Xử lý gần 241.900 trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông sau 1 tháng thực hiện cao điểm
(LSVN) - Theo Cục Cảnh sát giao thông tính từ khi bắt đầu thực hiện cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ngày 20/6) đến nay, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã huy động 421.974 lượt cán bộ, chiến sỹ tổ chức tuần tra kiểm soát; phát hiện, xử lý gần 241.900 trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông; phạt tiền hơn 374,4 tỉ đồng; tước trên 34.900 giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn; tạm giữ gần 51.300 phương tiện các loại.
So với cùng kỳ năm 2021, xử phạt tăng 29.250 trường hợp (13,76%), tiền phạt tăng 170,9 tỉ đồng (84%).
Trong đó, xử lý 28.578 người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới vi phạm về nồng độ cồn (xe tải 205 trường hợp; xe con 1.695 trường hợp; xe khách 38 trường hợp; xe container 8 trường hợp; xe mô tô 26.571 trường hợp…); phạt tiền 127 tỉ đồng; tạm giữ gần 28.600 phương tiện; tước giấy phép lái xe trên 18.000 trường hợp. So với cùng kỳ năm 2021, xử phạt tăng trên 22.000 trường hợp (335%), tiền phạt tăng 99,5 tỉ đồng (362%).
Đáng chú ý là các trường hợp vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất chiếm 29,6% (8.471 trường hợp), không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn 382 trường hợp. Thời gian phát hiện các “ma men” nhiều nhất từ 18h-22h (17.703 trường hợp).
Một số địa phương có kết quả xử lý vi phạm cao là TP. Hồ Chí Minh (4.260 trường hợp); Hà Nội (1.616 trường hợp); Bình Dương (1.251 trường hợp); Bắc Ninh (1.019 trường hợp); Bắc Giang (984 trường hợp); Quảng Ninh (828 trường hợp); Tây Ninh (761 trường hợp); Thừa Thiên - Huế (734 trường hợp); Đắk Lắk (711 trường hợp); Phú Thọ (710 trường hợp); Gia Lai (680 trường hợp); Đồng Nai (632 trường hợp); Bình Phước (593 trường hợp),...
Lực lượng Cảnh sát giao thông đã xử lý 13.210 trường hợp (lái xe 8.615 trường hợp; chủ phương tiện 4.595 trường hợp) phương tiện vận tải hàng hóa vi phạm quy định về “cơi nới” thùng xe, chở hàng quá tải trọng, quá khổ; phạt tiền 64,38 tỉ đồng; tạm giữ 355 phương tiện; tước giấy phép lái xe 5.386 trường hợp (trên các tuyến đường cao tốc đã xử lý 400 trường hợp). Trong đó, xử lý trên 7.100 trường hợp chở hàng quá trọng tải (65,5%); trên 1.800 trường hợp quá khổ giới hạn (17,1%); gần 1.900 trường hợp tự ý cải tạo phương tiện (14,4%); tháo, cắt thùng xe 3.600 trường hợp (có 897 trường hợp phải cưỡng chế để tháo, cắt). So với cùng kỳ năm 2021, xử phạt tăng hơn 7.000 trường hợp (116%), tiền phạt tăng 41 tỉ đồng (176%).
Các địa phương có kết quả xử lý vi phạm cao là Hà Nội (1.106 trường hợp); Thanh Hóa (983 trường hợp); Bắc Ninh (699 trường hợp); Phú Thọ (636 trường hợp); Nghệ An (496 trường hợp); TP. Hồ Chí Minh (491 trường hợp); Bình Định (386 trường hợp),…
Về vi phạm tốc độ, Cục Cảnh sát giao thông cho biết, có trên 25.200 trường hợp bị xử lý, trong đó xe tải 2.662 trường hợp, xe con 10.241 trường hợp, xe khách 990 trường hợp, xe container 170 trường hợp; phạt tiền 45 tỉ đồng; tạm giữ 875 phương tiện; tước 6.071 giấy phép lái xe. So với cùng kỳ năm 2021, xử phạt tăng trên 5.500 trường hợp (28,2%), tiền phạt tăng 18 tỉ đồng (67,2%).
Lực lượng Cảnh sát đường thủy đã xử lý 4.472 trường hợp chở quá vạch mớn nước an toàn; 102 trường hợp không trang bị hoặc trang bị không đầy đủ phao cứu sinh, thiết bị an toàn kỹ thuật, phòng cháy, chữa cháy; 356 trường hợp vi phạm về đăng ký, đăng kiểm. An Giang, Tiền Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội là những địa phương có kết quả xử lý vi phạm cao.
Đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát bảo đảm trật tự, an toàn giao thông sẽ kết thúc vào ngày 20/9.
DUY ANH
Sửa đổi quy định theo hướng phạt nặng chủ xe ô tô tải vi phạm tải trọng cầu đường
Hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí cho công tác điều ước quốc tế
(LSVN) - Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 43/2022/TT-BTC hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác điều ước quốc tế và công tác thỏa thuận quốc tế.
Ảnh minh họa.
Thông tư số 43/2022/TT-BTC quy định các nội dung chi và mức chi như sau:
- Chi tổ chức các cuộc họp, hội nghị, công tác phí trong nước: Thực hiện theo mức chi quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị.
- Chi công tác phí nước ngoài: Thực hiện theo mức chi quy định tại Thông tư số 102/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí cho cán bộ, công chức Nhà nước đi công tác ngắn hạn ở nước ngoài do ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí.
- Chi rà soát liên quan đến điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 5; điểm b, khoản 2, Điều 5; điểm d, khoản 3, Điều 5; điểm b, khoản 2, Điều 6; điểm c, khoản 3, Điều 6, Nghị định số 65/2021/NĐ-CP: Thực hiện theo mức chi quy định tại Thông tư liên tịch số 122/2011/TTLT-BTC-BTP của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật.
- Chi dịch thuật; chi đón các đoàn nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam: Thực hiện theo mức chi quy định tại Thông tư số 71/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định chế độ chi tiêu đón tiếp khách nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, chi tiêu tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam và chi tiêu tiếp khách trong nước.
- Chi xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu về điều ước quốc tế của Việt Nam đặt tại Bộ Ngoại giao quy định tại điểm e, khoản 6, Điều 5 Nghị định số 65/2021/NĐ-CP; chi xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu về thỏa thuận quốc tế quy định tại điểm c, khoản 6, Điều 6 Nghị định số 65/2021/NĐ-CP: Thực hiện theo quy định về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và các văn bản sửa đổi, bổ sung; các định mức kinh tế - kỹ thuật trong lĩnh vực thông tin và truyền thông và các văn bản hướng dẫn liên quan.
- Chi tuyên truyền, phổ biến điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế quy định tại điểm c, khoản 7, Điều 5 và điểm a, khoản 4, Điều 6 Nghị định số 65/2021/NĐ-CP: Thực hiện theo mức chi quy định tại Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở.
Các khoản chi đóng góp tài chính hoặc niên liễm cho tổ chức quốc tế được thành lập theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên quy định tại điểm đ, khoản 7, Điều 5 và chi đóng góp tài chính theo thỏa thuận quốc tế quy định tại điểm b, khoản 4, Điều 6 Nghị định số 65/2021/NĐ-CP: Thực hiện theo quy định của điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Chi cấp bản sao điều ước quốc tế; chi phí sao lục, in ấn tài liệu; chi mua, thu thập tài liệu; chi mua văn phòng phẩm phục vụ trực tiếp cho soạn thảo điều ước quốc tế và thỏa thuận quốc tế; các khoản chi phí khác phát sinh phục vụ trực tiếp công tác điều ước quốc tế, công tác thỏa thuận quốc tế: Thực hiện theo thực tế phát sinh trên cơ sở các hóa đơn chứng từ hợp pháp, trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền giao.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/9/2022.
MAI HUỆ
Căn cước công dân có thời hạn bao lâu?
Cảnh báo về hình thức 'tín dụng đen' cho vay qua ứng dụng trên điện thoại di động
(LSVN) - Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an thành phố cảnh báo và đề nghị người dân nâng cao cảnh giác, phối hợp phòng, chống tội phạm đối với hình thức "tín dụng đen".
Ảnh minh họa.
Theo đó, người dân không đăng ký vay tiền qua các app hay website, các trang mạng xã hội, ứng dụng vay tiền... Khi có nhu cầu vay vốn, người dân nên tìm đến các đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính uy tín như: ngân hàng, quỹ tín dụng... để được hỗ trợ làm thủ tục theo đúng quy định pháp luật.
Những người dân không vay mà bị gọi điện, nhắn tin làm phiền có thể chặn cuộc gọi, tin nhắn bằng các ứng dụng có sẵn trên điện thoại, tuyệt đối không cung cấp các thông tin cá nhân hay người thân và bạn bè. Nếu tình trạng bị làm phiền kéo dài, người bị làm phiền ghi âm cuộc gọi, lưu tin nhắn và trình báo cơ quan chức năng, tránh tâm lý e ngại, thậm chí thỏa hiệp cho qua; từ đó tạo điều kiện cho các đối tượng tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Thực tế, thời gian qua, địa bàn cả nước xảy ra tình trạng tội phạm hoạt động theo hình thức "tín dụng đen" với phương thức, thủ đoạn cho vay trực tuyến qua ứng dụng trên điện thoại di động. Mặc dù số tiền cho vay không lớn nhưng mức lãi suất rất cao, chỉ thực hiện qua ứng dụng điện thoại di động, giao dịch vay trả đều không có giấy tờ và địa chỉ công ty cho vay không có thật.
Các đối tượng, tổ chức tín dụng cho vay tiền không rõ nguồn gốc tạo các ứng dụng vay tiền; đồng thời, sử dụng tờ rơi, thông qua các trang mạng xã hội, nhắn tin, gọi điện, chạy video quảng cáo... nhằm kêu gọi, lôi kéo nhiều người tham gia với những nội dung như: thủ tục vay tiền đơn giản, nhanh gọn, lãi suất "hấp dẫn", miễn phí lãi suất lần đầu vay,vay không cần chứng minh thu nhập, vay không cần thế chấp, lương càng cao lãi suất càng thấp...
Sau khi lôi kéo, dụ dỗ được người có nhu cầu, các đối tượng chủ động liên hệ qua trang mạng xã hội như: Zalo, Telegram, Messenger, Viber... và tự xưng là nhân viên chăm sóc khách hàng hướng dẫn làm thủ tục vay vốn. Để tạo sự tin tưởng, bọn chúng còn cung cấp hình ảnh bản thân, căn cước công dân, địa chỉ cơ quan, nơi làm việc, số điện thoại liên hệ... Tuy nhiên, trên thực tế, những hình ảnh, thông tin này đều là mạo danh người khác hoặc giả mạo thông qua các thủ đoạn cắt ghép, chỉnh sửa.
Khi đã tạo được lòng tin đối với người vay, các đối tượng cung cấp đường link tải ứng dụng vay tiền trên điện thoại di động. Sau khi cài đặt ứng dụng, các đối tượng hướng dẫn người dùng điền các thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, ứng dụng yêu cầu được phép truy cập vào danh bạ của điện thoại để thu thập các thông tin liên quan phục vụ mục đích đòi nợ. Các đối tượng sau khi hoàn thành xong thủ tục sẽ cho vay khoản tiền theo yêu cầu với lãi suất 10-15%/năm (tương đương hoặc cao hơn lãi suất ngân hàng không đáng kể). Tuy nhiên, nếu đến hạn, người vay trả chậm sẽ bị phạt tiền vi phạm hợp đồng từ 3 - 8% tiền vay; một ngày trả chậm sẽ bị phạt thêm từ 2 - 5% tiền vay. Như vậy, khoản tiền phải trả có thể gấp 5, gấp 10 lần khoản tiền vay ban đầu trong thời gian ngắn (một vài tháng).
Khi đến hạn mà người vay chưa trả nợ hoặc không trả đầy đủ, các đối tượng sẵn sàng sử dụng nhiều biện pháp đe dọa, khủng bố tinh thần để đòi nợ như: sử dụng sim rác gọi điện, nhắn tin để chửi bới, đe dọa; liên lạc với người thân (những số điện thoại thường xuyên liên lạc hoặc có tên trong danh bạ) gây sức ép để đòi tiền; sử dụng hình ảnh cá nhân, cắt, ghép phát tán trên mạng xã hội, gửi email, gọi điện cho các cấp lãnh đạo, cán bộ quản lý để vu khống, tố cáo, gây sức ép đòi nợ, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của nhiều tổ chức, cá nhân…
Khi phát hiện thông tin về các đối tượng, đường dây liên quan đến việc cho vay qua app, website, các trang mạng xã hội, ứng dụng vay tiền... người dân cần trình báo cơ quan Công an để kịp thời ngăn chặn, điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.
PV
Vi phạm hợp đồng theo quy định của Luật Thương mại 2005 và Bộ nguyên tắc PICC