/ Kinh tế - Pháp luật
/ Sử dụng các khoản thu từ hoạt động tư vấn, quản lý dự án nhà nước

Sử dụng các khoản thu từ hoạt động tư vấn, quản lý dự án nhà nước

29/07/2023 06:29 |

(LSVN) - Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Thông tư quy định về quản lý, sử dụng các khoản thu từ hoạt động tư vấn, quản lý dự án của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

Ảnh minh hoạ. 

Theo dự thảo, nguồn thu của chủ đầu tư, ban quản lý dự án (BQLDA) gồm: Thu từ chi phí quản lý dự án của dự án được giao quản lý; Thu từ thực hiện hoạt động tư vấn của dự án được giao quản lý; Thu từ thực hiện hoạt động tư vấn, quản lý dự án cho dự án khác ngoài dự án được giao quản lý (theo hợp đồng); Thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật (nếu có).

Đối với nguồn thu từ hoạt động tư vấn, quản lý dự án, tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất của dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước được giao quản lý, các khoản thu phí theo pháp luật về phí, lệ phí và các khoản khác của ngân sách nhà nước (nếu có) theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý nợ công và pháp luật có liên quan: Chủ đầu tư, BQLDA mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước nơi thuận tiện giao dịch để quản lý.

Đối với nguồn thu từ hoạt động tư vấn, quản lý dự án cho dự án khác và các nguồn thu khác không thuộc dự án được giao quản lý: Ban QLDA được mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để phân ánh các khoản thu này. Khi có nhu cầu sử dụng các nguồn thu này, BQLDA chuyển tiền về tài khoản của chủ đầu tư, BQLDA mở tại Kho bạc Nhà nước để quản lý thống nhất theo quy định tại Thông tư này. Đối với các khoản chi của chủ đầu tư, BQLDA: Chủ đầu tư, BQLDA mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước nơi thuận tiện giao dịch để thực hiện các nội dung chi trong dự toán chi hằng năm được duyệt.

Dự thảo cũng nêu rõ, căn cứ điều kiện cụ thể của dự án, chủ đầu tư quyết định việc lập và phê duyệt 01 dự toán chung cho cả chủ đầu tư và BQLDA sử dụng hoặc lập và duyệt 02 dự toán riêng cho chủ đầu tư và BQLDA để thuận tiện quản lý, sử dụng. Trường hợp lập dự toán chung cho cả chủ đầu tư và BQLDA sử dụng, cần xác định rõ các nội dung chi của chủ đầu tư và các nội dung chi của BQLDA.

Cơ sở để lập dự toán thu, chi là: Quyết định đầu tư, quyết định phê duyệt dự toán; Dự toán chi phí cho công tác chuẩn bị đầu tư (đối với các khoản thu và chi phí quản lý dự án trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư); Các khoản thu quy định; Các quy định về trích chi phí hiện hành; Bảng tính lương năm của từng người lao động tham gia quản lý dự án; Định mức tiêu chuẩn do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành theo quy định của pháp luật về mua sắm tài sản, định mức mua ô tô, tiêu chuẩn, định mức về nhà làm việc, tiêu chuẩn, định mức trang bị điện thoại công vụ tại nhà riêng và điện thoại di động, chế độ công tác phí trong và ngoài nước, chế độ tiếp khách trong và ngoài nước và chế độ tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam.

Hằng năm, chủ đầu tư, BQLDA căn cứ thời gian thực hiện dự án, hình thức tổ chức quản lý dự án, quy mô và đặc điểm công việc quản lý dự án, các chế độ chính sách có liên quan để xác định chi phí quản lý dự án của từng dự án cho phù hợp với khối lượng nhiệm vụ, công việc quản lý dự án trong năm và chịu trách nhiệm về nội dung này. Chủ đầu tư, BQLDA có trách nhiệm đảm bảo đủ chi phí quản lý dự án để tổ chức, thực hiện quản lý dự án cho đến khi dự án được phê duyệt quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành theo quy định.

Ngoài ra, đối với các khoản thu không tính vào chi phí đầu tư của dự án được giao nhiệm vụ quản lý, chủ đầu tư, BQLDA phải thực hiện đăng ký, kê khai, nộp đầy đủ các loại thuế, phí, lệ phí theo quy định của pháp luật hiện hành về thuế, phí, lệ phí.

PV

Đề xuất kiểm tra thí điểm việc quản lý tiền công đức trên toàn quốc

Nguyễn Mỹ Linh