Ngày 12/11, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan tiếp tục trả lời chất vấn của các Đại biểu Quốc hội.
Đặt vấn đề chất vấn tại hội trường, Đại biểu Quốc hội Lưu Văn Đức (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk) cho hay, những năm gần đây, tình trạng chào bán các loại mỹ phẩm, thực phẩm chức năng xách tay tràn lan xuất hiện trên thị trường, tới cả vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng và sức khỏe người dân, ảnh hưởng đến trật tự, an ninh xã hội.
Từ đó, Đại biểu đề nghị Bộ trưởng với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước đối với ngành thì trách nhiệm về quản lý như thế nào và có giải pháp khắc phục trong thời gian tới?
Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, theo quy định hiện hành, quản lý mỹ phẩm, thực phẩm chức năng theo cơ chế hậu kiểm, công bố sản phẩm, kiểm tra hậu mại. Với cơ chế này, tổ chức cá nhân phải chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường, đăng ký kinh doanh với đơn vị kinh doanh mỹ phẩm, tiến hành công bố sản phẩm với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (Bộ Y tế hoặc Sở Y tế tùy theo từng loại sản phẩm).
Cơ quản quản lý sẽ tiến hành kiểm tra hậu mại và xử phạt tổ chức, cá nhân có vi phạm. Căn cứ pháp luật về thương mại, pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ Công thương đã trình Chính phủ ban hành các quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại sản xuất buôn bán hàng giả, hàng cấm và để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong đó có định nghĩa liên quan đến hàng nhập lậu.
Bộ trưởng cho biết, đối với các sản phẩm có hiện tượng lách luật, ví dụ bán hàng trên các website, thương mại điện tử, hoặc tổ chức các hội thảo để lừa dối người tiêu dùng, đặc biệt là người cao tuổi, cần phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật quản lý mỹ phẩm chức năng và mỹ phẩm theo hướng quy định chặt chẽ hơn các điều kiện kinh doanh, tăng mức xử phạt với hành vi vi phạm.
Cùng với đó, đẩy mạnh hoạt động của Ban chỉ đạo 389 và các tổ chức liên quan trong kiểm tra, ngăn chặn lưu thông trái phép mặt hàng này trên thị trường.
Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội bảo vệ người tiêu dùng, đặc biệt là chính quyền địa phương để phát hiện sai phạm, xử lý theo quy định; tiếp tục tăng cường công tác truyền thông, cảnh báo đối với người tiêu dùng, tăng cường nhận thức, không mua các sản phẩm giả…