(LSO) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương thực hiện đồng bộ các giải pháp để sớm đưa giá lợn hơi giảm về mức khoảng 60.000 đồng/kg phấn đấu ngay trong tháng 4, đầu tháng 5 gắn với việc bảo đảm lợi ích hợp lý, hài hòa giữa người sản xuất, khâu lưu thông phân phối và người tiêu dùng.
Theo Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá quý I năm 2020, về thịt lợn, để kiểm soát tốt giá thịt lợn trong thời gian tới, trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc thị trường, quy định của pháp luật và tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước; các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai tích cực các giải pháp theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhất là các giải pháp đảm bảo nguồn cung và kiểm soát các khâu trung gian, lưu thông trên thị trường; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương thực hiện đồng bộ các giải pháp để sớm đưa giá lợn hơi giảm về mức khoảng 60.000 đồng/kg phấn đấu ngay trong tháng 4, đầu tháng 5 gắn với việc bảo đảm lợi ích hợp lý, hài hòa giữa người sản xuất, khâu lưu thông phân phối và người tiêu dùng.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch tái đàn cụ thể, tổ chức chăn nuôi theo từng vùng, từng khu vực chăn nuôi (doanh nghiệp, hộ gia đình) với lộ trình cụ thể, thời gian theo từng tháng để sớm đảm bảo nguồn cung đáp ứng đủ nhu cầu trong nước ngay đầu quý III. Theo dõi, tổng hợp, phân tích và đưa ra số liệu cụ thể về dự kiến lượng lợn thịt (đủ tiêu chuẩn xuất chuồng theo quy định để giết mổ, cung cấp ra thị trường) trong từng tháng để từ đó chủ động có phương án điều hòa cung - cầu thịt lợn. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá về kết quả thực hiện định kỳ hàng tháng từ nay đến hết quý III; đồng gửi Bộ Tài chính - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo để tổng hợp chung.
Chỉ đạo các doanh nghiệp chăn nuôi lớn thực hiện đúng cam kết về giảm giá bán lợn hơi và việc cung ứng số lượng lợn hơi. Đồng thời, chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ Công an theo chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước kiểm tra giá thành lợn hơi tại các doanh nghiệp chăn nuôi lớn; nếu có hiện tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh để thao túng giá thì thực hiện xử lý nghiêm, kịp thời theo quy định pháp luật và yêu cầu doanh nghiệp giảm giá lợn hơi về mức hợp lý như chỉ đạo trên.
Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, trên cơ sở đó đôn đốc các địa phương rà soát, công bố hết dịch để hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho người chăn nuôi yên tâm tái đàn, thúc đẩy chăn nuôi hộ gia đình, tăng đàn bù đắp nguồn cung thiếu hụt; tăng cường việc nhân giống, cung ứng lợn giống có chất lượng với giá cả hợp lý và an toàn dịch bệnh cho người dân để thực hiện tái đàn, tăng đàn phù hợp với dự báo về cầu và giá cả theo mục tiêu, kế hoạch đề ra. Đồng thời, đẩy mạnh vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, xây dựng các chuỗi đảm bảo cung ứng thịt lợn trong mùa dịch và ổn định thị trường trong năm 2020 và các năm tiếp theo.
Chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương, các bộ, ngành chức năng và các doanh nghiệp nhập khẩu đảm bảo nhập đủ số lượng thịt còn thiếu theo đúng tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ để bổ sung thịt lợn thiếu hụt trên thị trường từ nay đến quý III, không để thiếu nguồn cung thực phẩm quan trọng này trong mọi trường hợp, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay. Trên cơ sở kế hoạch tái đàn, phát triển sản xuất và sản lượng thịt lợn sản xuất trong nước hàng tháng, đánh giá cụ thể tình hình cung cầu để báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất phương án điều hòa cung cầu, trong đó có tính đến tiếp tục nhập khẩu bù đắp nguồn cung thiếu hụt (nếu cần thiết).
Chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Tài chính theo dõi sát diễn biến giá cả mặt hàng thức ăn chăn nuôi là đầu vào cho sản xuất, chăn nuôi lợn để kịp thời thực hiện theo thẩm quyền hoặc đề xuất trình Chính phủ giải pháp bình ổn giá thức ăn chăn nuôi góp phần giảm bớt khó khăn cho chăn nuôi lợn nói riêng và ngành chăn nuôi nói chung.
Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành chức năng nghiên cứu, nếu cần thiết kiến nghị đưa mặt hàng thịt lợn vào danh mục thực hiện bình ổn giá theo quy định pháp luật về giá gửi Bộ Tài chính tổng hợp đề xuất.
Kiểm tra, rà soát, đánh giá thực trạng hệ thống kênh phân phối
Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Ban Chỉ đạo 389 và các cơ quan chức năng có liên quan kiểm tra, rà soát, đánh giá thực trạng hệ thống kênh phân phối, cung ứng, lò mổ và đầu mối bán buôn, bán lẻ đối với mặt hàng thịt lợn tính từ cửa trại, cửa chuồng của doanh nghiệp, người chăn nuôi đến doanh nghiệp, siêu thị, người bán cuối cùng trực tiếp cung ứng cho người tiêu dùng. Từ đó, làm rõ những bất cập, hạn chế và đề xuất giải pháp khắc phục những bất cập và xử lý vi phạm theo pháp luật (nếu có) trong khâu lưu thông, phân phối nhằm giảm thiểu các khâu trung gian gây tác động tiêu cực làm đẩy chi phí lưu thông trong giá bán tăng lên tiến tới hoàn thiện một hệ thống phân phối, bán buôn bán lẻ tinh gọn hiệu quả đáp ứng nhu cầu thị trường, giảm tầng nấc trung gian, giảm chi phí trong khâu lưu thông về mức hợp lý trong cơ cấu giá bán hàng, đảm bảo hài hòa lợi ích người sản xuất, khâu lưu thông phân phối, người tiêu dùng.
Chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường từ trung ương đến địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động mua bán của các thương nhân mua bán thịt lợn và xử lý nghiêm các trường hợp găm hàng, đẩy giá cao; giám sát chặt chẽ, hạn chế tối đa và xử lý nghiêm việc buôn bán, vận chuyển, xuất nhập khẩu lợn sống và thịt lợn trái phép.
Chỉ đạo Sở Công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp, khuyến khích yêu cầu các doanh nghiệp phân phối, bán buôn, bán lẻ, các siêu thị triển khai chương trình bình ổn mặt hàng thịt lợn. Mở rộng cung ứng ra thị trường bán lẻ từ nguồn thịt lợn nhập khẩu từ các cơ sở sản xuất trong nước và đơn vị nhập khẩu, định hướng người tiêu dùng tiêu thụ sản phẩm thịt từ nguồn nhập khẩu.
Chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao chỉ đạo cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm các nguồn hàng hợp lý để thúc đẩy việc nhập khẩu thịt lợn.
Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn thông quan
Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan phối hợp chặt chẽ với Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn thông quan đối với lượng hàng thịt lợn nhập khẩu. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng ngăn chặn việc buôn bán, vận chuyển lợn qua biên giới; tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát để hỗ trợ các hộ chăn nuôi bị thiệt hại do dịch tả lợn Châu Phi theo kế hoạch được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; theo dõi, giám sát chặt chẽ giá mặt hàng thức ăn chăn nuôi theo quy định pháp luật về giá.
Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các đơn vị truyền thông, báo chí đưa thông tin chính xác, tích cực, đa chiều, phản ánh đầy đủ về tình hình sản xuất, cung ứng, nhu cầu thịt lợn; chủ trì, phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương tuyên truyền định hướng người tiêu dùng tăng cường sử dụng đa dạng các loại thịt lợn, trong đó tiêu dùng thịt lợn mát, thịt lợn đông lạnh đảm bảo chất lượng và các sản phẩm thay thế như thịt gia súc, gia cầm và thủy, hải sản.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện ngay việc công bố hết dịch tả lợn Châu Phi khi có đủ điều kiện theo quy định để tạo tâm lý tốt cho hộ chăn nuôi trên địa bàn và thực hiện hỗ trợ kỹ thuật, tài chính cho người sản xuất trên địa bàn tái đàn, tăng đàn, mở rộng quy mô sản xuất. Chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc chậm công bố hết dịch khi đã đủ điều kiện công bố và chậm triển khai hỗ trợ tài chính cho người chăn nuôi bị thiệt hại bởi dịch theo quy định. Chỉ đạo các sở, ban ngành liên quan triển khai đồng bộ việc kiểm soát dịch bệnh, hướng dẫn thực hiện tái đàn, tăng đàn theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Thường xuyên đánh giá tình hình sản xuất, cân đối cung cầu của mặt hàng thịt lợn nói riêng và các loại sản phẩm thịt thay thế để tuyên truyền người tiêu dùng có định hướng sử dụng để tránh tình trạng giá cả, cung cầu của các mặt hàng quá cao hoặc quá thấp.
Tăng cường kiểm tra, giám sát việc buôn bán, vận chuyển thịt lợn trên địa bàn. Xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, trái quy định theo thẩm quyền.
LOAN THANH