/ Kinh tế - Pháp luật
/ Sở hữu chéo, thao túng, lợi ích nhóm trong lĩnh vực ngân hàng vẫn là vấn đề đáng lo ngại

Sở hữu chéo, thao túng, lợi ích nhóm trong lĩnh vực ngân hàng vẫn là vấn đề đáng lo ngại

11/06/2023 19:26 |

(LSVN) - Các Đại biểu Quốc hội cho rằng, cần bổ sung quy định tăng cường vai trò của Nhà nước để hạn chế hành vi lạm quyền cổ đông lớn, quyền quản trị, điều hành để thao túng hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Ảnh minh họa.

Ngày 10/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Tại phiên thảo luận, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hải Trung (Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội) đánh giá, tình trạng sở hữu chéo, thao túng, lợi ích nhóm trong lĩnh vực ngân hàng vẫn là vấn đề đáng lo ngại, đặc biệt là việc huy động vốn để cho vay đối với các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái, tập đoàn kinh tế tư nhân.

Theo Đại biểu, việc dự thảo Luật quy định theo hướng giảm tỉ lệ sở hữu của các cá nhân, tổ chức, tăng tính đại chúng của các tổ chức tín dụng, mở rộng thêm đối tượng liên quan là cần thiết. Điều này giúp cơ cấu cổ đông của ngân hàng có độ phân tán hơn, lành mạnh hơn, tránh quyền tự quyết quá lớn tập trung vào một ông, bà chủ nào đó. Và như thế cũng sẽ hạn chế các hành vi điều hành hoạt động của tổ chức theo hướng phục vụ cho các công ty sân sau và lợi ích của các cổ đông lớn, làm tổn hại đến lợi ích của ngân hàng nói chung và các cổ đông còn lại nói riêng.

Tuy nhiên, theo Đại biểu Quốc hội, thực tế không thể phủ nhận là vẫn có thể tồn tại các cổ đông lớn đứng danh hoặc không đứng danh hội đồng quản trị và ban điều hành, nắm cổ phần chi phối, điều hành hoạt động của ngân hàng. Theo Đại biểu, các giải pháp nêu trong dự thảo chỉ mang tính kỹ thuật để hạn chế các cổ đông lớn, cần nghiên cứu, bổ sung thêm hai vấn đề.

Do đó, trước tiên, cần bổ sung quy định tăng cường vai trò của nhà nước để hạn chế hành vi lạm quyền cổ đông lớn, quyền quản trị, điều hành để thao túng hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Thứ hai, cần nghiên cứu bổ sung các biện pháp, giải pháp để hạn chế việc lách luật, sử dụng nhiều cá nhân, pháp nhân khác đứng tên cổ phần, tạo nhóm cổ đông lớn, điều hành tổ chức tín dụng.

Liên quan đến quy định cung cấp thông tin cho các cơ quan phòng chống tội phạm, Đại biểu Nguyễn Hải Trung cho biết, hiện tình hình sử dụng không gian mạng và công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đánh bạc, rửa tiền diễn biến rất phức tạp, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Khi tội phạm xảy ra, lực lượng Công an phải nhanh chóng triển khai, truy xét dòng tiền, phong toả tài khoản. Tuy nhiên, với các quy định pháp luật hiện hành, không đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

“Sau khi lừa được tiền, các đối tượng chuyển tiền đi rất nhanh, nên số tiền thu được rất ít so với số tiền của người dân bị lừa”, Đại biểu cho hay và đề nghị, để nâng cao hiệu quả phòng chống tội phạm, cần thiết ban hành quy định về thời gian cung cấp thông tin về tài khoản khách hàng, phục vụ công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và có thể giao Chính phủ nghiên cứu quy định chi tiết nội dung này sau khi luật ban hành.

Cùng góp ý tại phiên thảo luân, theo Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai), hiện có nhiều ý kiến, thông tin liên quan đến sở hữu chéo, trong đó có thông tin phải “chấm dứt” chứ không phải giảm sở hữu chéo.

Theo Đại biểu đánh giá, việc sở hữu chéo ai cũng biết, nhưng để chỉ mặt đặt tên thì rất khó, có sự lòng vòng, lắt léo trong hệ thống tín dụng của chúng ta nếu đánh giá về sở hữu chéo và thực sự đây là vấn đề khó.

Để chấm dứt tính trạng sở hữu chéo, Đại biểu Quốc hội đoàn Đồng Nai cho rằng, trong luật hiện hành, những chủ trương, chính sách đang thiết kế chưa đủ mạnh, chỉ tập trung giảm tỉ lệ cổ phần, cấp hạn mức tín dụng. Tuy nhiên, để chấm dứt được sở hữu chéo thì liên quan đến việc công khai minh bạch, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân để dính dáng tới tình trạng này.

Theo đó, Đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng, cần thiết phải đặt lại mô hình kiểm tra, giám sát liên quan đến ngân hàng. Sau khi xảy ra trường hợp của Ngân hàng SCB, rồi nhiều trường hợp vi phạm xảy ra liên quan đến việc thanh tra, kiểm tra của ngân hàng, nhưng nội dung này lại chỉ mới thiết kế một điều. Đại biểu cũng đề nghị cần có hẳn một chương quy định về nội dung này.

“Cần phải có một cơ quan thanh tra, kiểm tra ngân hàng, hoạt động tín dụng mang tính độc lập. Nước láng giềng với nước ta trước đây cũng trong tình trạng tương tự và đã tái thành lập cơ quan này. Làm tốt thanh tra, kiểm tra, xử lý và công khai minh bạch trong tất cả các giao dịch, thì không nhất thiết phải giảm cổ phần, room cấp vốn, thậm chí có thể cho cao hơn, nhưng quản lý được, để tổ chức và cá nhân không dám, không thực hiện được các hành vi sở hữu chéo”, Đại biểu Trịnh Xuân An nói và cho rằng, hiện chúng ta có khoảng 50 ngân hàng. Với một nền kinh tế như Việt Nam, liệu như vậy có quá nhiều số lượng ngân hàng hay không? Theo Đại biểu, cần phải rà soát, với nền kinh tế như hiện nay, có bao nhiêu ngân hàng là đủ?

“Chúng ta đang nói đến sở hữu chéo, rồi nhiều vấn đề liên quan, thậm chí rủi ro cho hệ thống. Với 50 ngân hàng như vậy, có ngân hàng lớn nhưng có những ngân hàng chưa đạt chuẩn, thì phải rà soát lại số lượng, cần thiết có thể thiết kế trong điều luật, đưa ra mức giới hạn với ngân hàng”, Đại biểu cho hay.

QUÝ NGUYÊN

Cần thể hiện rõ cơ chế tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận với nguồn tài chính

Nguyễn Hoàng Lâm