/ Pháp luật - Đời sống
/ Sáu vấn đề lớn tại dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi)

Sáu vấn đề lớn tại dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi)

26/10/2022 03:17 |

(LSVN) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, ngày 25/10, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đã trình bày tóm tắt báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi).

Toàn cảnh phiên họp.

Thay mặt UBTV Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Về thanh tra huyện, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, đa số ý kiến tán thành với dự thảo Luật về việc duy trì hệ thống tổ chức cơ quan thanh tra theo cấp hành chính như hiện hành, gồm Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh và Thanh tra huyện.

Thanh tra huyện đã có quá trình hình thành và phát triển lâu dài, nên tiếp tục duy trì nhằm tham mưu, giúp UBND cùng cấp quản lý Nhà nước về công tác thanh tra là cần thiết, bảo đảm cho chính quyền địa phương cấp huyện thực hiện hiệu quả nhiệm vụ, kịp thời phát hiện sai phạm ngay từ ở cơ sở.

Theo UBTV Quốc hội, Thanh tra huyện không chỉ thực hiện nhiệm vụ về thanh tra mà còn là đầu mối tổ chức triển khai nhiều nhiệm vụ được giao trong các luật khác, như Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Khiếu nại; Tố cáo; Phòng, chống tham nhũng...

Những bất cập trong tổ chức và hoạt động của Thanh tra huyện thời gian qua không phải do thiết chế này không còn phù hợp mà là do chưa được quan tâm bố trí đủ nguồn lực để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.

Nếu không duy trì Thanh tra huyện, tuy giảm được số lượng lớn cơ quan, nhưng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả hoạt động quản lý Nhà nước trên các địa bàn cấp huyện, nhất là đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa cao.

Về thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ, nhiều đại biểu tán thành nhưng đề nghị quy định rõ trong Luật tiêu chí thành lập. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị không thành lập cấp Thanh tra này do e ngại sẽ phát sinh thêm biên chế, không phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 18 của Trung ương.

UBTV Quốc hội cho rằng, theo quy định của Luật Thanh tra hiện hành thì tại các Tổng cục, Cục thuộc Bộ không thành lập tổ chức thanh tra chuyên ngành độc lập. Nhưng để đáp ứng yêu cầu quản lý thì Luật Thanh tra cho phép Chính phủ xem xét, quyết định giao một số Tổng cục, Cục thuộc Bộ thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

Thực tế, tại các cơ quan này đã tổ chức các đơn vị tham mưu về công tác thanh tra (như Thanh tra - pháp chế, Thanh tra - kiểm tra...) và bố trí đội ngũ công chức làm việc.

Dự thảo Luật cũng quy định rõ ba nguyên tắc thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ, gồm: Theo quy định của luật; tại các Tổng cục, Cục thuộc Bộ có phạm vi đối tượng quản lý Nhà nước về chuyên ngành, lĩnh vực lớn, phức tạp, quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội do Chính phủ quy định; theo yêu cầu của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Về Thanh tra sở, UBTV Quốc hội nhận thấy, việc giao thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh quyết định thành lập Thanh tra sở là phù hợp với chủ trương của Đảng về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền.

Do đó, UBTV Quốc hội đề nghị tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội quy định theo hướng Thanh tra sở được thành lập trong 03 trường hợp: Theo quy định của luật; Tại một số sở có phạm vi quản lý rộng và yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp theo quy định của Chính phủ; UBND cấp tỉnh quyết định việc thành lập Thanh tra sở ở các sở còn lại căn cứ vào yêu cầu quản lý và biên chế được giao.

Về trình tự, thủ tục tiến hành hoạt động thanh tra, UBTV Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng phân định rõ trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra hành chính và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra chuyên ngành để bảo đảm phù hợp với tính chất, đặc thù của từng loại hình hoạt động thanh tra.

Đồng thời, các quy định tại Chương IV về hoạt động thanh tra đã được rà soát, sắp xếp lại và chỉnh lý, bổ sung các nội dung cụ thể để làm rõ các bước, các thủ tục trong quy trình thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành.

Về xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra và giữa hoạt động thanh tra với kiểm toán, UBTV Quốc hội cho biết đã tiếp thu ý kiến đại biểu, chỉ đạo rà soát dự thảo Luật để chỉnh lý, bổ sung các quy định nhằm bảo đảm thống nhất với quy định của Luật Kiểm toán Nhà nước; khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, giữa hoạt động thanh tra với kiểm toán. Điều này tránh làm tăng chi phí, gây phiền hà, bức xúc cho đối tượng thanh tra, kiểm toán.

Cụ thể, khi tiến hành hoạt động thanh tra, kiểm toán, nếu phát hiện trùng lặp, chồng chéo, cơ quan thanh tra phối hợp với cơ quan kiểm toán để xử lý theo quy định của Luật Kiểm toán Nhà nước và Luật này, bảo đảm tại một thời điểm chỉ có một cơ quan thực hiện.

Về mối quan hệ giữa Thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước và cơ quan thanh tra, để tăng cường tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của cơ quan thanh tra, tránh sự can thiệp của Thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước, trong dự thảo Luật đã bỏ quy định của Luật hiện hành về thẩm quyền ban hành quyết định thanh tra, thành lập Đoàn thanh tra của Thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước.

UBTV Quốc hội cho rằng, lần sửa đổi này nhằm tăng cường tính chuyên nghiệp, hiệu quả trong hoạt động thanh tra và phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn.

Do đó, thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo hoạt động thanh tra để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả. Chỉ thủ trưởng cơ quan thanh tra có thẩm quyền ban hành quyết định thanh tra

NGUYỄN QUÝ

Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá

Admin