Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể.
Trước khi Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đăng đàn, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng sẽ có thêm hơn một giờ để trả lời các câu hỏi của đại biểu sau phiên chiều qua.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trả lời từ 09h15 đến 15h20, với các nhóm vấn đề: Tiến độ, chất lượng và công tác phòng, chống thất thoát, lãng phí trong việc triển khai các dự án, công trình giao thông trọng điểm quốc gia, hệ thống đường cao tốc; Công tác kiểm tra, giám sát, bảo đảm chất lượng các công trình giao thông được đầu tư từ ngân sách nhà nước; Thực trạng và giải pháp xử lý các tồn đọng trong đầu tư, khai thác, kinh doanh các dự án giao thông theo hình thức BOT.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành; Bộ trưởng các Bộ KH&ĐT, Tài chính, Xây dựng; Tổng Thanh tra Chính phủ; Tổng Kiểm toán nhà nước cùng tham gia trả lời, giải trình.
Chiều cùng ngày (09/6), Phó thủ tướng Phạm Bình Minh sẽ làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn.
Trong báo cáo gửi các đại biểu trước phiên chất vấn, Bộ GTVT khẳng định đang tập trung triển khai quyết liệt các công trình trọng điểm như đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông; Sân bay Long Thành; Đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Theo đó, đường bộ cao tốc Bắc Nam (giai đoạn 2017-2021) trải dài qua nhiều địa phương, diện tích giải phóng mặt bằng, tái định cư lớn nên quá trình thực hiện có nhiều vấn đề phát sinh. Trong số này có việc xác định đơn giá bồi thường; di dời mồ mả, hạ tầng kỹ thuật, đường điện; khiếu nại của người dân...
Thủ tục cấp phép mỏ vật liệu đắp nền đường kéo dài. Giá nhiên liệu, vật liệu xây dựng biến động lớn, làm khó chủ đầu tư trong quản lý giá thành, chi phí xây dựng, nhà thầu khó triển khai thi công, dẫn đến tâm lý cầm chừng, chờ giá xuống.
Để giải quyết những vấn đề nêu trên, Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương giải quyết dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng; giảm bớt thủ tục cấp phép mỏ vật liệu. Bộ Xây dựng hướng dẫn xây dựng, công bố giá và chỉ số giá các loại vật liệu.
Các dự án thuộc đường bộ cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2021-2025, sẽ thực hiện thủ tục phê duyệt đầu tư 12 dự án trước 30/6, phấn đấu giải phóng toàn bộ mặt bằng trước 30/12.
Sân bay Long Thành gồm 04 dự án thành phần. Đầu tiên là công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước, Bộ đã bố trí vốn để Cục Hàng không Việt Nam phê duyệt chủ trương đầu tư. Các trụ sở còn lại như hải quan, quản lý xuất nhập cảnh đã được cơ quan chủ quản giao chuẩn bị đầu tư và đang cân đối vốn để triển khai.
Với công trình phục vụ quản lý bay, Tổng Công ty quản lý bay Việt Nam đang chỉ đạo tư vấn hoàn chỉnh thiết kế kỹ thuật, dự kiến khởi công trước tháng 10.
Công trình thiết yếu trong cảng hàng không do Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp thực hiện chức năng chủ sở hữu của ACV. Giai đoạn đầu (tháng 11/2020 - 02/2022), ACV chủ yếu phối hợp với tỉnh Đồng Nai giải phóng mặt bằng, rà phá bom mìn, xây tường rào, khảo sát, thiết kế, khởi công gói thầu san nền. Tuy nhiên, việc thực hiện chưa đạt hiệu quả, chưa xứng tầm với quy mô dự án quan trọng quốc gia.
Sau chuyến thị sát của Thủ tướng hồi tháng 2, ACV đã xây dựng trụ sở làm việc, tiến độ triển khai có chuyển biến tích cực. Tiến độ thi công san nền, kết cấu móng nhà ga, chuẩn bị khởi công thân nhà ga, hạng mục khu bay "cơ bản đáp ứng yêu cầu".
Công trình khác như hanga, logistic... đang được Cục Hàng không Việt Nam hoàn chỉnh thủ tục để lựa chọn nhà đầu tư.
Các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, hầu hết chậm tiến độ.
Tuyến Nhổn - ga Hà Nội, được lý giải có công nghệ phức tạp, lần đầu áp dụng tại Việt Nam, các đơn vị chưa có kinh nghiệm thực tiễn; giải phóng mặt bằng khó khăn...
Tuyến Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo (Hà Nội) cũng có các tồn tại tương tự. UBND TP. Hà Nội đang hoàn thiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, dự kiến hoàn thành trong tháng 9.
Tuyến Bến Thành - Suối Tiên (TP. Hồ Chí Minh) còn tồn tại một số vấn đề: thẩm định dự toán phát sinh, đàm phán, ký kết phụ lục hợp đồng; công tác nghiệm thu, thử nghiệm theo tiêu chuẩn nước ngoài; năng lực chủ đầu tư, ban quản lý còn hạn chế với các dự án có công nghệ phức tạp, đan xen nhiều nguồn vốn.
Tuyến Bến Thành - Tham Lương (TP. Hồ Chí Minh), UBND thành phố đang hoàn thiện thủ tục trình Bộ KH&ĐT gia hạn thời gian giải ngân cho dự án; đẩy nhanh giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ; hoàn thiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, dự án đầu tư.
QUẾ VÕ