(LSVN) - Trong bối cảnh nhiệm kỳ Tổng thống của ông Donald Trump đang chỉ tính bằng ngày, Mỹ liên tiếp đưa ra các lệnh trừng phạt mới nhằm vào hàng loạt quốc gia.
Có nhận định cho rằng bước đi này nhằm “gây khó dễ”, ngăn chính quyền mới đảo ngược ngay lập tức các chính sách của người tiền nhiệm. Tuy nhiên, có nhiều dấu hiệu cho thấy chính quyền mới tại Mỹ cũng sẽ vẫn duy trì vũ khí quan trọng này trong chính sách đối ngoại, với những điều chỉnh có thể mang lại hiệu quả hơn.
Giới chức Nga và Trung Quốc đang đồng loạt lên tiếng phản đối sau khi Mỹ liệt 103 công ty của hai nước này vào danh sách đen, với lý do bảo vệ an ninh quốc gia. Bản danh sách trên bao gồm 45 doanh nghiệp Nga và 58 doanh nghiệp Trung Quốc, phần nhiều liên quan tới lĩnh vực không gian.
Phát biểu tại buổi họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân tuyên bố, Trung Quốc sẽ có biện pháp đáp trả xứng đáng: “Trung Quốc sẽ thực hiện các biện pháp đáp trả tương xứng nhằm vào Mỹ vì đã can thiệp vào những vấn đề nội bộ của Trung Quốc, tổn hại đến lợi ích của Trung Quốc cũng như làm xấu đi mối quan hệ song phương. Trung Quốc hối thúc Mỹ sửa chữa sai lầm, dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào Trung Quốc. Trung Quốc sẽ tiếp tục đưa ra các bước đi phù hợp, để bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình”.
Trong nhiệm kỳ 4 năm của mình, ông Trump đã áp dụng các biện pháp trừng phạt đơn phương ở mức kỷ lục, từ các hoạt động quân sự của Iran đến kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, khủng hoảng chính trị Venezuela.
Theo đó, khoảng 3.800 lệnh trừng phạt mới được áp đặt, so với hơn 2.000 lệnh trừng phạt trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Barack Obama. Ngay trước khi kết thúc nhiệm kỳ, hàng loạt thông báo trừng phạt mới đã được đưa ra, có thể gây khó khăn cho người kế nhiệm thực hiện những thay đổi trong chính sách đối ngoại.
Khi nhậm chức vào ngày 20/1/2021, ông Joe Biden có thể thực hiện một loạt các thay đổi trong chính sách đối ngoại nhưng có nhiều dấu hiệu cho thấy “vũ khí trừng phạt” sẽ vẫn được duy trì. Việc lựa chọn ông Antony Blinken vào vị trí Ngoại trưởng và Jake Sullivan làm Cố vấn an ninh quốc gia cho thấy chính quyền của ông Biden sẽ tiếp tục các bước đi cứng rắn này trong việc định hình chính sách đối ngoại.
Một điều dễ nhận thấy là lá bài trừng phạt của Tổng thống Trump áp dụng 4 năm qua chưa thực sự hiệu quả như mong đợi với vấn đề Iran, Venezuela hay Triều Tiên… Vì vậy, vũ khí này sẽ được chính quyền của ông Joe Biden tiếp tục sử dụng với những điều chỉnh, bao gồm việc đưa ra quyết định có cân nhắc hơn, đặc biệt không còn được thực hiện trên tinh thần “Nước Mỹ trên hết” mà sẽ phối hợp chặt chẽ với các đồng minh để đảm bảo sức nặng của lệnh trừng phạt.
Chuyên gia phân tích Mỹ Hagar Hajjar Chemali nhận định, lệnh trừng phạt sẽ vẫn là công cụ chính trong quyền lực của Mỹ, mặc dù nó sẽ được đặt trong một chiến lược lớn hơn - điều còn thiếu trong chính quyền của Tổng thống Trump.
PHẠM HÀ/VOV