Trong cuộc sống hiện đại, việc sử dụng mạng xã hội đã trở nên phổ biến ở tất cả mọi giới, mọi lứa tuổi, nó dường như là một phần tất yếu của cuộc sống. Tuy nhiên, việc sử dụng mạng xã hội sao cho khoa học, có tính chọn lọc thì không phải ai cũng làm được. Ở lứa tuổi thanh, thiếu niên sử dụng mạng xã hội, ngoài việc tìm tòi, học hỏi những cái mới, cái hay thì bên cạnh đó việc sử dụng mạng xã hội không hướng vào mục tiêu lành mạnh cũng đã để lại không ít hậu quả tai hại cho chính bản thân người dùng và những người khác,…
Nhằm giáo dục nhận thức pháp luật nói chung, việc chấp hành các quy định của pháp luật về sử dụng mạng xã hội nói riêng cho các đối tượng là học sinh, sinh viên, Trung tâm Tư vấn pháp luật, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền thiết thực, trong đó có việc thực hiện “phiên tòa giả định” ở các trường học. Có thể nói rằng, việc thực hiện “phiên tòa giả định” của Trung tâm Tư vấn pháp luật có tác dụng rất sâu sắc và thực tiễn đối với việc giáo dục với các đối tượng là học sinh nói riêng, xã hội nói chung.
Chiều ngày 25/11/2024, Trung tâm đã phối hợp với Trường THCS Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội tổ chức phiên tòa giả định "xét xử vụ án hình sự gây rối trật tự công cộng”, tuyên truyền về an ninh mạng cho học sinh của trường.
“Phiên tòa giả định” đã được thực hiện với diễn biến, quá trình xét xử như một phiên xét xử tại Tòa án, bao gồm đủ các thành phần của Hội đồng xét xử (Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân), Đại diện Viện Kiểm sát, Luật sư,...
Đến dự “phiên tòa giả định”, về phía Trường THCS Xuân Đỉnh có cô Nguyễn Quỳnh Anh, Phó Hiệu trưởng, các thầy cô giáo, cán bộ và học sinh nhà trường.
Về phía Liên đoàn Luật sư Việt Nam có: Luật sư Lê Cao Long, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật; Luật sư Lê Hồng Lam, Phó Giám đốc; các Luật sư Nguyễn Mai Anh, Lê Thị Tuyết Mai, Bùi Khắc Hanh, Trịnh Thị Ngân, Đặng Thị Thanh, Đỗ Thị Thúy Phượng, Lương Thúy Dung, Phạm Thị Thúy Kiều, Đồng Văn Vương, Nguyễn Thị Phượng, Đặng Bích Nga, Ngô Trường Lâm,…
Phát biểu tại phiên tòa giả định, Luật sư Lê Cao Long, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật, Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng: “Việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho học sinh, đặc biệt là học sinh THCS là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật, tích cực đấu tranh, phòng ngừa và đẩy lùi các loại tội phạm xã hội, góp phần bảo đảm an ninh trật tự trong và ngoài trường học,…” .
Nội dung phiên tòa giả định dựa trên vụ án có thật với các thông tin đã được mã hóa. Các đối tượng thông qua mạng xã hội đã cãi nhau, bản ngã tuổi mới lớn, lứa tuổi mà tâm, sinh lý còn đang phát triển, thể hiện quyền chiếm hữu tình cảm, dẫn đến việc nhắn tin (messenger), sau đó hẹn gặp nhau trực tiếp để giải quyết mâu thuẫn. May mắn là được các cơ quan chức năng phát hiện và ngăn chặn kịp thời, nên không ai bị tổn hại về sức khỏe và tính mạng.
Qua phiên tòa giả định, bà Nguyễn Quỳnh Anh, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Xuân Đỉnh cho hay: “Ngày 09/11 hàng năm là Ngày Pháp luật Việt Nam, ngày này được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp và pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội. Vì vậy, mỗi thầy cô giáo, cán bộ và học sinh đều cần phải chủ động trong việc nghiên cứu, học tập và chấp hành nghiêm chỉnh Hiến pháp và pháp luật. Với phiên tòa giả định về tuyên truyền về an ninh mạng cho học sinh toàn trường có ý nghĩa rất thiết thực, sẽ góp phần nâng cao kiến thức pháp luật và từ đó sẽ có tác dụng răn đe, ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật,…”.
Sau khi tham dự “phiên tòa giả định”, bạn Vũ Hà My, học sinh lớp 8A15, Trường THCS Xuân Đỉnh cho biết: “Qua phiên tòa này, cháu đã ý thức được nhiều hơn và cẩn trọng hơn khi sử dụng mạng xã hội - mặc dù cháu rất ít khi dùng, vì bố mẹ cháu cũng quản lý rất khắt khe việc này”.
Bạn Nguyễn Khánh An, học sinh lớp 6A4, cũng phấn khởi cho biết: “Cháu thấy các cô, các chú diễn rất hay, nhập vai rất tốt. Qua phiên tòa giả định này, bản thân cháu cũng sẽ rất cẩn trọng khi khi sử dụng mạng xã hội, nếu bố mẹ cháu cho phép dùng. Đồng thời, cháu cũng sẽ góp ý với các bạn trong lớp nếu như các bạn ấy sử dụng mạng xã hội không hợp lý,…”.