Ảnh minh họa.
Đây là thông tin đáng chú ý được đại diện Bộ TT&TT, ông Trần Đăng Khoa, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin cho biết tại buổi tọa đàm "Tiêu chuẩn an toàn thông tin mạng cơ bản cho camera giám sát" tổ chức ngày 22/5.
Theo Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin, hiện tại Bộ TT&TT đang phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp, chuyên gia để xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu an toàn thông tin mạng cơ bản cho thiết bị camera giám sát.
Dự kiến, ngay trong năm 2024, quy chuẩn này sẽ được ban hành. Khi đó, tất cả camera được sản xuất ở Việt Nam và camera nhập khẩu, bắt buộc đều phải được kiểm định, đánh giá, chứng nhận hợp quy và đáp ứng được các yêu cầu theo quy chuẩn quốc gia thì mới đủ điều kiện đưa ra thị trường Việt Nam, để cung cấp tới người dùng.
Mới đây, Bộ TT&TT ban hành bộ tiêu chí an toàn thông tin mạng cho camera giám sát. Bộ tiêu chí này là hướng dẫn kỹ thuật khuyến nghị các doanh nghiệp sản xuất camera nên áp dụng, chứ không bắt buộc.
Tuy nhiên, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin cho hay, bộ tiêu chí không bắt buộc nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng được. Nếu các doanh nghiệp làm nghiêm túc về kỹ thuật thì mới đáp ứng được bộ tiêu chí này.
Đặc biệt, bộ tiêu chí này cũng là bước đầu để Bộ có cơ sở xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu an toàn thông tin mạng cơ bản cho thiết bị camera giám sát.
Theo các đại biểu, đại diện các doanh nghiệp sản xuất camera tham dự tọa đàm, vấn đề an toàn thông tin liên quan rất lớn đến người dùng cuối.
Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin Trần Đăng Khoa cho rằng, một thiết bị có nguy cơ hay không có nguy cơ mất an toàn thông tin, nếu người dùng cuối không có kỹ năng thì nguy cơ mất an toàn thông tin vẫn xảy ra bình thường.
Trong đó, vấn đề kỹ năng liên quan đến tuyên truyền và người dùng cần có nhận thức, kiến thức để tự bảo mình.
Đối với người dân, các chuyên gia an toàn thông tin khuyến cáo, phải chọn camera có xuất xứ rõ ràng, có công bố nơi lưu trữ video và có chính sách bảo mật dữ liệu người dùng rõ ràng; đổi mật khẩu ngay khi bàn giao, dùng mật khẩu mạnh, chọn vị trí phù hợp đặt camera; thường xuyên theo dõi, cập nhật bản vá.
Với cơ quan, tổ chức, cần có quy định, quy trình đảm bảo an ninh cho camera (mật khẩu, phân quyền, vị trí lắp, lưu trữ video…); đánh giá định kỳ cho hệ thống camera an ninh; giám sát an ninh mạng cho các thành phần liên quan của hệ thống camera an ninh; cập nhật thường xuyên các bản vá lỗi.
Đối với các camera có nguy cơ mất an toàn, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin cho biết, hiện nay không có quy định hồi tố. Tuy nhiên, đối với một hệ thống thông tin nói chung, thiết bị camera nói riêng, thì vấn đề liên quan đầu tiên đến an toàn thông tin là nhận thức.
Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân cần rà soát, nếu camera không an toàn thì nên có lộ trình, kế hoạch thay thế sớm nhất có thể.
QUÝ MINH (t/h)