SÁNG

21/07/2022 14:24 | 2 năm trước

1. Một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về hoạt động chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu tại Việt Nam

(LSVN) - Theo quy luật chung, sự phát triển của các mối quan hệ xã hội luôn đi trước các quy định của pháp luật, do đó các quy định pháp luật luôn phải được cập nhật, bổ sung và đổi mới liên tục để bắt kịp những thay đổi của cuộc sống xã hội ngày càng hiện đại và phức tạp. Các quy định về chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu cũng không phải ngoại lệ. Đất nước càng hội nhập sâu rộng với thế giới thì hoạt động chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu tại Việt Nam ngày càng được quan tâm nhiều hơn. 

Ảnh minh họa.

Trong thời gian gần đây, Việt Nam đã gia nhập nhiều các điều ước quốc tế, trong đó có Hiệp định CPTPP. Điều này càng thúc đẩy các quy định pháp luật của Việt Nam phải thay đổi để phù hợp với thông lệ quốc tế, kịp thời điều chỉnh những quan hệ mới phát sinh trong xã hội và sửa chữa những quy định còn chưa hợp lý gây cản trở cho hoạt động phát triển hoạt động chuyển giao quyền sử dụng nói riêng và quá trình phát triển kinh tế, xã hội đất nước nói chung. Một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật có thể tham khảo cụ thể như sau:

Thứ nhất, học hỏi theo kinh nghiệm lập pháp của Liên minh châu Âu, pháp luật không nên định sẵn một hợp đồng khuôn mẫu bắt buộc các bên khi tham đàm phán phải tuân thủ mà nên mang tính gợi mở, tạo điều kiện cho các bên thỏa thuận theo chiến lược của mình. Do đó, nên thay thế cụm từ “phải có” tại khoản 1 Điều 144 Luật Sở hữu trí tuệ. Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên, đây là nguyên tắc chung của pháp luật dân sự, trong khi đó cụng từ “phải có” khiến nội dung của hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu bị bó buộc phải áp dụng một cách máy móc và cứng nhắc.

Thứ hai, đối với các quy định cấm các điều khoản hạn chế trong hợp đồng chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu. Theo các quy định tại khoản 2 Điều 144 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành, chủ sở hữu không được đưa các điều khoản hạn chế bất hợp lý quyền của bên nhận chuyển quyền, đặc biệt là những điều khoản không xuất phát từ quyền của bên chuyển giao đối với nhãn hiệu. Mặc dù vậy, các quy định này vẫn còn một số điểm bất cập. Do đó tác giả xin có một số kiến nghị như sau:

- Mở rộng quyền bị điều chỉnh tại điểm b khoản 2 Điều 144 Luật Sở hữu trí tuệ, không chỉ giới hạn tại quyền xuất khẩu. Bởi quyền sử dụng nhãn hiệu không chỉ có quyền lưu thông hàng hóa, xuất khẩu mà còn có các quyền khác như nhập khẩu, lưu thông, quảng cáo sản phẩm mang đối tượng sở hữu công nghiệp nói chung và nhãn hiệu nói riêng. Việc không cấm bên chuyển quyền hạn chế các quyền khác đối với bên nhận chuyển quyền thể hiện sự không công bằng với bên được chuyển quyền, mặc dù quy định này được đặt ra để đảm bảo quyền lợi của bên được chuyển quyền đó. Do đó, pháp luật nên chỉnh sửa điểm này theo hướng cấm bên chuyển quyền trực tiếp hoặc gián tiếp hạn chế bên được chuyển quyền thực hiện các quyền sở hữu công nghiệp đối với hàng hóa, dịch vụ được sản xuất hoặc cung cấp theo hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp đó sang thị trường nước ngoài.

- Sửa điểm c Khoản 2 Điều 144 Luật Sở hữu trí tuệ theo hướng cấm bên chuyển quyền buộc bên nhận chuyển quyền phải mua toàn bộ hoặc một tỉ lệ nhất định các nguyên liệu, linh kiện, thiết bị của bên chuyển quyền hoặc của bên thứ ba do bên chuyển quyền chỉ định theo những điều kiện bất hợp lý. Những điều kiện bất hợp lý này sẽ được bên nhận chuyển quyền - bên trực tiếp chịu tác động của điều khoản này chứng minh trong trường hợp các bên xảy ra tranh chấp.

Thứ ba, về vấn đề giải quyết tranh chấp trong quan hệ hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu: Thực tiễn cho thấy, một vụ việc về quyền sở hữu công nghiệp thương liên quan tới rất nhiều vấn đề như hành chính, kinh tế, dân sự và còn có thể là hình sự, đòi hỏi cần phải giải quyết vụ việc trong một tổng thể. Ở nhiều nước như Hoa kỳ, Pháp, Đức, Nhật Bản, Thái Lan,… đều đã thành lập các tòa chuyên trách về sở hữu trí tuệ để giải quyết mọi vấn đề liên quan trong cùng một vụ việc và rất có hiệu quả. Lý do đó là gần như các thẩm phán hiện nay đều chưa được trang bị kịp thời và đầy đủ các kiến thức liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ chứ chưa tính đến việc kiến thức của họ chưa chuyên sâu. Mặc dù chúng ta còn có cơ chế trọng tài, thế nhưng trong nhiều trường hợp Tòa án vẫn là lựa chọn cần thiết để kết quả xét xử có thể công khai, đòi lại danh tiếng, cải chính những thông tin sai lệch trên thị trường. Do đó, trong thời gian tới, việc thành lập tòa chuyên trách về sở hữu trí tuệ ở nước ta là rất cần thiết. 

Thứ tư, về quy định kiểm soát chất lượng hàng hóa, dịch vụ của bên chuyển quyền đối với bên nhận chuyển quyền. Như đã giới thiệu và phân tích ở trên, từ lâu pháp luật của Trung Quốc, Liên minh châu Âu hay Mỹ để đã có những quy định rất cụ thể về việc kiểm soát chất lượng hàng hóa, dịch vụ trong hoạt động chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu. Thế nhưng, hiện nay trong Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam chưa hề có quy định điều chỉnh vấn đề này. Để đảm bảo hàng hóa, dịch vụ khi chuyển quyền sử dụng vẫn đảm bảo được chất lượng như khi bên chuyển quyền cung cấp, theo người viết đòi hỏi pháp luật cần có những quy định rõ ràng về trách nhiệm của bên nhận chuyển quyền trong việc đảm bảo chất lượng hàng hóa, dịch vụ.

Bên cạnh đó, bên nhận chuyển quyền cũng phải có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho bên chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu tiến hành kiểm tra, giám sát. Những quy định như vậy sẽ giúp thể hiện rõ quyền luôn đi kèm với nghĩa vụ đối với bên nhận chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu. Đồng thời, bên chuyển quyền cũng phòng tránh được các rủi ro khi bên nhận chuyển quyền lợi dụng uy tín của nhãn hiệu để bán những hàng hóa, cung cấp dịch vụ kém chất lượng từ đó gây thiệt hại cho người tiêu dùng cũng như gây thiệt hại cho chính chủ sở hữu nhãn hiệu đó. 

NGÔ ANH DŨNG

Tòa án Quân sự khu vực Thủ đô Hà Nội

Nếu chỉ thu hồi tài sản và kỷ luật thì tình hình tham nhũng sẽ càng phức tạp

2. Mỹ truy tố 4 nghi can trong vụ 53 người di cư thiệt mạng trong thùng xe đầu kéo

(LSVN) - Ngày 20/7, một Đại bồi thẩm đoàn của Mỹ ngày 20/7 đã quyết định truy tố 4 nghi can, gồm cả lái xe, liên quan tới cái chết của 53 người di cư trong thùng của xe đầu kéo bị bỏ lại ở ngoại ô Sang Antonio, bang Texas ngày 27/6 vừa qua.

Lực lượng thực thi pháp luật điều tra tại hiện trường phát hiện thi thể người nhập cư trong một xe tải ở San Antonio, bang Texas. Ảnh: Getty Images/TTXVN.

Các công tố viên trước đó đã tiến hành truy tố 4 nghi can trên. Với các cáo trạng nghiêm trọng, Đại bồi thẩm đoàn tại Sang Antonio quyết định đưa các bị cáo này ra xét xử.

Văn phòng Luật sư Mỹ ở quận phía Tây Texas cho biết lái xe là Homero Zamorano Jr, 46 tuổi, cư trú tại thành phố Pasadena, thuộc bang Texas và đồng phạm là Christian Martinez, 28 tuổi ở khu Palestine, thuộc bang Texas có thể phải đối mặt với án tử hình hoặc chung thân nếu bị kết tội. Hai bị cáo người Mỹ này bị truy tố với loạt tội danh cấu kết vận chuyển người di cư trái phép dẫn đến tử vong và nhiều người bị thương tích nghiêm trọng.

Trong một thông báo riêng rẽ, các công tố viên cho biết đại bồi thẩm đoàn cũng truy tố 2 người Mexico nghi sở hữu súng trong khi cư trú bất hợp pháp tại Mỹ là Juan Claudio D'Luna Mendez, 23 tuổi và Juan Francisco D'Luna Bilbao, 48 tuổi.  Mỗi người phải đối mặt với 10 năm tù nếu bị kết tội.

Chiếc xe đầu kéo chở những người di cư, trong đó một nửa là người Mexico còn lại là từ các nước Trung Mỹ như Guatemala, Honduras và El Salvador, được phát hiện bị bỏ lại trong một khu công nghiệp hoang vắng gần đường cao tốc cách biên giới Mỹ-Mexico khoảng 250 km về phía Bắc. Nhiệt độ tại khu vực này thời điểm đó lên tới 39,4 độ C.

HOA LÊ/TTXVN

Thời gian công bố điểm thi tốt nghiệp THPT 2022

3. Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật

(LSVN) - Bộ Khoa học và Công nghệ đang đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật (TC&QCKT) nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách, phát triển hệ thống TC&QCKT của Việt Nam tiếp cận trình độ quốc tế, khu vực.

Ảnh minh họa.

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, sau 15 năm thi hành Luật TC&QCKT, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật TC&QCKT đã phát sinh một số bất cập, hạn chế trong thực tiễn cũng như hội nhập quốc tế nói chung và triển khai thi hành cam kết tại các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đòi hỏi phải sửa đổi để phù hợp với thực tiễn và thúc đẩy sự phát triển, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

Cụ thể, thời gian qua Việt Nam đã ký kết các FTA thế hệ mới (EVFTA, CPTPP, RCEP...) với các quy định, cam kết sâu hơn, mở rộng hơn trong lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Trong các FTA thế hệ mới đều có điều khoản quy định về minh bạch hóa liên quan đến xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình đánh giá sự phù hợp, tuy nhiên, Luật TC&QCKT (Điều 6) chỉ đưa ra các nguyên tắc chung về xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hợp tác quốc tế, mặc dù một số điều khoản có quy định về quá trình xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình đánh giá sự phù hợp phải xem xét tính phù hợp với cam kết quốc tế có liên quan, nhưng các quy định này còn ở mức cơ bản, chỉ phù hợp với thời điểm năm 2007 khi Việt Nam mới gia nhập WTO.

Hơn nữa, Hiệp định WTO/TBT và các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới quy định trách nhiệm của cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia trong thúc đẩy hợp tác quốc tế về tiêu chuẩn hóa, ưu tiên hài hòa tiêu chuẩn quốc tế, loại bỏ rào cản kỹ thuật trong thương mại, tạo thuận lợi hóa thương mại, tuy nhiên, Luật TC&QCKT quy định này chung chung (khoản 2 Điều 59), chưa xác định rõ vị trí pháp lý của cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia về việc thống nhất điều phối, phát triển hệ thống tiêu chuẩn quốc gia theo cam kết hội nhập quốc tế nêu trên.

Các FTA thế hệ mới với các cam kết mở hơn, cho phép các tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia sâu vào hoạt động xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; đồng thời, phải tuân thủ các yêu cầu cao hơn, chặt chẽ hơn về tính công khai, minh bạch liên quan đến hoạt động xây dựng, ban hành và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp trong quá trình thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại quốc tế, khu vực. Tuy nhiên, Luật TC&QCKT hiện nay chưa đáp ứng hoàn toàn với yêu cầu FTA thế hệ mới.

Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật là văn bản nền tảng cho hoạt động đánh giá sự phù hợp (thử nghiệm, chứng nhận, giám định). Tuy nhiên, hiện nay, quy định về khái niệm, nguyên tắc chung, quyền và nghĩa vụ của tổ chức đánh giá sự phù hợp giữa Luật TC&QCKT và Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa chưa thống nhất, gây bất cập, khó khăn cho hoạt động quản lý nhà nước, hoạt động của các tổ chức đánh giá sự phù hợp và doanh nghiệp. Ngoài ra, theo cam kết tại các FTA thế hệ mới, hiện nay một số quy định trong Luật TC&QCKT đã không còn phù hợp với thông lệ quốc tế về quy định hoạt động cung cấp dịch vụ xuyên biên giới…

Để thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện thể chế lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, trước yêu cầu mới của thực tiễn, hội nhập quốc tế và nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập đặt ra trong quá trình thi hành Luật TC&QCKT, cần thiết phải xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật trên cơ sở phát huy ưu điểm và khắc phục các hạn chế của Luật TC&QCKT.

PHƯƠNG HOA

Căn cước công dân có thời hạn bao lâu?

4. Hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí cho công tác điều ước quốc tế

(LSVN) - Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 43/2022/TT-BTC hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác điều ước quốc tế và công tác thỏa thuận quốc tế.

Ảnh minh họa.

Thông tư số 43/2022/TT-BTC quy định các nội dung chi và mức chi như sau:

- Chi tổ chức các cuộc họp, hội nghị, công tác phí trong nước: Thực hiện theo mức chi quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị.

- Chi công tác phí nước ngoài: Thực hiện theo mức chi quy định tại Thông tư số 102/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí cho cán bộ, công chức Nhà nước đi công tác ngắn hạn ở nước ngoài do ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí.

- Chi rà soát liên quan đến điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 5; điểm b, khoản 2, Điều 5; điểm d, khoản 3, Điều 5; điểm b, khoản 2, Điều 6; điểm c, khoản 3, Điều 6, Nghị định số 65/2021/NĐ-CP: Thực hiện theo mức chi quy định tại Thông tư liên tịch số 122/2011/TTLT-BTC-BTP của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật.

- Chi dịch thuật; chi đón các đoàn nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam: Thực hiện theo mức chi quy định tại Thông tư số 71/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định chế độ chi tiêu đón tiếp khách nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, chi tiêu tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam và chi tiêu tiếp khách trong nước.

- Chi xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu về điều ước quốc tế của Việt Nam đặt tại Bộ Ngoại giao quy định tại điểm e, khoản 6, Điều 5 Nghị định số 65/2021/NĐ-CP; chi xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu về thỏa thuận quốc tế quy định tại điểm c, khoản 6, Điều 6 Nghị định số 65/2021/NĐ-CP: Thực hiện theo quy định về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và các văn bản sửa đổi, bổ sung; các định mức kinh tế - kỹ thuật trong lĩnh vực thông tin và truyền thông và các văn bản hướng dẫn liên quan.

- Chi tuyên truyền, phổ biến điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế quy định tại điểm c, khoản 7, Điều 5 và điểm a, khoản 4, Điều 6 Nghị định số 65/2021/NĐ-CP: Thực hiện theo mức chi quy định tại Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở.

Các khoản chi đóng góp tài chính hoặc niên liễm cho tổ chức quốc tế được thành lập theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên quy định tại điểm đ, khoản 7, Điều 5 và chi đóng góp tài chính theo thỏa thuận quốc tế quy định tại điểm b, khoản 4, Điều 6 Nghị định số 65/2021/NĐ-CP: Thực hiện theo quy định của điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Chi cấp bản sao điều ước quốc tế; chi phí sao lục, in ấn tài liệu; chi mua, thu thập tài liệu; chi mua văn phòng phẩm phục vụ trực tiếp cho soạn thảo điều ước quốc tế và thỏa thuận quốc tế; các khoản chi phí khác phát sinh phục vụ trực tiếp công tác điều ước quốc tế, công tác thỏa thuận quốc tế: Thực hiện theo thực tế phát sinh trên cơ sở các hóa đơn chứng từ hợp pháp, trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền giao.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/9/2022.

MAI HUỆ

Căn cước công dân có thời hạn bao lâu?

5. Hành vi dàn cảnh bắt cóc để tống tiền có thể bị xử lý như thế nào?

(LSVN) - Vừa qua, Công an TP. Thủ Đức đã tạm giữ Vũ Quốc Sơn (22 tuổi, ngụ TP. Thủ Đức, TP. HCM) để điều tra về hành vi dàn cảnh bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác. Tại cơ quan Công an, Sơn bước đầu khai nhận Trần Ngọc Kim Trang thuê Sơn dàn cảnh vụ "bắt cóc" cháu để chiếm đoạt tài sản của mẹ ruột là bà L. Vậy, theo quy định của pháp luật, hành vi dàn cảnh bắt cóc để tống tiền có thể bị xử lý như thế nào?

Ảnh minh họa.

Dưới góc độ pháp lý, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp cho biết hành vi dàn cảnh bắt cóc để tống tiền trên đã đe dọa uy hiếp tinh thần của bà L. nhằm chiếm đoạt tài sản nên đây là hành vi nguy hiểm cho xã hội. Trong vụ việc này cơ quan điều tra có thể khởi tố các đối tượng về tội "Cưỡng đoạt tài sản" theo quy định tại Điều 170 Bộ luật Hình sự bởi hành vi bắt cóc chỉ là dàn dựng.

Tội "Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản" là hành vi bắt giữ người khác nhằm chiếm đoạt tài sản của người thân người bị bắt giữ. Hành vi bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản không chỉ xâm phạm đến quyền tự do thân thể của công dân (bắt giữ người trái pháp luật) mà còn xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản. Mục đích thực hiện hành vi xâm phạm đến quyền tự do thân thể của công dân là để nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác. Hành vi bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm đến nhiều khách thể mà pháp luật hình sự bảo vệ. Đối tượng bắt cóc không chỉ xâm phạm đến tự do thân thể của công dân, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản mà hành vi này cũng có thể xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng của nạn nhân. Bởi vậy hành vi này xâm hại đến nhiều khách thể mà pháp luật hình sự bảo vệ, có tính chất nguy hiểm cao đối với xã hội.

Nếu hành vi bắt cóc nhằm chiếm đoạt số tiền là thật thì đối tượng vi phạm sẽ có thể phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 169 Bộ luật Hình sự.

Tuy nhiên, trong vụ việc này thì hành vi bắt cóc chưa xâm phạm đến quyền tự do thân thể của cháu bé mà chỉ là dàn dựng, giả mạo để đe dọa uy hiếp tinh thần của bà cháu bé nhằm chiếm đoạt tài sản. Vì vậy hành vi này có dấu hiệu của tội "Cưỡng đoạt tài sản" được quy định tại Điều 170 Bộ luật Hình sự.

Cụ thể tội danh và hình phạt được Bộ luật Hình sự quy định như sau:

Điều 170. Tội cưỡng đoạt tài sản

1. Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Theo quy định của pháp luật thì tội "Cưỡng đoạt tài sản" có cấu thành hình thức, chỉ cần có hành vi đe dọa, uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản là hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành của tội danh này, chưa cần phải chiếm đoạt được tài sản của nạn nhân.

Tuy nhiên, trong vụ việc này đối tượng chưa chiếm đoạt được tài sản nên được áp dụng quy định của pháp luật về phạm tội chưa đạt khi Ròa án lượng hình. Điều 15 Bộ luật Hình sự quy định: "Phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội. Người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt".

Điều 57 Bộ luật Hình sự quy định về việc quyết định hình phạt với hành vi phạm tội chưa đạt như sau: Hình phạt đối với hành vi phạm tội chưa đạt được quyết định theo các điều của Bộ luật này về các tội phạm tương ứng tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, mức độ thực hiện ý định phạm tội và những tình tiết khác khiến cho tội phạm không thực hiện được đến cùng. Nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình thì áp dụng hình phạt tù không quá 20 năm; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá 3/4 mức phạt tù mà điều luật quy định.

TIẾN HƯNG

Cửa hàng tiện lợi bán cho khách phạm vi dưới 500m: Hạn chế quyền tự do lựa chọn sản phẩm, quyền tự do kinh doanh

6. Kịp thời cảnh báo các hành vi phạm pháp là rất cần thiết!

(LSVN) - Thời gian gần đây, thông qua mạng xã hội đã xuất hiện nhiều thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân như giả danh Công an tra đe dọa về vi phạm pháp luật buộc nạn nhân chuyển tiền để dàn xếp, thông báo trúng giải thưởng lớn để lừa nạn nhân chuyển tiền làm thủ tục rồi chiếm đoạt; lừa tìm được "việc nhẹ, lương cao" rồi bán ra nước ngoài. 

Ảnh minh họa.

Mới đây Công an Bình Dương cảnh báo tình trạng dùng tiền âm phủ lừa nạn nhân chuyển tiền thật rồi chiếm đoạt hay Công an Hà Nội cảnh bảo về việc lợi dụng việc chia sẻ hình ảnh căn cước công dân, chứng minh nhân dân của một số người dân để đánh cắp thông tin cá nhân chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng của họ,...

Nguyên nhân để các đối tượng có cơ hội giả danh, lừa đảo tài sản người dân là do sự "nhẹ dạ cả tin" của một số người dân. Bên cạnh đó, nhiều người thiếu hiểu biết, không muốn dính dáng đến pháp luật nên nghe những đối tượng xấu mạo danh, giả danh cơ quan pháp luật dọa dẫm đã vội vàng chuyển tiền cho bọn chúng mà không kiểm chứng, xác minh hoặc báo cơ quan chức năng. Đặc biệt việc thiếu thông tin về các thủ đoạn lừa đảo mới hoặc mạo danh, giả danh đã tạo cơ hội cho các đối tượng xấu liên tiếp gây án và danh sách nạn nhân dài thêm.

Do đó, việc tuyên truyền, cảnh báo cho mọi người dân và toàn xã hội kịp thời biết được các âm mưu, thủ đoạn lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của những kẻ phạm tội là rất quan trọng, rất cần thiết. Thông qua đó, giúp người dân có thể nắm bắt được các thủ đoạn lừa đảo của những kẻ phạm tội để chủ động phòng tránh có hiệu quả. Mặt khác, từ những thông tin, cảnh báo còn giúp cho các cơ quan chức năng có thể nhanh chóng triệt phá, bắt giữ các đối tượng phạm tội khi được người dân trình báo ngay khi có hành vi lừa đảo, giả mạo xảy ra. 

Có thể nói, việc kịp thời cảnh báo, thông tin tuyên truyền sâu rộng đến mọi người dân về các thủ đoạn phạm tội mới là rất quan trọng, rất cần thiết. Điều này không những giúp người dân tự bảo vệ được tài sản của mình mà qua đó còn góp phần đấu tranh phòng chống tội phạm đạt kết quả cao hơn.

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác thông tin, cảnh báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua mạng xã hội… về các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là những thủ đoạn mới để người dân có thể phòng ngừa, bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của mình. 

Như vậy, không những góp phần đảm bảo tình hình trật tự an toàn xã hội được giữ vững, bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân mà các loại tội phạm, nhất là tội phạm công nghệ cao sẽ không còn đất sống và dần sẽ bị ngăn chặn, loại bỏ.

Thạc sĩ PHẠM VĂN CHUNG

Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum

Không nên quy định chỉ được chuyển nhượng biển số trúng đấu giá kèm theo xe ôtô

7.

 

SÁNG

1. Cảnh báo về hình thức 'tín dụng đen' cho vay qua ứng dụng trên điện thoại di động

(LSVN) - Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an thành phố cảnh báo và đề nghị người dân nâng cao cảnh giác, phối hợp phòng, chống tội phạm đối với hình thức "tín dụng đen".

Ảnh minh họa.

Theo đó, người dân không đăng ký vay tiền qua các app hay website, các trang mạng xã hội, ứng dụng vay tiền... Khi có nhu cầu vay vốn, người dân nên tìm đến các đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính uy tín như: ngân hàng, quỹ tín dụng... để được hỗ trợ làm thủ tục theo đúng quy định pháp luật.

Những người dân không vay mà bị gọi điện, nhắn tin làm phiền có thể chặn cuộc gọi, tin nhắn bằng các ứng dụng có sẵn trên điện thoại, tuyệt đối không cung cấp các thông tin cá nhân hay người thân và bạn bè. Nếu tình trạng bị làm phiền kéo dài, người bị làm phiền ghi âm cuộc gọi, lưu tin nhắn và trình báo cơ quan chức năng, tránh tâm lý e ngại, thậm chí thỏa hiệp cho qua; từ đó tạo điều kiện cho các đối tượng tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Thực tế, thời gian qua, địa bàn cả nước xảy ra tình trạng tội phạm hoạt động theo hình thức "tín dụng đen" với phương thức, thủ đoạn cho vay trực tuyến qua ứng dụng trên điện thoại di động. Mặc dù số tiền cho vay không lớn nhưng mức lãi suất rất cao, chỉ thực hiện qua ứng dụng điện thoại di động, giao dịch vay trả đều không có giấy tờ và địa chỉ công ty cho vay không có thật. 

Các đối tượng, tổ chức tín dụng cho vay tiền không rõ nguồn gốc tạo các ứng dụng vay tiền; đồng thời, sử dụng tờ rơi, thông qua các trang mạng xã hội, nhắn tin, gọi điện, chạy video quảng cáo... nhằm kêu gọi, lôi kéo nhiều người tham gia với những nội dung như: thủ tục vay tiền đơn giản, nhanh gọn, lãi suất "hấp dẫn", miễn phí lãi suất lần đầu vay,vay không cần chứng minh thu nhập, vay không cần thế chấp, lương càng cao lãi suất càng thấp... 

Sau khi lôi kéo, dụ dỗ được người có nhu cầu, các đối tượng chủ động liên hệ qua trang mạng xã hội như: Zalo, Telegram, Messenger, Viber... và tự xưng là nhân viên chăm sóc khách hàng hướng dẫn làm thủ tục vay vốn. Để tạo sự tin tưởng, bọn chúng còn cung cấp hình ảnh bản thân, căn cước công dân, địa chỉ cơ quan, nơi làm việc, số điện thoại liên hệ... Tuy nhiên, trên thực tế, những hình ảnh, thông tin này đều là mạo danh người khác hoặc giả mạo thông qua các thủ đoạn cắt ghép, chỉnh sửa. 

Khi đã tạo được lòng tin đối với người vay, các đối tượng cung cấp đường link tải ứng dụng vay tiền trên điện thoại di động. Sau khi cài đặt ứng dụng, các đối tượng hướng dẫn người dùng điền các thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, ứng dụng yêu cầu được phép truy cập vào danh bạ của điện thoại để thu thập các thông tin liên quan phục vụ mục đích đòi nợ. Các đối tượng sau khi hoàn thành xong thủ tục sẽ cho vay khoản tiền theo yêu cầu với lãi suất 10-15%/năm (tương đương hoặc cao hơn lãi suất ngân hàng không đáng kể). Tuy nhiên, nếu đến hạn, người vay trả chậm sẽ bị phạt tiền vi phạm hợp đồng từ 3 - 8% tiền vay; một ngày trả chậm sẽ bị phạt thêm từ 2 - 5% tiền vay. Như vậy, khoản tiền phải trả có thể gấp 5, gấp 10 lần khoản tiền vay ban đầu trong thời gian ngắn (một vài tháng).

Khi đến hạn mà người vay chưa trả nợ hoặc không trả đầy đủ, các đối tượng sẵn sàng sử dụng nhiều biện pháp đe dọa, khủng bố tinh thần để đòi nợ như: sử dụng sim rác gọi điện, nhắn tin để chửi bới, đe dọa; liên lạc với người thân (những số điện thoại thường xuyên liên lạc hoặc có tên trong danh bạ) gây sức ép để đòi tiền; sử dụng hình ảnh cá nhân, cắt, ghép phát tán trên mạng xã hội, gửi email, gọi điện cho các cấp lãnh đạo, cán bộ quản lý để vu khống, tố cáo, gây sức ép đòi nợ, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của nhiều tổ chức, cá nhân…

Khi phát hiện thông tin về các đối tượng, đường dây liên quan đến việc cho vay qua app, website, các trang mạng xã hội, ứng dụng vay tiền... người dân cần trình báo cơ quan Công an để kịp thời ngăn chặn, điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.

PV

Vi phạm hợp đồng theo quy định của Luật Thương mại 2005 và Bộ nguyên tắc PICC