Ảnh minh họa.
Cụ thể, trường hợp công dân không có thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc thông tin về công dân chưa được đầy đủ thì cơ quan đăng ký cư trú tiến hành thu thập, kiểm tra, xác minh và cập nhật, bổ sung thông tin của công dân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trước khi tiếp nhận, giải quyết thủ tục về cư trú.
Trong quá trình kiểm tra, quản lý cư trú, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm rà soát, cập nhật thông tin về nơi ở hiện tại của công dân đang thực tế sinh sống trên địa bàn quản lý vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để bảo đảm chính xác, kịp thời.
Cơ quan cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng và Cơ quan cảnh sát quản lý tạm giữ, tạm giam Bộ Công an có trách nhiệm phối hợp với Cơ quan cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Bộ Công an để xác định, cập nhật thông tin về nơi ở hiện tại của người đang bị tạm giam; chấp hành án phạt tù; chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cho chính xác, kịp thời. Đây là điểm mới tại Thông tư 66/2023/TT-BCA so với Thông tư số 55/2021/TT-BCA.
Mối quan hệ giữa thành viên hộ gia đình với chủ hộ trong hộ gia đình được xác định như sau: Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha vợ, mẹ vợ, cha chồng, mẹ chồng, cha nuôi, mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế, con đẻ, con dâu, con rể, con nuôi, con riêng của vợ hoặc chồng; ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột, cháu ruột; anh, chị, em cùng cha khác mẹ; anh, chị, em cùng mẹ khác cha; anh rể, em rể, chị dâu, em dâu; cụ nội, cụ ngoại, cháu nội, cháu ngoại, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột; người giám hộ, người được giám hộ; ở nhờ, ở mượn, ở thuê, cùng ở nhờ, cùng ở thuê, cùng ở mượn.
Trước đó, tại Điều 6 Thông tư 55/2021/TT-BCA quy định không có cha vợ, mẹ vợ, cha chồng, mẹ chồng, cha dượng, mẹ kế, con dâu, con rể, con riêng của vợ hoặc chồng, anh, chị, em cùng cha khác mẹ; anh, chị, em cùng mẹ khác cha; anh rể, em rể, chị dâu, em dâu. Theo đó, tại khoản 4 chỉ quy định mối quan hệ giữa thành viên hộ gia đình với chủ hộ trong hộ gia đình được xác định như sau: Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi; ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột, cháu ruột; cụ nội, cụ ngoại, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột; người giám hộ, ở nhờ, ở mượn, ở thuê, cùng ở nhờ, cùng ở thuê, cùng ở mượn.
Thông tư 66/2023/TT-BCA cũng quy định người có mối quan hệ với chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 20 Luật Cư trú mà đăng ký thường trú vào chỗ ở chưa có hộ gia đình đăng ký thường trú và không thuộc trường hợp quy định tại Điều 23 Luật Cư trú thì hồ sơ đăng ký thường trú thực hiện theo khoản 2 Điều 21 Luật Cư trú. Đây là điểm mới tại Thông tư 66/2023/TT-BCA so với Thông tư số 55/2021/TT-BCA.
Người đăng ký thường trú có mối quan hệ với chủ hộ, thành viên hộ gia đình theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 20 Luật Cư trú mà nơi thường trú của chủ hộ, thành viên hộ gia đình đó là chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ thì hồ sơ đăng ký thường trú thực hiện theo khoản 2 Điều 21 Luật Cư trú.
Ngoài ra, điểm mới tại Thông tư 66/2023/TT-BCA so với Thông tư số 55/2021/TT-BCA là người đăng ký thường trú theo điều kiện quy định tại điểm a khoản 2 Điều 20 Luật Cư trú mà chỗ ở đăng ký thường trú là địa điểm quy định tại Điều 23 Luật Cư trú thì hồ sơ đăng ký thường trú không cần phải có ý kiến đồng ý của chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đó trong trường hợp không xác định được chủ sở hữu.
Thông tư 66/2023/TT-BCA có hiệu lực từ ngày 01/01/2024.
MAI HUỆ
Sửa đổi, bổ sung quy định đăng ký thường trú có yếu tố nước ngoài