/ Tin nổi bật
/ Số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách nhiệm kỳ 2021-2026

Số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách nhiệm kỳ 2021-2026

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi 2020 sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2021, trong đó, quy định tăng số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lên ít nhất là 40% tổng số đại biểu Quốc hội.

Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.

Nhiệm kỳ của mỗi khóa Quốc hội là 05 năm, kể từ ngày khai mạc kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa đó đến ngày khai mạc kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khoá sau.

Tại khoản 2 Điều 1 Luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi 2020 quy định số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là bốn mươi phần trăm tổng số đại biểu Quốc hội.

Theo khoản 1 Điều 23 Luật Tổ chức Quốc hội 2014, số lượng đại biểu Quốc hội không quá 500 người.

Điều 23 Luật Tổ chức Quốc hội 2014 quy định Số lượng đại biểu Quốc hội
1. Tổng số đại biểu Quốc hội không quá năm trăm người, bao gồm đại biểu hoạt động chuyên trách và đại biểu hoạt động không chuyên trách.
2. Số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là ba mươi lăm phần trăm tổng số đại biểu Quốc hội.

Như vậy, nhiệm kỳ tới, số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách sẽ được nâng lên ít nhất là 40% tổng số đại biểu Quốc hội, tương ứng với ít nhất 200 đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, tăng lên so với quy định hiện nay.

Bên cạnh đó, Luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi 2020 còn sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách như số lượng và danh sách đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Đoàn đại biểu Quốc hội do Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định, phê chuẩn.

Cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo phân cấp chịu trách nhiệm quản lý công tác cán bộ đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại địa phương mình theo quy định của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Căn cứ vào yêu cầu, tình hình thực tiễn, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định triệu tập hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách trước mỗi kỳ họp Quốc hội để thảo luận, cho ý kiến về các dự án, đề án, báo cáo trước khi trình Quốc hội.

Kinh phí hoạt động của Quốc hội là một khoản trong ngân sách nhà nước do Quốc hội quyết định, bao gồm kinh phí hoạt động chung của Quốc hội, kinh phí hoạt động của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội, kinh phí hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, lương của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, hoạt động phí, thù lao tham gia hoạt động Quốc hội, các khoản phụ cấp và các chế độ của đại biểu Quốc hội gắn với hoạt động của Quốc hội.

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021.

HỒNG HẠNH

/lien-doan-lao-dong-viet-nam-de-nghi-tu-nam-2022-viec-tang-luong-toi-thieu-bat-dau-tu-01-7-hang-nam.html