Sóc Trăng: Một vụ án có dấu hiệu oan sai

02/10/2024 23:46 | 9 giờ trước

(LSVN) - Tỉnh Sóc Trăng những năm về trước là nơi xảy ra nhiều vụ án oan nổi tiếng cả nước. Tuy nhiên, trong 05 năm gần đây “án oan” không còn xảy ra, điều này nhờ có sự thận trọng của các cơ quan tiến hành tố tụng, Công an, Viện Kiểm sát và Tòa án các cấp. Thế nhưng mới đây, vụ việc xảy ra tại huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng hàm chứa dấu hiệu án oan đối với ông Huỳnh Văn Khải.

Cáo trạng số 37/CT-VKS-MT.

Nội dung vụ án theo cáo trạng số 37/CT-VKS-MT ngày 09/9/2024 của Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) huyện Mỹ Tú mô tả hành vi phạm tội của bị cáo như sau:

Vào khoảng tháng 4 năm 2022, ông Lê Tuấn Anh gặp bị can Huỳnh Văn Khải (là cậu ruột của ông Tuấn Anh) và biết bị can Khải là giáo viên dạy hợp đồng của Trung tâm giáo dục nghề nghiệp đào tạo và sát hạch lái xe cơ giới đường bộ Tây Đô (gọi tắt là Trung tâm Tây Đô), nên ông Tuấn Anh nói với bị can Khải là có một vài anh em ở xã Mỹ Phước, huyện Mỹ Tú muốn học lái xe ô tô và cho số điện thoại của ông Võ Hoàng Sử để bị can Khải liên hệ trao đổi việc dạy và học lái xe.

Khoảng tháng 6 năm 2022 bị can Khải đến khu căn cứ Tỉnh uỷ Sóc Trăng thuộc ấp Phước An B, xã Mỹ Phước, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng gặp ông Sử và các học viên thoả thuận việc dạy học và thi bằng lái xe ô tô hạng C, bị can Khải đem xe ô tô xuống địa phương dạy cho các học viên và thi bằng lái xe ô tô hạng C thì các học viên phải trả chi phí cụ thể: tiền học phí là 12.500.000 đồng (mười hai triệu năm trăm ngàn đồng), tiền khám sức khoẻ, hồ sơ là 900.000 đồng (chín trăm ngàn đồng), tiền xăng là 5.000.000 đồng (năm triệu đồng), tiền làm thẻ, chi phí cấp bằng lái là 1.500.000 đồng (một triệu năm trăm ngàn đồng), tổng cộng là 19.900.000 đồng (mười chín triệu, chín trăm ngàn đồng). Thời gian học được bị can Khải và các học viên thống nhất là vào ngày thứ 7 và chủ nhật hàng tuần, thời gian thi là vào khoảng tháng 01 năm 2023. Sau khi hai bên thống nhất thoả thuận thì khoảng 01 tuần sau bị can Khải đem xe đến khu căn cứ Tỉnh uỷ dạy cho các học viên và đưa hồ sơ đăng ký học và thi lái xe ô tô hạng C cho các học viên ký tên, chụp hình khuôn mặt của từng người và thu tiền học phí của các học viên là 13.400.000 đồng (mười ba triệu bốn trăm ngàn đồng); đến tháng 8 năm 2022 thì thu tiền đợt 2 là 6.500.000 đồng (sáu triệu năm trăm ngàn đồng), bị can Khải đã thu của các học viên tổng số tiền là 210.800.000 đồng (hai trăm mười triệu tám trăm ngàn đồng).

Thời gian đầu bị can Khải đem xe xuống dạy cho các học viên, nhưng sau đó không còn dạy thường xuyên, đến tháng 01/2023 không thấy bị can Khải đưa các học viên đi thi nên ông Võ Hoàng Sử hỏi bị can Khải “Tại sau đến thời gian thi mà không thấy đưa nhóm học viên đi thi”, bị can Khải trả lời là “Do có quy định mới, mỗi học viên phải điều khiển xe được ghi nhận trong thẻ DAT là 825km mới đủ điều kiện dự thi bằng lái xe ô tô hạng C” và hẹn các học viên sẽ thi vào tháng 4 năm 2023, nhưng đến tháng 4/2023 cũng không có tổ chức thi, do chờ đợi lâu nhưng bị can Khải không tổ chức đưa đi thi nên học viên yêu cầu bị can Khải cung cấp giấy nộp tiền cho các học viên, do bị can Khải chưa nộp tiền học phí để đăng ký và nộp hồ sơ của các học viên cho Trung tâm Tây Đô, nên bị can Khải nhiều lần nói dối với các học viên là đã nộp tiền rồi hẹn ngày đi trích lục biên lai cho các học viên, các học viên đến Trung tâm Tây Đô hỏi thì được biết là không có nhận hồ sơ, học phí của nhóm học viên, ông Sử điện thoại liên hệ thì bị can Khải nói dối là hồ sơ nộp trên sở, nhưng thực tế bị can Khải không có nộp hồ sơ mà đến ngày 05/10/2023 bị can Khải mới nộp tiền tại Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, đào tạo và sát hạch lái xe cơ giới đường bộ Cần Thơ (Trung tâm Cần Thơ) cho 08 học viên, còn lại 03 học viên bị can Khải không nộp. Do bị can Khải bị Công ty cổ phần bến xe tàu phà Cần Thơ chấm dứt hợp đồng trước thời hạn vào ngày 02/10/2023 nên các học viên muốn học và thi lái xe hạng C tiếp thì Trung tâm Cần Thơ sẽ bố trí giáo viên khác giảng dạy nhưng mỗi học viên phải đóng thêm số tiền là 9.750.000 đồng (Chín triệu bảy trăm năm mươi ngàn đồng) các học viên không đồng ý nên Trung tâm Cần Thơ trả lại cho 08 học viên mỗi người 6.500.000 đồng (Sáu triệu năm trăm ngàn đồng) tổng cộng là 52.000.000 đồng (Năm mươi hai triệu đồng), các học viện yêu cầu bị can Khải trả lại số tiền còn lại nhưng bị can Khải không trả nên đến ngày 17/12/2023 các học viên đến Cơ quan Cảnh sát điều tra trình báo sự việc.

Phiếu chuyển đơn của VKSND tỉnh Sóc Trăng.

Với hành vi nêu trên, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CQCSĐT) Công an huyện Mỹ Tú với sự phê chuẩn của VKSND huyện đã khởi tố bắt tạm giam ông Khải về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” sau 28 ngày cho tại ngoại. Quá trình điều tra sau đó không chứng minh được hành vi lừa đảo nên CQCSĐT cũng có sự phê chuẩn của VKSND huyện Mỹ Tú chuyển tội danh sang tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” từ đó đề nghị truy tố trước TAND huyện Mỹ Tú theo khoản 3 Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015 có mức án từ 05 đến 12 năm tù.

Sau khi nhận bản cáo trạng, ông Khải đã có đơn khiếu nại kêu oan, theo đó ông xác định mình không có hành vi chiếm đoạt tiền của học viên, mà số tiền thu học viên đã được sử dụng hợp pháp, hợp lệ như đóng tiền về trung tâm lái xe Tây Đô, tiền chi phí nhiên liệu để di chuyển từ Cần Thơ đến huyện Mỹ Tú để giảng dạy cho học viên, tiền công lao động học viên tự nguyện trả. Tổng số tiền đã chi trả tương đương số tiền học viên đã đóng, kết luận điều tra số 36/BKL-CSĐT ngày 16/8/2024  của CQCSĐT Công an huyện Mỹ Tú cũng ghi nhận.

Tiếp xúc với Luật sư bào chữa cho ông Khải được biết, Luật sư đã có bản kiến nghị gửi đến các cơ quan tiến hành tố tụng cấp huyện và cấp tỉnh để xem xét vụ việc tránh oan sai, theo đó kiến nghị nêu, việc VKSND huyện Mỹ Tú đề nghị tuy tố ông Khải về tội “Lạm dụng trách nhiệm chiếm đoạt tài sản” là chưa bảo đảm tính hợp pháp và tính có căn cứ”, cụ thể là:

Thứ nhất, không chứng minh được số tiền mà ông Khải đã sử dụng cá nhân như thế nào.

Thứ hai, chính ông Khải đã tự mình chứng minh được các khoản tiền chi phí gồm 52.000.000 đồng nộp về trung tâm đào tạo lái xe, 49.500.000 đồng học viên tự nguyện trả tiền công giảng dạy, 100.000.000 đồng tiền nhiên liệu và khấu hao tải sản là xe dùng cho việc giảng dạy thực hành. Tổng cộng đã chi 201.500.000 đồng, chênh lệch với số tiền đã nhận chỉ 9.300.000 đồng, chưa tính các khoản chi phí hợp pháp, hợp lệ khác.

Khiếu nại của ông Khải và kiến nghị của Luật sư đã được VKSND tỉnh Sóc Trăng chuyển cho VKSND huyện Mỹ Tú xem xét giải quyết theo thẩm quyền.

Làm oan cho một người nào đó gây ra hậu quả rất nặng nề cả về vật chất lẫn tinh thần, hy vọng các cơ quan tiến hành tố tụng huyện Mỹ Tú, đặc biệt là TAND huyện Mỹ Tú xem xét vụ án này một cách độc lập để có phán quyết thấu lý đạt tình tránh gây ra việc oan sai.

PV

Nam Định: Nhiều tình tiết chưa được làm sáng tỏ trong vụ án ‘Giết người’ khi chơi tổ tôm