Ảnh minh họa.
Cụ thể, tại phiên trả lời chất vấn về việc rà soát không đầu tư đường bộ cao tốc 02 làn xe và bao giờ để nâng cấp, mở rộng hoàn chỉnh, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng khẳng định việc đầu tư 04 làn xe hay 06 - 08 làn hoàn chỉnh là nhu cầu đúng đắn, cấp thiết.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, Thủ tướng Chính Phủ đã có chỉ đạo đầu tư tuyến cao tốc nào thì cần phải hoàn chỉnh tuyến đó. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho biết vừa qua, nguồn lực đầu tư có hạn, một số tuyến đường bộ cao tốc chỉ có ngân sách đầu tư làm 02 làn xe, trong khi thời gian ban đầu lưu lượng không lớn.
Theo đánh giá có khoảng 05 tuyến đường bộ cao tốc cao tốc 02 làn xe, thời gian tới, Bộ GTVT sẽ phối hợp với Bộ KH&ĐT cùng các bộ, ngành khác để tham mưu cho Chính phủ và chỉ đạo ưu tiên nguồn ngân sách đầu tư 02 làn xe lên 04 làn xe hoàn chỉnh.
Đối với một số tỉnh đề xuất có cơ chế dùng ngân sách địa phương đầu tư các tuyến Quốc lộ và sẽ bàn giao cho Bộ GTVT quản lý, Bộ trưởng Bộ GTVT cũng cho rằng theo quy định của Luật Ngân sách và Luật Giao thông đường bộ, các tuyến đường bộ cao tốc, Quốc lộ (cả nước có gần 25.000km tuyến Quốc lộ) thuộc trách nhiệm đầu tư của Bộ GTVT. Các tỉnh lộ trở xuống thuộc trách nhiệm địa phương.
Trong bối cảnh nguồn ngân sách có hạn, Bộ trưởng Bộ GTVT cho hay, ngân sách Trung ương chỉ đáp ứng hơn 60% đầu tư hạ tầng giao thông (giai đoạn 2021-2025 ngân sách đầu tư cho ngành giao thông cần 461.000 tỉ đồng nhưng ngân sách Nhà nước chỉ bố trí được 366.000 tỉ đồng) nên không thể đáp ứng được đầu tư hết các tuyến đường, đặc biệt là các Quốc lộ xuống cấp.
Theo đó, nếu địa phương chung sức đầu tư Quốc lộ cùng Trung ương, đó là việc làm hết sức cấp thiết và quan trọng. Bộ GTVT sẽ tham mưu với các bộ, ngành xin ý kiến Chính phủ và có trình Quốc hội để cho phép thực hiện thí điểm cơ chế trong lúc luật chưa sửa được để Quốc hội ban hành Nghị quyết, từ đó địa phương bố trí ngân sách tham gia cùng Trung ương để đầu tư, xây dựng các tuyến Quốc lộ và cao tốc.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng đã đưa nội dung này vào dự thảo Luật Đường bộ sắp tới trình Quốc hội vào Kỳ họp thứ 6 để thông qua vào Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Đối với việc có tiếp tục đầu tư tuyến đường sắt Yên Viên-Phả Lại-Cái Lân nữa hay không? Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho hay, dự án trước kia phê duyệt triển khai từ năm 2005 nhưng do khó khăn về ngân sách nên đến năm 2011 dừng lại và hiện đang triển khai dở dang.
Theo đó, khi tham mưu cho Chính phủ thời gian vừa qua để trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về phát triển đường sắt, Bộ GTVT đã nghiên cứu tính toán kỹ tính cấp thiết của tuyến này, nên Kết luận 49 của Bộ chính trị đã yêu cầu triển khai tuyến này trước năm 2030.
Từ đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, Bộ GTVT sẽ phối hợp cùng bộ ngành để tiếp tục tham mưu tính toán nguồn vốn như thế nào cho tuyến này. "Về mặt ý chí, Bộ GTVT rất ủng hộ tiếp tục đầu tư hoàn thiện tuyến đường sắt này", Bộ trưởng Bộ GTVT cho hay
QUÝ NGUYÊN
Biểu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu ưu đãi theo Danh mục mặt hàng chịu thuế từ 15/7/2023