So sánh hình tượng rồng qua các triều đại Việt Nam: Biểu tượng và văn hóa tương khắc

12/02/2024 11:05 | 2 tháng trước

(LSVN) - Con rồng là một hình tượng có vị trí đặc biệt trong văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam và còn là biểu tượng linh thiêng liên quan đến quan niệm vạn vật tương sinh tương khắc trong văn hoá phương Đông cổ đại.

Sách Thuyết văn của Trung Quốc miêu tả rồng là một động vật có vẩy, lúc ẩn, lúc hiện, có thể to, có thể nhỏ, có khi ngắn có khi dài, mùa xuân thì bay lên trời, mùa thu thì chìm sâu dưới đầm… Theo Sơn hải kinh miêu tả: Thần rồng ở núi Trung Sơn, nó có tài mở mắt một cái là ngày, nhắm mắt một cái là đêm, không ăn không thở. Khi thở là thành gió. Thân nó dài nghìn dặm…

Còn người Việt cổ sống tại vùng sông nước phương Nam ngay từ thời xa xưa đã tôn sùng cá sấu như một con vật linh thiêng, vì chúng đại diện cho sự trù phú và sức mạnh. Họ đã thần thánh hóa loài cá sấu lên thành con "Giao Long", hình ảnh những cặp giao long châu đầu, dựa lưng, áp mình vào nhau xuất hiện nhiều trên đồ đồng Đông Sơn là biểu tượng sức mạnh của người Việt cổ.

Từ hình tượng giao long trên đồ đồng Đông Sơn, những nghệ sĩ dân gian đã  tô điểm cho hình hài con cá sấu nhiều chi tiết tưởng tượng để sau này trở thành con rồng trong thời đại độc lập tự chủ sau ngàn năm Bắc thuộc.

Hình ảnh “Rồng bay lên” - Thăng Long - tượng trưng cho khí thế vươn lên của dân tộc, được vị vua khai sáng triều Lý - Lý Công Uẩn đem đặt tên cho đất đế đô. Rồng được coi là con vật đứng đầu Tứ linh (Long, lân, quy, phượng) là điềm lành gắn cùng với ước mong thăng phát, với hưng thịnh và hạnh phúc. Từ đó, cùng với sự phát triển của nước nhà, hình tượng con rồng cũng thay đổi và phát triển ngày càng hoàn thiện, độc đáo hơn nữa qua các triều đại sau.

Hình tượng con Rồng qua các thời kỳ lịch sử

Rồng thời Đinh – Tiền Lê (thế kỷ X): Tuy chỉ kéo dài 42 năm lịch sử (968-1009) nhưng hình tượng rồng thời kì này đã được tạo hình rõ nét, mang dáng vẻ mềm mại, thanh thoát. Các nhà khảo cổ đã tìm ra các mẫu vật bằng đất nung có hình tượng rồng tại quê hương của vua Đinh Tiên Hoàng (Gia Viễn, Ninh Bình).

Hiện vật đầu rồng đất nung phát hiện tại huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.

Rồng thời Lý: Rồng thời Lý (thế kỷ 11-12) còn được gọi là rồng rắn hay rồng giun, có mình trơn nhỏ, thân uốn cong hình sin uyển chuyển, mềm mại nhẹ nhàng theo kiểu thắt miệng túi và nhỏ dần về phía đuôi, trên đầu có mào lửa. Các chi tiết bờm, râu, lông khuỷu chân luôn uốn theo một nhịp điệu tương đồng với thân rồng… Rồng thời Lý có 03 móng, móng cong dài nhọn như cựa gà, đôi khi xuất hiện tạo hình rồng 05 móng như hình rồng trên cột đá chùa Dạm. Tạo hình rồng thời Lý là sự chuẩn mực, hoàn thiện cao về trình độ mỹ thuật từ tạo hình rồng đã có trước đó thời Đinh-Tiền Lê.

Đầu rồng thời Trần phát hiện tại Hoàng thành Thăng Long, bảo vật quốc gia năm 2023.

Rồng thời Trần: Sang thời Trần (thế kỷ 13 – 14), về cơ bản hình thức rồng thời kỳ này là sự phát triển trên cơ sở kế thừa phong cách rồng thời Lý. Tuy nhiên, tinh thần thượng võ hình thành nên qua 3 lần kháng chiến chống quân Nguyên Mông đã dần tạo một khí thế, phong cách mới cho con rồng nhà Trần. Thân hình rồng thời Trần hướng tới sự phóng khoáng, đơn giản, khỏe khắn, mập mạp hơn, số lượng khúc uốn cũng ít đi. Chân rồng to, móng vuốt ngắn và to hơn Đồng thời, một số chi tiết mới bắt đầu xuất hiện và ngày càng trở nên phổ biến như cặp sừng hoặc phần vòi ngắn lại và mập hơn, các mép hình “ngọn lửa” thưa nhỏ lại hoặc tiêu biến hẳn, xuất hiện nhiều tư thế mới như rồng uốn khúc hình yên ngựa.

Thành bậc chạm rồng thềm điện Kính Thiên thời Lê sơ, bảo vật quốc gia năm 2020.

Rồng thời Lê sơ:  thời Lê sơ (thế kỷ 15) là thời kỳ Nho giáo phát triển, chế độ phong kiến trung ương tập quyền ở Việt Nam củng cố và có những quy định chặt chẽ về điển lễ vương triều, rồng trở thành biểu tượng của đấng thiên tử. Những đồ vật có vẽ hình rồng 05 móng chỉ dành riêng cho nhà vua được gọi là đồ ngự dụng. Do vậy, hình rồng thời Lê có nhiều tạo hình tiếp thu từ con rồng thời Minh như: mắt quỷ, miệng lang, mũi sư tử, thân rắn, vảy cá chép, chân cá sấu, móng chim ưng, đuôi hình mũi mác... 

Nhà Mạc tuy chỉ tồn tại hơn 60 năm trong thế kỷ 16, nhưng con rồng thời Mạc cũng đã kịp định hình một phong cách nghệ thuật riêng mà dấu ấn nổi bật là khúc thân uốn hình yên ngựa. 

Thành bậc chạm rồng thềm điện Kính Thiên thời Lê trung hưng, bảo vật quốc gia năm 2023.

Sang thời Lê Trung Hưng (thế kỷ 17), khi nghệ thuật tạo hình dân gian phát triển mạnh, hình tượng rồng cũng đã kịp thời thích ứng. Bên cạnh những hình rồng uy nghi trong nghệ thuật cung đình, đã xuất hiện ngày càng phổ biến những mô típ rồng mang đậm tâm thức dân gian, thể hiện sự vui tươi, phóng khoáng, đặc biệt là trong điêu khắc gỗ đình làng. Mảng chạm hình rồng bị chó đuổi ở chùa Cói (Vĩnh Phúc) hay hình rồng nô đùa với thú ở đình Thổ Hà (Bắc Giang)… là những minh chứng rõ nét.

Hình rồng trang trí trên hộp trầu bằng vàng thời Nguyễn, niên hiệu Minh Mệnh (1820-1841).

Rồng thời Nguyễn: Đến thời Nguyễn (TK 19 – đầu TK 20), hình tượng rồng phong phú về đề tài, chất liệu và hình thức biểu đạt. Đặc điểm của rồng thời Nguyễn là có đuôi xoáy tròn hình đóm lửa hoặc xòe rẻ quạt. Trong nghệ thuật cung đình, rồng đã trở lại vẻ uy nghi, biểu trưng cho sức mạnh vương quyền. Đặc điểm hình thức của rồng cũng được quy định riêng cho vua, hoàng tộc hoặc từng phẩm hàm quan lại khác nhau..., trong đó dành cho vua luôn là rồng 5 móng. Hình tượng rồng thời Nguyễn trên các cổ vật hoặc trong trang trí kiến trúc hiện lên vô cùng đa dạng như rồng bay trong mây, rồng ngậm chữ Thọ, rồng chầu mặt trời… Đặc biệt, hình tượng rồng cách điệu từ cỏ cây, hoa lá như trúc hóa rồng, lá hóa rồng, mai hóa rồng… cũng xuất hiện phổ biến và ngày càng trở nên gần gũi.

Rồng: từ biểu tượng cung đình đến linh vật trong tâm thức dân gian

Hình tượng Rồng nền mỹ thuật dân tộc luôn là biểu tượng cho các vương triều, cho nhà vua. Hoàng thành Thăng Long là nơi phát hiện nhiều nhất hiện vật có hình rồng, tiêu biểu nhất là 03 Bảo vật quốc gia: 02 bộ thành bậc chạm rồng thềm điện Kính Thiên và đầu rồng thời Trần và. Bộ thành bậc điện Kính Thiên thời Lê sơ được đặt trên lối lên xuống chính gồm hai thành bậc chạm rồng ở giữa và hai thành bậc chạm mây hóa rồng ở hai bên được công nhận Bảo vật quốc gia năm 2020. Điện Kính Thiên xưa còn giữ lại được một bộ thành bậc thứ hai được tạo tác thời Lê Trung hưng (thế kỷ 17 - 18) trên lối đi phía sau, bên trái. Bộ thành bậc này cùng đầu rồng đất nung thời Trần là 02 hiện vật được công nhận Bảo vật quốc gia ngày 30/01/2023. Trong hoàng cung triều Nguyễn, hình tượng rồng hiện diện phổ biến trên các công trình kiến trúc như các điện, miếu trong Tử Cấm thành, lăng mộ vua, cổng chính của Hoàng thành và điện Thái Hòa…, rồi các hiện vật bằng vàng, bạc, đồng, trang phục, đồ ngự dụng…

Bên ngoài Hoàng cung, hình rồng được chạm khắc trên sập đá ở đền vua Đinh (Hoa Lư, Ninh Bình), cột đá chùa Dạm, trên bệ tượng Adiđà ở chùa Phật Tích (Bắc Ninh), trên bia Sùng Thiện Diên Linh chùa Đọi Sơn (Hà Nam), trên quai chuông thời Trần ở chùa Vân Bản (Hải Phòng), trên bia Vĩnh Lăng ở Lam Kinh (Thanh Hóa)…

Trong đời sống dân gian, rồng đi vào truyền thuyết dân gian, là motif tạo hình, trang trí xuất hiện trên rất nhiều các công trình kiến trúc từ thành thị đến thôn quê, các vật dụng của cộng đồng, trong mỗi gia đình và cá nhân… Hình tượng Rồng trong điêu khắc đình làng từ thế kỷ 17 đến trang trí kiến trúc các công trình tín ngưỡng dân gian cũng phản ánh sự biến đổi, phát triển nhiều mặt về tín ngưỡng và văn hóa tương khắc, về cảm quan thẩm mỹ, trình độ tạo tác của các nghệ sĩ dân gian.

Có thể thấy, con rồng không chỉ là linh vật tượng trưng cho vương quyền của các triều đại quân chủ độc lập mà còn là hình tượng xuất hiện phổ biến trên trang trí kiến trúc, điêu khắc và hội họa. Hình rồng qua mỗi giai đoạn lịch sử mang bản sắc riêng, tạo hình riêng theo trí tưởng tượng của người Việt. Trong sự vận hành của vũ trụ, Rồng là “gạch nối” giữa trời và đất, giữa cõi trên thượng giới với con người sống trên mặt đất. Rồng mang đến điềm lành trong sản xuất nông nghiệp.

Rồng gắn liền với mây, sinh ra sấm chớp và mưa, do vậy trong lễ hội dân gian, thường có màn múa rồng mang lời ước nguyện của cả cộng đồng cho mưa thuận gió hòa, cho nhân khang vật thịnh. Hình ảnh ví von (như) cá gặp nước - (như) rồng gặp mây miêu tả sự kỳ phùng tương hợp, sự mãn nguyện hài hòa của những điều kiện thuận lợi để phát triển đã được hội tụ đầy đủ… Hình tượng Lý ngư hóa long - Cá chép vượt vũ môn để hóa rồng, từ sự tích truyền thuyết đi vào cuộc sống trở thành biểu tượng hướng đạo cho sự quyết tâm đạt được thành công. Rồng còn hóa thân trong trò chơi dân gian với câu hát đồng dao Rồng rắn lên mây.

TS. NGUYỄN ANH THƯ

Khoa Di sản văn hoá, Đại học Văn hoá Hà Nội

Mùa xuân và tục khai bút của người Việt