Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho rằng, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy là văn bản quy phạm pháp luật rất quan trọng trong bối cảnh thực hiện cuộc cách mạng về sắp xếp tổ chức bộ máy. Từ đó, tạo cơ sở pháp lý và đặt ra những nguyên tắc chung đối với hoạt động của cơ quan, người có thẩm quyền khi triển khai sắp xếp tổ chức bộ máy nhằm đảm bảo các hoạt động bình thường, liên tục, thông suốt của bộ máy nhà nước, đồng thời bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

"Đây cũng là vấn đề khó khi thiết kế để làm sao vừa bao quát hết toàn diện các nội dung và vừa khái quát, mang tính nguyên tắc để cả hệ thống vận hành bình thường, không gián đoạn, không bỏ sót, không trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, lĩnh vực và địa bàn", Bộ trưởng Bộ Tư pháp nêu.
Về phạm vi điều chỉnh, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết: Nghị quyết chỉ quy định những nguyên tắc xử lý chung, không đặt ra vấn đề quy định về quy trình, trình tự, thủ tục, chế tài,... Những vấn đề đã có quy định của văn bản quy phạm pháp luật, đã rõ, đã xử lý, không có vướng mắc như vấn đề tài chính, tài sản, chế độ chính sách của cán bộ, công chức, viên chức..., thì tiếp tục thực hiện.
Doanh nghiệp nhà nước cũng là tổ chức quy định tại khoản 10, khoản 11 Điều 4, Luật Doanh nghiệp năm 2020. Do đó, việc sắp xếp tổ chức của các doanh nghiệp nhà nước hoặc các nội dung liên quan đến quản lý doanh nghiệp nhà nước theo phương án sắp xếp được cấp có thẩm quyền phê duyệt cũng thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị quyết này.
Nhấn mạnh việc sắp xếp tổ chức bộ máy có phạm vi tác động rất sâu rộng và có thể chưa thể dự liệu hết được các tình huống phát sinh, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, Điều 13 dự thảo Nghị quyết đã quy định nguyên tắc để giải quyết các vấn đề phát sinh khi sắp xếp tổ chức chức bộ máy. Trong đó có một cơ chế khá đặc biệt, Quốc hội cho phép Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân Tối cao xem xét, ban hành, giải quyết hoặc ủy quyền ban hành văn bản giải quyết các vấn đề phát sinh khi sắp xếp tổ chức bộ máy thuộc thẩm quyền; đồng thời cũng cho phép các cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản, bằng hình thức văn bản hành chính, để hướng dẫn, giải quyết vấn đề phát sinh.
"Đây là quy định trong điều kiện rất đặc biệt của đất nước để bảo đảm xử lý kịp thời, nhanh chóng những vấn đề phát sinh. Mục đích cao nhất, quy định đặt ra phải bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật", Bộ trưởng Bộ Tư pháp nhấn mạnh.