1. Công an TP. Hồ Chí Minh khuyến cáo cảnh giác mua tour du lịch giá rẻ trên mạng
(LSVN) - Công an TP. Hồ Chí Minh cảnh báo thủ đoạn lừa đảo trên mạng khá phổ biến. Đối với những tour du lịch hoặc các hoạt động khác được chào qua mạng người dân cần tìm đơn vị uy tín, xác định rõ trụ sở, có hợp đồng rõ ràng và không nên thực hiện các giao dịch qua mạng.
Theo ông Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu, Công an TP. Hồ Chí Minh cho biết, hiện đang xuất hiện tình trạng bán tour giá rẻ trên mạng rồi chiếm đoạt tiền của người dân. Theo đó, qua nắm bắt thông tin sơ bộ, một số công ty du lịch đang rao bán các tour trên mạng với mức giảm giá đến 40 - 50%, sau khi người dân đăng kí mua tour du lịch này và chuyển khoản thành công thì các công ty du lịch cũng mất liên lạc.
Đây là một thủ đoạn chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng bằng hình thức bán tour du lịch giảm giá. Để tránh sập bẫy các công ty du lịch này, người dân cần cảnh giác khi mua tour du lịch giá rẻ trên mạng.
Ông Lê Mạnh Hà khuyến cáo: "Khi mua tour du lịch, người dân có thể đến trụ sở các công ty để kiểm tra thông tin công ty du lịch và mua tour trực tiếp hoặc có thể kiểm tra thông tin pháp nhân của các công ty du lịch xem có trụ sở đăng kí hay không, có tư cách pháp nhân kinh doanh bán tour du lịch hay không...".
Theo các công ty du lịch, hiện nay, trên các mạng xã hội, không khó để tìm thấy những cộng đồng bán voucher, combo du lịch giá rẻ. Để thu hút người mua, các cá nhân, đơn vị này tung ra các gói khuyến mại sâu đến 50 - 70% và đây là những mức giá rẻ đến khó tin. Sau khi người mua các sản phẩm này và chuyển tiền thành công, các công ty du lịch giá rẻ này cũng "biến mất".
Cũng theo Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP.Hồ Chí Minh, trong đợt cao điểm cấp CCCD gắn chip đợt ba từ 15/7 đến 31/8, Công an thành phố yêu cầu các đơn vị chia ca, kíp thực hiện, làm việc cả thứ Bảy, Chủ Nhật, từ 7h - đến 22h mỗi ngày. Đảm bảo thời gian cấp ít nhất 15 giờ/ngày làm việc và phấn đấu số CCCD mà một máy phải đạt là 250 CCCD/ngày.
Mục đích của Công an thành phố là quyết tâm hoàn thành việc cấp CCCD gắn chip, thực hiện tốt Đề án 06; đồng thời khắc phục các sai sót mà trước đây khiến nhiều trường hợp người dân chưa nhận được CCCD. So với CCCD mã vạch, tính bảo mật của CCCD gắn chip cao hơn và tránh được giả mạo, lừa đảo.
CCCD gắn chip tích hợp nhiều tính năng như chuyển đổi thông tin tiếng Việt sang tiếng Anh, tiện lợi giao dịch dân sự trong nước và quốc tế; tạo được tài khoản định danh điện tử, dễ dàng thực hiện thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian cho người dân cùng tiện ích rút tiền, khám chữa bệnh...
Liên quan đến việc thẻ CCCD mã vạch được cấp năm 2020 còn hạn sử dụng, Thượng tá Hà cho biết theo quy định pháp luật hiện nay thì không bắt buộc đổi CCCD mã vạch sang CCCD gắn chip.
Thượng tá Hà khuyến khích người dân chuyển đổi CCCD gắn chip nhằm tạo thuận lợi trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính trong tương lai.
DUY ANH
Cảnh báo về hình thức 'tín dụng đen' cho vay qua ứng dụng trên điện thoại di động
2. Xét xử vụ nguyên Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Nam: Vì sao phạm tội ở Bình Dương nhưng xét xử tại Hà Nội?
(LSVN) – Tòa án có thẩm quyền xét xử vụ án hình sự là Tòa án nơi tội phạm được thực hiện. Trường hợp tội phạm được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau hoặc không xác định được nơi thực hiện tội phạm thì Tòa án có thẩm quyền xét xử là Tòa án nơi kết thúc việc điều tra.
Theo dự kiến, ngày 15/8 tới Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam và 27 bị cáo khác trong vụ sai phạm trong quản lý đất đai ở tỉnh Bình Dương.
Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao ủy quyền cho Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội thực hành công tố trong quá trình xét xử vụ án này. TAND TP. Hà Nội quyết định về trách nhiệm dân sự và xử lý vật chứng trong vụ án.
Vậy, vì sao hành vi phạm tội của các bị cáo xảy ra tại Bình Dương nhưng lại xét xử tại TAND TP. Hà Nội; việc chuyển nơi xét xử này căn cứ vào quy định nào?
Chia sẻ với Tạp chí Luật sư Việt Nam về một số vấn đề pháp lý liên quan đến vấn đề này, Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Công Luật TNHH TGS cho biết thẩm quyền xét xử theo lãnh thổ là việc phân định quyền xét xử các vụ án hình sự giữaTòa án các địa phương với nhau dựa vào các yếu tốnhư địa điểm thực hiện tội phạm hoặc địa điểm kết thúc điều tra, nơi cư trú của người phạm tội hoặc địa điểm khác do pháp luật quy định.
Theo quy định tại Điều 269 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Tòa án có thẩm quyền xét xử vụ án hình sự là Tòa án nơi tội phạm được thực hiện vì tại nơi đó có lưu lại những dấu vết, vật chứng, chứng cứ về hình vi phạm tội, có người làm chứng, những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án,... nên việc xét xử sẽ diễn ra thuận lợi, có tác dụng răn đe, phòng ngừa và đấu tranh phòng, chống tội phạm ở chính địa phương đó.
Đối với trường hợp tội phạm được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau hoặc không xác định được nơi thực hiện tội phạm thì Tòa án có thẩm quyền xét xử là Tòa án nơi kết thúc việc điều tra.
Điều 269. Thẩm quyền theo lãnh thổ 1. Tòa án có thẩm quyền xét xử vụ án hình sự là Tòa án nơi tội phạm được thực hiện. Trường hợp tội phạm được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau hoặc không xác định được nơi thực hiện tội phạm thì Tòa án có thẩm quyền xét xử là Tòa án nơi kết thúc việc điều tra. 2. Bị cáo phạm tội ở nước ngoài nếu xét xử ở Việt Nam thì Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi cư trú cuối cùng của bị cáo ở trong nước xét xử. Nếu không xác định được nơi cư trú cuối cùng ở trong nước của bị cáo thì tùy trường hợp, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ra quyết định giao cho Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội hoặc Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh hoặc Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng xét xử. Bị cáo phạm tội ở nước ngoài nếu thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự thì Tòa án quân sự cấp quân khu xét xử theo quyết định của Chánh án Tòa án quân sự trung ương. |
Tuy nhiên, trong thực tiễn xét xử, có nhiều vụ án do Cơ quan điều tra, Bộ Công an tiến hành điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao kiểm sát điều tra và ra cáo trạng, nơi xảy ra hành vi phạm tội tại một địa phương nhưng có liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, bị cáo là lãnh đạo chủ chốt ở địa phương đó. Trong trường hợp này, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao có thể ủy quyền cho Viện Kiểm sát nhân dân một địa phương cụ thể thực hành quyền công tố và khi đó, Tòa án nhân dân địa phương cùng cấp với Viện kiểm sát nhân dân được ủy quyền sẽ thụ lý và xét xử sơ thẩm đối với vụ án.
Ngoài ra, trong hoạt động tố tụng hình sự có thể phát sinh những vụ án hình sự rất khó để xác định thẩm quyền xét xử dẫn đến tranh chấp thẩm quyền xét xử hoặc sự đùn đẩy trách nhiệm xét xử giữa các Tòa án. Nếu có tranh chấp về thẩm quyền xét xử thì việc giải quyết tranh chấp về thẩm quyền xét xử sẽ được thực hiện theo quy định tại Điều 275 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Việc chuyển vụ án để xét xử theo đúng thẩm quyền sẽ được thực hiện theo quy định tại Điều 274 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Công Luật TNHH TGS.
"Như vậy, khi Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao ủy quyền cho Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội thực hành quyền công tố thì Tòa án nhân dân TP. Hà Nội thực hiện việc thụ lý và xét xử sơ thẩm đối với vụ án là phù hợp với quy định của pháp luật", Luật sư Hùng cho biết.
HỒNG HẠNH
Ngày 15/8 xét xử nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam và đồng phạm