/ Tin tức
/ Số hóa dữ liệu đất đai để đơn giản hóa thủ tục hành chính

Số hóa dữ liệu đất đai để đơn giản hóa thủ tục hành chính

18/03/2025 15:40 |1 tháng trước

(LSVN) - Các địa phương khẩn trương hoàn thành số hóa dữ liệu hộ tịch, dữ liệu đất đai, chủ động nghiên cứu phương án tái sử dụng dữ liệu đã số hóa để thực hiện đơn giản hóa đối với 200 thủ tục hành chính theo thẩm quyền.

Ngày 18/3 tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06 đã chủ trì và chỉ đạo Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo.

Sau khi lắng nghe báo cáo của các Bộ, ngành về kết quả thực hiện các nhiệm vụ về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia, phát biểu kết luận, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao công tác chuẩn bị và tổ chức chu đáo phiên họp; cơ bản thống nhất với nội dung các báo cáo, tham luận, ý kiến phát biểu và giao các cơ quan liên quan tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện và trình ban hành Kết luận của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo để thống nhất triển khai trong thời gian tới.

Theo Thủ tướng, cải cách hành chính hiện vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương có nơi, có lúc còn chậm, hiệu quả chưa cao. Cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục còn chậm; chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến chưa cao...

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận Phiên họp. Ảnh: VGP.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận Phiên họp. Ảnh: VGP.

Bên cạnh đó, nhân lực cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, cải cách hành chính, triển khai Đề án 06 còn chưa đáp ứng nhu cầu cả về số lượng, chất lượng, chưa có cơ chế hợp tác công tư trong huy động nguồn lực...

Để thúc đẩy cải cách hành chính, Thủ tướng yêu cầu cần đẩy mạnh số hóa quốc gia; cắt giảm và đơn giản hóa thủ tục hành chính không có giới hạn, làm càng nhiều càng tốt; phát triển công dân số toàn diện. Tinh thần là "bộ máy phải tinh gọn, dữ liệu phải kết nối, quản trị phải thông minh".

Đồng thời, Thủ tướng cũng nêu ra 03 nhiệm vụ trọng tâm đó là hoàn thiện thể chế thông thoáng, dùng một luật sửa nhiều luật; phát triển hạ tầng phải thông suốt, đẩy mạnh phát triển phủ sóng 5G, hệ thống cáp quang, vệ tinh, đặc biệt là cơ sở dữ liệu.

Các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục và đào tạo xây dựng và triển khai kế hoạch đào tạo nhân lực, từ bình dân học vụ số tới nâng cao, chuyên nghiệp, chất lượng cao.

Các nhiệm vụ cụ thể đó là cần xử lý các văn bản hành chính và nhất là thủ tục hành chính trên môi trường số; đẩy mạnh, phổ cập thanh toán không dùng tiền mặt, với lộ trình cụ thể để cần làm tốt hơn nữa; đẩy mạnh thu thuế điện tử, áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, nhất là với dịch vụ ăn uống và bán lẻ.

Về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, Thủ tướng yêu cầu xây dựng và trình ban hành chương trình quốc gia phát triển công nghệ và công nghiệp chiến lược. Bao gồm phát triển hệ thống các trung tâm nghiên cứu, thử nghiệm, các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, tập trung cho công nghệ chiến lược.

Xây dựng đề án hình thành các doanh nghiệp công nghệ chiến lược quy mô lớn trong nước để phát triển hạ tầng số, nhân lực số, dữ liệu số, công nghệ chiến lược, an toàn an ninh mạng.

Đưa Trung tâm dữ liệu quốc gia đi vào hoạt động trong năm 2025, các bộ, ngành, địa phương xây dựng cơ sở dữ liệu của mình; sớm mở sàn giao dịch dữ liệu số; đẩy mạnh phát triển hệ thống truyền dẫn dữ liệu qua vệ tinh; cáp quang băng thông rộng tốc độ cao…

Về cải cách hành chính, cần đẩy mạnh cung cấp, nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến, gắn với sắp xếp đơn vị hành chính, không để ách tắc công việc.

Đẩy mạnh cắt giảm và xóa bỏ thủ tục; chuyển trạng thái "xin" cung cấp dịch vụ công sang trạng thái "chủ động" cung cấp dịch vụ công cho người dân. Trong năm 2025, 100% các sân bay, bến cảng, cửa khẩu ứng dụng công nghệ sinh trắc, nền tảng VNeID.

Để đẩy mạnh triển khai Đề án 06, cần có giải pháp cụ thể, lộ trình chi tiết, đảm bảo "rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ kết quả", gắn trách nhiệm của từng cơ quan, cá nhân cụ thể.

Các bộ, ngành thực hiện cắt giảm thành phần hồ sơ đối với 324 thủ tục hành chính có thông tin giấy đã được tích hợp trên tài khoản định danh điện tử; hoàn thành trong Quý 2/2025.

Các địa phương khẩn trương hoàn thành số hóa dữ liệu hộ tịch, dữ liệu đất đai, chủ động nghiên cứu phương án tái sử dụng dữ liệu đã số hóa để thực hiện đơn giản hóa đối với 200 thủ tục hành chính theo thẩm quyền.

Bao gồm 10 địa phương: Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Hà Nam, Nam Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa đã khai thác dữ liệu đất đai trong giải quyết thủ tục đăng ký cư trú.

Yêu cầu hoàn thành số hóa dữ liệu đất đai trong tháng 6/2025

Trước đó, tại Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 14/3/2025 về đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06). Thủ tướng cũng đã yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu, báo cáo Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đẩy mạnh chính sách thu phí "0 đồng" đối với việc thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến thuộc phạm vi giải quyết của địa phương, hoàn thành trong tháng 7/2025.

Nghiên cứu giải pháp phân cấp ủy quyền, cắt giảm thủ tục hành chính các cấp, đặc biệt là đối với những địa phương có người dân sống tại đảo, hoàn thành trong tháng 06/2025.

Khẩn trương hoàn thành số hóa dữ liệu hộ tịch trong tháng 3/2025; số hóa dữ liệu đất đai trên địa bàn trong tháng 6/2025. Đối với 484 huyện đã hoàn thành số hóa dữ liệu đất đai đồng bộ dữ liệu về Bộ Nông nghiệp và Môi trường phục vụ làm sạch với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đưa vào sử dụng sử dụng ngay, liên thông giải quyết thủ tục hành chính giữa Cơ quan công chứng - Văn phòng đăng ký đất đai - Thuế, cắt giảm giấy tờ và thực hiện nộp thuế, hoàn thành trong tháng 6/2025.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai và chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý thực hiện nghiêm Chỉ thị này, nhất là những bộ, ngành có sự thay đổi về cơ cấu tổ chức phải thực sự quyết tâm cao, hành động nỗ lực và có cam kết cụ thể đối với từng nhiệm vụ được giao, lựa chọn nhân lực thực hiện có hiệu quả, chỉ đạo xây dựng Kế hoạch triển khai trong năm 2025 theo hướng "rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ sản phẩm, rõ trách nhiệm", gắn trách nhiệm của của người đứng đầu từng đơn vị, hoàn thành Kế hoạch gửi về Tổ Công tác trong tháng 03/2025. Định kỳ cập nhật kết quả triển khai, kết luận các cuộc họp giao ban hàng tháng vào phần mềm Đề án 06.

Thủ tướng Chính phủ giao Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06 (Tiểu ban triển khai Đề án 06) theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình, kết quả thực hiện Chỉ thị, báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ để thực hiện khen thưởng hoặc phê bình, kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị khi để các nhiệm vụ chậm, muộn tại các Phiên họp Chính phủ thường kỳ hàng tháng.

 

TRẦN VINH (t/h)

Các tin khác