Ảnh minh hoạ.
Cụ thể, Nghị định số 30/2023/NĐ-CP quy định thành lập mới đơn vị đăng kiểm phải phù hợp quy hoạch tỉnh, chuyên ngành và số lượng, mật độ phương tiện trên địa bàn. Vị trí trung tâm đăng kiểm phải phù hợp kết nối hệ thống giao thông, thuận tiện cho ôtô ra vào kiểm định, không gây cản trở, ùn tắc, đặc biệt là tại các đô thị lớn.
Theo Nghị định này, cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa, kinh doanh ôtô được tham gia dịch vụ kiểm định xe cơ giới để tận dụng nguồn lực xã hội, nhưng phải xin giấy phép hoạt động kiểm định và được cơ quan chức năng xem xét cấp phép theo nhu cầu của địa phương. Hồ sơ xin phép cần có văn bản chấp nhận chủ trương đầu tư, bản vẽ bố trí mặt bằng nhà xưởng, tài liệu về phòng cháy, an toàn lao động...
Đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết thêm, thời gian qua không ít chủ đầu tư can thiệp vào hoạt động kiểm định xe cơ giới của đăng kiểm viên, làm sai lệch kết quả kiểm định, gây nhiều hệ lụy. Vì thế, Nghị định mới nghiêm cấm chủ đầu tư can thiệp hoạt động kiểm định của đơn vị trực thuộc và chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới. Chủ đầu tư cũng liên đới chịu trách nhiệm với vi phạm của đơn vị đăng kiểm.
Bên cạnh đó, Nghị định quy định trường hợp nào thì đình chỉ hoạt động trung tâm đăng kiểm. Cụ thể trung tâm sẽ bị đình chỉ một tháng nếu không đảm bảo quy định tại nghị định và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đơn vị đăng kiểm; có hai đăng kiểm viên bị xử phạt, phân công đăng kiểm viên kiểm định không phù hợp với chứng chỉ. Trung tâm đăng kiểm bị tạm đình chỉ ba tháng nếu kiểm định và cấp giấy chứng nhận không đúng quy định, quy chuẩn kỹ thuật; có từ ba lượt đăng kiểm viên bị xử phạt hoặc từ hai đăng kiểm viên trở lên bị thu hồi chứng chỉ.
Ngoài ra, Nghị định cũng tăng mạnh chế tài xử phạt đối với vi phạm của đăng kiểm viên. Trước đây, đăng kiểm viên chỉ bị tạm đình chỉ hoạt động kiểm định thì nay sẽ bị thu hồi giấy chứng nhận để tăng tính răn đe.
Ngày 08/6, Chính phủ ban hành Nghị định số 30/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 139/2018/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới. Các quy định được sửa đổi trong nghị định mới nhằm tăng hiệu quả của quản lý Nhà nước và nâng cao chất lượng kiểm định. Trước đó, do các quy định nới lỏng điều kiện thành lập, số đơn vị đăng kiểm được xã hội hóa tăng nhanh dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh và có nhiều sai phạm. Năm 2018, toàn quốc có 172 trung tâm đăng kiểm thuộc các Sở Giao thông Vận tải và Cục Đăng kiểm Việt Nam. Sau gần 4 năm, cả nước đã có 280 trung tâm, trong đó 196 đơn vị hoạt động theo hình thức xã hội hóa, chiếm 70%, 64 đơn vị thuộc Sở Giao thông Vận tải và 20 thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam.
PV