Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiếp tục phê duyệt cho sử dụng Sách giáo khoa (SGK) Cánh Diều Tiếng Việt lớp 1 (Tập 1) tái bản lần thứ nhất có chỉnh lí, do NXB Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm xuất bản; Công ty Đầu tư xuất bản - Thiết bị giáo dục Việt Nam (VEPIC) tổ chức bản thảo và chịu trách nhiệm về bản quyền nội dung. Đây là cuốn SGK được Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các đơn vị này chỉnh sửa lại vào năm 2021 để điều chỉnh những nội dung sai sót bị dư luận phản ứng gay gắt của Sách giáo khoa Cánh Diều Tiếng Việt lớp 1 (Tập 1) năm 2020.
Sách giáo khoa (SGK) Cánh diều Tiếng Việt lớp 1 (Tập 1) tái bản lần thứ nhất có chỉnh lí.
Tuy nhiên, theo phản hồi của các chuyên gia, giáo viên và phụ huynh học sinh, cuốn sách này vẫn còn rất nhiều sai sót, không phù hợp với học sinh lớp 1. Hàng loạt những sai sót được chỉ ra, như: Sai sót về từ ngữ (dùng từ không thống nhất, từ địa phương); sai sót về nội dung (nội dung không rõ ràng, không phù hợp, phần phỏng theo truyện ngụ ngôn bị sửa cả nội dung và cốt truyện)… Điều này rất dễ gây lệch lạc về nhận thức đầu đời của con trẻ, vì sự mô phỏng này đã bị tác giả SGK làm méo mó hoàn toàn về bản chất nội dung truyện gốc.
Bài tập đọc "Thỏ thua rùa" trước đó đã bị phản ứng, NXB sau đó đã "bỏ" những cụm từ không phù hợp.
Cụ thể, những sai sót về từ ngữ, như dùng từ không thống nhất và sử dụng nhiều từ địa phương. Trong đó thể hiện: Từ “ba” trang 27, 33; từ “gà con” trang 30; từ “cô gà ri” trang 47; từ “gà nhí” trang 75; từ “hổ” trang 31; từ “bé nhè” trang 41, 55; từ “bố mẹ” trang 51, 53, 67, 69, 109; từ “bữa đó”, “chả sợ” trang 59; từ “má, ba” trang 64, 73, 107; từ “chả đáp”, “chả dám”, “chả nghe” trang 79, 85; từ “gà nhí” trang 83, 105; từ “cọp” trang 87; từ “cụ rùa”, “rùa nhí” trang 87, 91; cụm từ “chị mê dép lắm”, “ngớ ra” trang 93; từ “mẹ”, “chả” trang 94; cụm từ “chộp gà nhí” trang 95; từ “tướp” trang 101; từ “kế đó”, “sắp cơm” trang 107; từ “chả giận” trang 119; cụm từ “tót ra ngõ”, “chả ngờ”, “thần mưa”, “vọt về nhà” (Tập đọc: Mẹ con cá rô) trang 123, 125; từ “Chuột út”, “lũn cũn”, “mắt thô lố” (Tập đọc: Chuột út) trang 133; từ “xắc” trang 140; từ “chả ngờ”, “lem lém” (Tập đọc: Cô xẻng siêng năng) trang 149; cụm từ “Ta đã nhìn rõ bọn mi”, “ớn quá” (Bài đọc: Một trí khôn hơn trăn trí khôn) trang 167…
Nội dung sách dùng từ không thống nhất, cẩu thả dễ gây hiểu nhầm đối với học sinh lớp 1.
Những sai sót về nội dung, như không rõ ràng, không phù hợp, phần phỏng theo truyện ngụ ngôn bị sửa cả nội dung và cốt truyện. Cụ thể: Tập đọc “Bé Bi”, “bé Li” trang 29; Tập đọc “Bé kể” trang 35; Tập đọc “Nhà cô Nhã” trang 39; Tập đọc “Bi nghỉ hè” trang 43; Tập đọc “Sẻ, Quạ” trang 49; Bài học “Kiến và bồ câu” trang 50; Tập đọc “Thỏ thua rùa” trang 59 (truyện ngụ ngôn sửa); Bài học “Dê con nghe lời mẹ” trang 60; Tập đọc “Dì Tư” trang 63; Bài học “Chú thỏ thông minh” trang 70; Tập đọc “Bé Lê” trang 73; Tập đọc “Lúa nếp, lúa tẻ” trang 77; Tập đọc “Sẻ và Cò” trang 79; Tập đọc “Đêm ở quê” trang 81; Tập đọc “Lừa và ngựa” trang 85; Tập đọc “Chậm… như thỏ” trang 87; Tập đọc “Bà và Hà” trang 97; Tập đọc “Phố Lò Rèn” trang 111; Tập đọc “Về quê ăn Tết” trang 113; Tập đọc “Nụ hôn của mẹ” trang 127; Tập đọc “Chuột út” trang 133, 135; Tập đọc “Nàng tiên cá” trang 139; Tập đọc “Cá măng lạc mẹ (2) trang 143; Tập đọc "Chú bé trên cung trăng trang 166; Đọc thầm “Thần ru ngủ” trang 169…
Bài tập đọc "Về quê ăn Tết" trang 113 và bài "Nàng tiên cá" trang 139 bị phản ánh dùng câu từ không phù hợp với học sinh.
Bài tập đọc "Chú bé trên cung trăng" trang 166 bị phản ánh sai hoàn toàn nội dung cốt truyện, và bài "Một trí khôn hơn trăm trí khôn" dùng từ ngữ tùy tiện.
Trên đây là những thống kê chưa đầy đủ, về vô số sai sót trong cuốn SGK Cánh Diều Tiếng Việt lớp 1 (Tập 1) theo phản ánh của chuyên gia, phụ huynh và giáo viên. Chia sẻ quan điểm về nguyên nhân của những sai sót này, Tiến sĩ Vũ Thu Hương, Chuyên gia giáo dục, Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, việc xảy ra những sai sót đáng tiếc kể trên bắt nguồn từ những lỗ hổng trong quy trình thẩm định sách giáo khoa cũng như quy trình thử nghiệm trên thực tế.
Thực tế, trước khi phát hành, Hội đồng thẩm định phát hiện ra sai sót trong nội dung của bộ sách này và yêu cầu nhóm tác giả sửa chữa nhưng nhóm tác giả không đồng ý. Nhưng vì sao bộ sách giáo khoa này vẫn được phát hành? Thêm vào đó, khi vấn đề xã hội hóa giáo dục được đặt ra thì quy trình thử nghiệm trước khi áp dụng cũng còn rất nhiều vấn đề. Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo không cho thử nghiệm những bộ sách giáo khoa như thế này trước khi được áp dụng chính thức đã gây ra rất nhiều hệ lụy.
SGK dùng từ ngữ không thống nhất.
Vừa qua, đã có một số lượng lớn học sinh mà đặc biệt với trẻ lớp 1 bị "náo loạn" do việc liên tục thay đổi chương trình sách giáo khoa trong thời gian 1, 2 năm. Hậu quả của việc này sẽ không chỉ dừng lại ở đó, nhiều trẻ còn có khả năng cao gặp phải những vấn đề về tâm sinh lý, không học hết được chương trình và nghiêm trọng hơn là xuất hiện hiện tượng tái mù chữ ở học sinh lớp 3, lớp 4 thậm chí là lớp 5.
Do đó, đối với những sai sót kể trên, Tiến sĩ Vũ Thu Hương đề nghị Nhà xuất bản phải chỉnh sửa lại những lỗi sai một cách nghiêm túc và có trách nhiệm và đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo không tiếp tục cấp phép nếu cuốn sách này không được sửa chữa, chỉnh lý những lỗi sai không phù hợp.
Theo quy định của Luật giáo dục thì Giáo dục phổ thông gồm giáo dục tiểu học, giáo dục trung học cơ sở và giáo dục trung học phổ thông. Quy định về việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông được hướng dẫn bởi Thông tư 25/2020/TT-BGDĐT Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập theo từng môn học, hoạt động giáo dục ở từng cấp học để thẩm định sách giáo khoa. Hội đồng gồm nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhà khoa học có kinh nghiệm, uy tín về giáo dục và đại diện cơ quan, tổ chức có liên quan. Hội đồng phải có ít nhất một phần ba tổng số thành viên là nhà giáo đang giảng dạy ở cấp học tương ứng. Hội đồng và thành viên Hội đồng phải chịu trách nhiệm về nội dung và chất lượng thẩm định. Quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn SGK; tổ chức và hoạt động của hội đồng quốc gia thẩm định SGK được ban hành kèm theo Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT ngày 22/12/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo Điều 5. Nội dung sách giáo khoa 1. Nội dung sách giáo khoa thể hiện đúng và đầy đủ nội dung của chương trình môn học hoặc hoạt động giáo dục; bảo đảm tính cơ bản, khoa học, thiết thực, phù hợp với thực tiễn Việt Nam. 2. Các thuật ngữ, khái niệm, định nghĩa, số liệu, sự kiện, hình ảnh bảo đảm chính xác, khách quan, nhất quán và phù hợp với trình độ học sinh; các số liệu, sự kiện, hình ảnh có nguồn gốc rõ ràng. 3. Các thành tựu khoa học mới liên quan đến chương trình môn học, hoạt động giáo dục được cập nhật, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và phù hợp với mục tiêu của chương trình môn học, hoạt động giáo dục. 4. Những nội dung giáo dục về chủ quyền quốc gia, quyền con người, quyền trẻ em, bình đẳng giới, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu được thể hiện hợp lý. Điều 8. Ngôn ngữ sử dụng trong sách giáo khoa và hình thức trình bày sách giáo khoa 1. Ngôn ngữ sử dụng trong sách giáo khoa là tiếng Việt (trừ sách giáo khoa ngoại ngữ và sách giáo khoa tiếng dân tộc thiểu số), bảo đảm các quy định về chính tả và ngữ pháp, các chữ viết tắt, các ký hiệu, phiên âm, đơn vị đo theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; diễn đạt trong sáng, dễ hiểu, thể hiện chính xác nội dung cần trình bày, phù hợp với lứa tuổi học sinh. 2. Hình thức trình bày sách giáo khoa cân đối, hài hòa giữa kênh chữ và kênh hình, hệ thống ký hiệu, biểu tượng, kiểu chữ, cỡ chữ. 3. Tranh, ảnh, bảng biểu, đồ thị, bản đồ, hình vẽ trong sách giáo khoa rõ ràng, chính xác, cập nhật, có tính thẩm mỹ, phù hợp với nội dung bài học, lứa tuổi học sinh và chỉ rõ nguồn trích dẫn. Điều 9. Quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa 1. Quy trình biên soạn sách giáo khoa a) Tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa đăng ký và nộp bản thảo sách giáo khoa đến nhà xuất bản đáp ứng điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 18 Thông tư này; b) Nhà xuất bản tổ chức biên tập, hoàn thành bản mẫu sách giáo khoa; phối hợp với tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa tổ chức thực nghiệm sách giáo khoa; c) Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thẩm định bản mẫu sách giáo khoa theo quy định tại Chương IV Thông tư này; d) Nhà xuất bản có sách giáo khoa được thẩm định phối hợp với tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa hoàn thiện bản mẫu sách giáo khoa sau thẩm định; đ) Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, cho phép sử dụng sách giáo khoa. 2. Quy trình chỉnh sửa sách giáo khoa a) Trong quá trình sử dụng, sách giáo khoa có thể được chỉnh sửa; b) Quy trình chỉnh sửa sách giáo khoa thực hiện như quy trình biên soạn sách giáo khoa được quy định tại Khoản 1 Điều này trừ quy định về thực nghiệm sách giáo khoa. Trường hợp phải tổ chức thực nghiệm sách giáo khoa chỉnh sửa do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định. |
Nhóm PV
Sai sót SGK Tiếng Việt lớp 1: Bộ Giáo dục và Đào tạo phải chịu trách nhiệm, cần phải thu hồi ngay