/ Luật sư trực ban
/ Đưa công trình chưa được nghiệm thu PCCC vào sử dụng bị xử lý thế nào?

Đưa công trình chưa được nghiệm thu PCCC vào sử dụng bị xử lý thế nào?

26/05/2023 15:40 |

(LSVN) - Theo thống kê của Bộ Xây dựng, kể từ 2011 đến nay, thống kê rà soát được 8.114 công trình đã đưa vào sử dụng nhưng còn tồn tại về phòng cháy chữa cháy (PCCC) chưa được nghiệm thu. Vậy, đưa công trình chưa được nghiệm thu PCCC vào sử dụng bị xử lý thế nào?

Ảnh minh hoạ. 

Về vấn đề này, Luật sư Hoàng Trọng Giáp, Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, khoản 1 Điều 15 Nghị định 136/2020/NĐ-CP đã có quy định cụ thể về việc nghiệm thu, kiểm tra kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy.

Đối với dự án, công trình có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn PCCC đã được thẩm duyệt thiết kế về PCCC phải được chủ đầu tư tổ chức nghiệm thu về PCCC. Chủ đầu tư công trình phải đề nghị cơ quan cảnh sát PCCC đã thẩm duyệt trước đó đến kiểm tra kết quả nghiệm thu nêu trên và cấp văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về PCCC trước khi đưa công trình vào sử dụng.

Đồng thời, khoản 12 Điều 13 Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định rõ về thẩm quyền thẩm duyệt thiết kế về PCCC. Theo đó, cơ quan có thẩm quyền duyệt thiết kế về PCCC cũng có quyền đến kiểm tra kết quả nghiệm thu PCCC mà mình đã thẩm duyệt bao gồm: Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an cấp tỉnh...

Hành vi đưa công trình vào sử dụng khi chưa được nghiệm thu về PCCC là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý theo quy định. Cụ thể, theo khoản 4 Điều 38 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về PCCC trong đầu tư, xây dựng thì phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi đưa hạng mục công trình, công trình, phương tiện giao thông cơ giới vào sử dụng, hoạt động khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về PCCC.

Nếu vi phạm về PCCC đến mức phải xử lý hình sự thì người vi phạm còn có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 313 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội "Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy" với mức phạt tù cao nhất theo khoản 3 Điều 313 lên đến 12 năm tù.

Ngoài ra, theo Luật sư Hoàng Trọng Giáp, các công trình chưa được nghiệm thu về PCCC cần liên hệ với cơ quan PCCC địa phương để yêu cầu hỗ trợ và tư vấn. Các chuyên gia sẽ giúp đánh giá rủi ro và đề xuất các biện pháp tạm thời để đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng công trình.

Ý NHƯ
Nguyễn Mỹ Linh