệm Covid-19