/ Phòng xử đa chiều
/ Sóc Trăng: Một vụ án có dấu hiệu oan sai

Sóc Trăng: Một vụ án có dấu hiệu oan sai

05/01/2021 17:49 |

LSVNO - Ngày 09/6/2017, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Sóc Trăng cho rằng, số phân bón của Doanh nghiệp tư nhân Hồ Mỹ Nhiên do Tập đoàn Con cò Vàng sản xuất là “phân bón giả, phân bón kém chất lượn...

LSVNO - Ngày 09/6/2017, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Sóc Trăng cho rằng, số phân bón của Doanh nghiệp tư nhân Hồ Mỹ Nhiên do Tập đoàn Con cò Vàng sản xuất là “phân bón giả, phân bón kém chất lượng” nên đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Châu Hoài Phương và ông Ung Văn Thanh về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 285 Bộ luật Hình sự năm 1999.

Nội dung vụ án

Ngày 07/3/2016, Sở Công thương tỉnh Sóc Trăng ban hành Quyết định số 20/QĐ-SCT thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, ông Châu Hoài Phương - Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Sóc Trăng được phân công làm Trưởng đoàn, Phó trưởng đoàn là ông Trần Thanh Giang - Phó trưởng phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Sóc Trăng; các thành viên khác gồm có: ông Võ Minh Thiên - Phó chánh thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Nguyễn Khôi - Phó trưởng phòng Nghiệp vụ tổng hợp Chi cục Quản lý thị trường, ông Ung Văn Thanh - Kiểm soát viên Đội Quản lý thị trường số 7, bà Nguyễn Thị Bé Em - Chuyên viên Phòng Nghiệp vụ tổng hợp Chi cục Quản lý thị trường.

Trong quá trình thực hiện công vụ, Đoàn kiểm tra liên ngành có lấy 03 mẫu phân bón vô cơ của Doanh nghiệp tư nhân Hồ Mỹ Nhiên tại thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng để kiểm tra. Theo đó, qua 01 lần kiểm nghiệm chính và 01 lần kiểm nghiệm bổ sung cho ra kết quả như sau:

Kết quả kiểm nghiệm do Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 thực hiện:

+ Mẫu A1 (phân bón siêu D.A.P Super DIAMMONIUM PHOSPHATE): hàm lượng ni tơ (N) tổng 24,7%; hàm lượng oxitphotphoric (P2O5) hữu hiệu 12%; hàm lượng lưu huỳnh 12%; hàm lượng oxit silic 0,13%; hàm lượng canxi 2,90x103; hàm lượng MgO 4,12x103; hàm lượng kẽm 141; hàm lượng Mo 2,9; hàm lượng Mn 497; hàm lượng B 33.

+ Mẫu A2 (phân VITORIA HO-CCV 30.30.0 + TE): hàm lượng ni tơ (N) tổng 26.6%; hàm lượng oxitphotphoric (P2O5) hữu hiệu 17,5%; hàm lượng oxit kali 0,18%; hàm lượng oxit silic 2,92%; hàm lượng đồng 7,4%; hàm lượng kẽm 266; hàm lượng Mo 1,7; hàm lượng Mn 721; hàm lượng B 61.

+ Mẫu A3 (phân NPK 30-30-0+Bo+TE): hàm lượng ni tơ (N) tổng 31,8%; hàm lượng oxitphotphoric (P2O5) hữu hiệu 19,6%; hàm lượng oxit kali 0,20%; hàm lượng B 94.

Kết quả kiểm nghiệm (bổ sung) do Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng Cần Thơ thực hiện:

+ Mẫu B1 (phân bón siêu D.A.P Super DIAMMONIUM PHOSPHATE): hàm lượng oxitphotphoric (P2O5) hữu hiệu 11,23%.

+ Mẫu B2 (phân VITORIA HO-CCV 30.30.0 + TE): hàm lượng ni tơ (N) tổng 24,8%; hàm lượng oxitphotphoric (P2O5) hữu hiệu 16,22%.

+ Mẫu B3 (phân NPK 30-30-0+Bo+TE): hàm lượng oxitphotphoric (P2O5) hữu hiệu 18,49%.

Sau khi tiến hành kiểm nghiệm, phát hiện kết quả kiểm nghiệm lần 1 tại Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 không đạt chất lượng, kiểm nghiệm bổ sung tại Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng Cần Thơ vẫn không đạt chất lượng, mỗi mẫu đều có 1 chỉ tiêu dưới 70%, đại diện Công ty cổ phần Đầu tư công nghệ cao quốc tế Con cò Vàng (được Doanh nghiệp tư nhân Hồ Mỹ Nhiên ủy quyền) có đơn đề nghị xem xét cho lấy mẫu gửi kiểm nghiệm lại, Đoàn liên ngành đã họp và thống nhất các ý kiến của thành viên cho Công ty lấy mẫu đi kiểm nghiệm lại và thống nhất kết quả kiểm nghiệm lại là căn cứ để xử lý, kết quả kiểm nghiệm lại như sau:

Kết quả kiểm nghiệm do Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón vùng Nam Bộ thực hiện:

+ Mẫu C1 (phân bón siêu D.A.P Super DIAMMONIUM PHOSPHATE): hàm lượng ni tơ (N) tổng 20%; hàm lượng oxitphotphoric (P2O5) hữu hiệu 28,5%; hàm lượng lưu huỳnh 10,7%.

+ Mẫu C2 (phân VITORIA HO-CCV 30.30.0 + TE): hàm lượng ni tơ (N) tổng 29,8%; hàm lượng oxitphotphoric (P2O5) hữu hiệu 28,3%.

+ Mẫu C3 (phân NPK 30-30-0+Bo+TE): hàm lượng ni tơ (N) tổng 30%; hàm lượng oxitphotphoric (P2O5) hữu hiệu 28,2%.

Căn cứ vào kết quả kiểm nghiệm lại do Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón vùng Nam Bộ thực hiện thì các mẫu phân bón kiểm nghiệm đều đạt chất lượng nên Đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành họp và thống nhất 100% ý kiến là doanh nghiệp không vi phạm, lưu hồ sơ vụ việc, mở niêm phong hàng hóa để doanh nghiệp tiếp tục kinh doanh.

Tưởng như tháo gỡ được nút thắt để doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trở lại, đến ngày 09/6/2017, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Sóc Trăng lại cho rằng số phân bón của Doanh nghiệp tư nhân Hồ Mỹ Nhiên do Tập đoàn Con cò Vàng sản xuất là “phân bón giả, phân bón kém chất lượng” nên đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Châu Hoài Phương và ông Ung Văn Thanh về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 285 Bộ luật Hình sự năm 1999.

Phiếu đánh giá kết quả đạt chuẩn.

Quan điểm của cơ quan tố tụng

Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Sóc Trăng ra quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam ông Châu Hoài Phương và ông Ung Văn Thanh bởi những lý do sau:

Thứ nhất, cơ quan tố tụng cho rằng pháp luật chỉ cho phép đi kiểm nghiệm phân bón không quá hai lần nhưng ông Phương - Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành lại đồng ý cho đi kiểm nghiệm lần 3 là vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 9 Thông tư số 26/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012 của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Thứ hai, cơ quan tố tụng cho rằng kết quả kiểm nghiệm bổ sung do Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng Cần Thơ thực hiện thể hiện phân bón giả nên đủ căn cứ xử phạt vi phạm hành chính và tịch thu tiêu hủy toàn bộ lô phân bón giả, kém chất lượng nhưng ông Châu Hoài Phương - Trưởng đoàn và các thành viên khác lại quyết định không xử lý dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật được quy định tại Điều 285 Bộ luật Hình sự.

Thứ ba, cơ quan tiến hành tố tụng buộc tội ông Châu Hoài Phương và ông Ung Văn Thanh do hậu quả của hành vi không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với lô “phân bón giả, phân bón kém chất lượng” do Doanh nghiệp tư nhân Hồ Mỹ Nhiên phân phối đã gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền phạt vi phạm và việc giao trả hàng cho Doanh nghiệp khiến toàn bộ lô phân bón này cung ứng ra thị trường gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Quan điểm của luật sư

Ngay sau vụ việc ông Châu Hoài Phương - Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Sóc Trăng - Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành cùng với ông Ung Văn Thanh - thành viên đoàn kiểm tra bị buộc tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, các luật sư đã vào cuộc nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị can trong vụ việc. Xem xét toàn bộ diễn biến vụ việc cũng như đối chiếu các quy định pháp luật hiện hành, luật sư nhận thấy quan điểm buộc tội ông Châu Hoài Phương và ông Ung Văn Thanh của cơ quan tố tụng tỉnh Sóc Trăng là chưa có căn cứ vững chắc, truy cứu oan sai cán bộ thực thi công vụ, thể hiện:

Thứ nhất, về tội danh các cơ quan tố tụng cáo buộc. Cơ quan tố tụng buộc ông Châu Hoài Phương và ông Ung Văn Thanh tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 285 Bộ luật Hình sự là chưa có căn cứ, không thỏa mãn yếu tố cấu thành tội phạm. Từ các chứng lý trong hồ sơ vụ việc, cho thấy quá trình hoạt động thực thi công vụ, ông Châu Hoài Phương với vị trí Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành đã không tự ý quyết định các lần đi cho kiểm nghiệm phân bón, không tự ý quyết định trả lại hàng hóa cho doanh nghiệp. Toàn bộ các kết luận cuối cùng đều là của tập thể, do các thành viên tham gia ý kiến, thảo luận đi đến thống nhất, có chữ ký. Bên cạnh đó, việc buộc tội ông Châu Hoài Phương và ông Ung Văn Thanh cũng chưa thỏa mãn yếu tố cấu thành tội phạm được quy định tại Điều 285 Bộ luật Hình sự. Điều luật này quy định “Người nào vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao gây hậu quả nghiêm trọng, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các Điều 144, 235 và 301 của Bộ luật này, thì bị phạt…..”. Cấu thành tội phạm của Điều 285 cho thấy hành vi khách quan không thực hiện nhiệm vụ được giao là trường hợp người có chức vụ, quyền hạn không làm những việc theo đúng quy định pháp luật hoặc điều lệ công tác hoặc không thực thi đúng nghĩa vụ, quyền hạn của mình. Tuy nhiên, trong toàn bộ quá trình vụ việc, bị can Châu Hoài Phương và Ung Văn Thanh đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ được giao theo tinh thần Quyết định số 20/QĐ-SCT ngày 07/03/2016, các bị can đã kịp thời tiếp thu ý kiến đề xuất bằng văn bản của các thành viên chuyên trách thuộc đoàn để xử lý các tình huống phát sinh trên cơ sở không trái quy định pháp luật, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, không sách nhiễu, gây khó khăn phiền hà cho doanh nghiệp.

Thứ hai, về số lần đi kiểm nghiệm mẫu phân bón của Doanh nghiệp tư nhân Hồ Mỹ Nhiên. Cơ quan tố tụng cho rằng pháp luật chỉ cho phép đi kiểm nghiệm phân bón không quá 2 lần nhưng ông Phương đồng ý cho đi kiểm nghiệm lần 3 là vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 9 Thông tư số 26/2012/TT-BKHCN. Luật sư cho rằng, việc ông Châu Hoài Phương quyết định cho doanh nghiệp lấy mẫu đi kiểm nghiệm tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón vùng Nam Bộ là hoàn toàn đúng pháp luật, không vi phạm, thể hiện: Lần kiểm nghiệm thứ nhất, do Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 thực hiện, kiểm nghiệm toàn diện chất lượng phân bón; Lần kiểm nghiệm do Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng Cần Thơ thực hiện chỉ là lần kiểm nghiệm bổ sung của lần 1, không phải là kiểm nghiệm lần 2 như cáo buộc của cơ quan tố tụng, vì lần kiểm tra này chỉ là kiểm tra chất lượng lại một số chất có trong phân bón, không kiểm tra toàn diện chất lượng các mẫu phân bón, nên lần kiểm nghiệm này không thể dùng làm căn cứ cuối cùng để xử phạt. Đồng thời kết quả kiểm nghiệm bổ sung này không phản ánh hết các thành phần thực tế có trong các mẫu phân bón, cũng không thể hiện có các chất vi trung lượng cần có trong phân bón. Bên cạnh đó, Phó trưởng đoàn - Trung tá Trần Thanh Giảng là Phó phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Sóc trăng và các thành viên trong đoàn đã có những cuộc họp đề xuất với trưởng đoàn về việc kiểm tra lại chất lượng mẫu phân bón là hoàn toàn phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn tương ứng theo Thông tư điều chỉnh chuyên ngành trong lĩnh vực phân bón. Tại Điều 14 Thông tư số 41/2014/TT-BNNPTNT ngày 13/11/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định, trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được kết quả, tổ chức cá nhân có mẫu được kiểm tra nếu không nhất trí với kết quả kiểm nghiệm (lần 1) phải có văn bản khiếu nại đề nghị kiểm tra lần 2; trường hợp tổ chức, cá nhân có mẫu được kiểm tra lần 2 vẫn không nhất trí với kết quả kiểm nghiệm lại thì cơ quan thanh tra, kiểm tra gửi 02 mẫu: 01 mẫu lưu tại địa điểm lấy mẫu và 01 mẫu lưu tại cơ quan thanh tra, kiểm tra tới phòng kiểm nghiệm quy định tại khoản 5 Điều này để kiểm nghiệm lại (tức lần 3). Kết quả kiểm nghiệm lại lần này là căn cứ để cơ quan thanh tra, kiểm tra xử lý giải quyết khiếu nại.

Phân tích trên cho thấy rằng, Doanh nghiệp tư nhân Hồ Mỹ Nhiên được kiểm tra chất lượng phân bón chỉ có 2 lần. Hoặc nếu cơ quan tố tụng cho rằng lần kiểm nghiệm tại Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng Cần Thơ được tính như là 1 lần kiểm nghiệm chính thức thì việc kiểm tra 3 lần vẫn không trái với quy định pháp luật, không trái với Điều 14 Thông tư số 41/2014/TT-BNNPTNT nêu trên.

Thứ ba, về chất lượng phân bón của Doanh nghiệp tư nhân Hồ Mỹ Nhiên. Cơ quan tố tụng dựa vào kết quả kiểm nghiệm lần 2 để cho rằng các mẫu phân bón là giả, phân bón kém chất lượng là chưa đúng, bởi vì các mẫu phân bón kiểm nghiệm là loại phân hỗn hợp (phân trộn) chứ không phải loại phân đơn, nên không thể xác định chất lượng phân bón như đánh giá phân bón đơn. Theo Thông tư số 29/2014/TT-BCT ngày 30/9/2014 của Bộ Công thương thì các loại phân bón được kiểm nghiệm là loại phân hỗn hợp bón rễ. Quy chuẩn quốc gia đối với loại phân bón như trên chỉ cần tổng hàm lượng hai trong ba yếu tố N tổng, P2O5 hữu hiệu và K2O hữu hiệu, % khối lượng, không nhỏ hơn 18% là đạt chất lượng, cho nên dựa vào kết quả kiểm nghiệm của tất cả các lần thì toàn bộ các mẫu phân bón được kiểm nghiệm không những đạt chất lượng mà còn có bổ sung nhiều thành phần vi trung lượng rất tốt cho cây trồng, không gây hại môi trường.

Thứ tư, về hậu quả của hành vi. Hậu quả nghiêm trọng được quy định tại Điều 285 Bộ luật Hình sự là những thiệt hại đáng kể về vật chất như tiền, tài sản, gây thất thu cho Nhà nước hoặc thiệt hại tinh thần như uy tín của cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Tuy nhiên, tại Công văn số 124/QLTT-NVTH ngày 9/3/2017 của Chi cục Quản lý thị trường Sóc Trăng phúc đáp Công văn 203/SCT-TTr ngày 8/3/2017 của Sở Công thương Sóc Trăng kết luận “Xử phạt vi phạm hành chính là để giáo dục và răn đe các đối tượng vi phạm. Mẫu lần 3 đạt, do đó nhận thấy việc làm của Đoàn kiểm tra liên ngành chưa gây ra hậu quả hay thiệt hại cho lợi ích Nhà nước, xã hội; quyền và lợi ích hợp pháp của công dân”. Mặt khác, kể từ ngày xảy ra hành vi vi phạm cho đến nay, vẫn chưa hết thời hiệu xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính (02 năm) đối với đối tượng vi phạm là Doanh nghiệp tư nhân Hồ Mỹ Nhiên. Nếu trường hợp cơ quan tố tụng cho rằng hành vi không xử phạt của Đoàn kiểm tra gây hậu quả nghiêm trọng, gây thất thu cho Nhà nước thì hoàn toàn có thẩm quyền yêu cầu xử lý vi phạm hành chính, tuy nhiên cơ quan tố tụng lại bỏ qua và tiến hành khởi tố vụ án, luật sư cho rằng việc khởi tố 2 bị can trong vụ việc là hoàn toàn nóng vội, chưa thấu tình đạt lý.

Ông Châu Hoài Phương và ông Ung Văn Thanh là những công chức gương mẫu, được ghi nhận nhiều thành tích trong quá trình công tác, luôn tận tâm thực hiện công vụ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, không hạch sách, phiền hà doanh nghiệp. Để bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ tính đúng đắn của pháp luật, tránh việc truy tố chủ quan của các cơ quan chức năng mà gây oan sai cho công chức, ảnh hưởng xấu đến quyền và lợi ích hợp pháp của công chức, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của địa phương, tạo ra tiền lệ xấu e dè trong việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp của công chức khi thực thi công vụ; nhận thấy vụ việc chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm, không gây thiệt hại nghiêm trọng, nên cần được cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Sóc Trăng sớm giải quyết trả tự do cho họ.

Luật sư Nguyễn Trường Thành