Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Công Luật TNHH TGS.
Về vấn đề này, Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Công Luật TNHH TGS cho biết việc đề cập ghi tên cả vợ và chồng trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không phải là một vấn đề mới bởi đã được cụ thể hóa từ lâu trong các văn bản quy định của pháp luật đất đai. Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường có văn bản yêu cầu các tỉnh thực hiện vấn đề bởi trên thực tế, do một số nguyên nhân về quan điểm, lối sống… mà vẫn còn tình trạng tài sản đất đai chung của hai vợ chồng nhưng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ ghi tên vợ hoặc chồng, đa phần là ghi tên người chồng. Việc chỉ ghi tên vợ hoặc chồng trên Giấy chứng nhận là hành vi trái với quy định pháp luật và không đảm bảo được sự bình đẳng giới trong việc tiếp cận và quản lý đất đai. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến các tranh chấp đất đai giữa vợ và chồng hay giữa vợ chồng và bên thứ ba.
Đề nghị ghi tên cả vợ và chồng trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Bộ Tài nguyên và Môi trường có thể coi là một giải pháp tiến bộ trong việc đảm bảo quyền lợi của hai bên vợ chồng đặc biệt là người vợ (người phụ nữ) trong việc thực hiện các quyền và thủ tục hành chính đất đai cũng như góp phần giúp phòng ngừa các tranh chấp đất đai có thể xảy ra. Ngoài ra, đề nghị này cũng góp phần bảo đảm quyền bình đẳng của phụ nữ, tránh các khiếu nại, khiếu kiện khi giải quyết các tranh chấp về đất đai, từng bước tạo điều kiện để người phụ nữ được chủ động tham gia các hoạt động về kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo.
Vì vậy, lợi ích từ việc cấp Giấy chứng nhận cho vợ chồng và cho hộ gia đình có tên người phụ nữ tạo ra những lợi ích tích cực, nên việc thực hiện cấp đổi Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cho vợ chồng có chung quyền sử dụng đất nhưng chỉ đang ghi tên người chồng sang Giấy chứng nhận có cả tên vợ và chồng là việc cần thiết.
Bên cạnh đó, theo Khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định về quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất là tài sản chung của vợ chồng nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
- Quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng;
- Quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung;
- Trường hợp không có căn cứ để chứng minh quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì được coi là tài sản chung.
Mặt khác, khoản 1 Điều 29 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Vợ, chồng bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập”.
Như vậy, tài sản thuộc các trường hợp trên được coi là tài sản chung của hai vợ chồng, do đó vợ, chồng bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ trong việc đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, dù một người đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì hai người vẫn có quyền ngang nhau, dựa vào việc xác định nguồn gốc đất như trên. Do đó, Giấy chừng nhận quyền sử dụng đất chỉ ghi tên vợ hoặc chồng không gây ảnh hưởng tới quyền sở hữu của bên còn lại trong giai đoạn hôn nhân.
NGỌC LINH
Trình tự, thủ tục để F0, F1 nhận hỗ trợ do đại dịch Covid-19