/ Tin thế giới
/ Sự ra đi của nữ thẩm phán Ginsburg ảnh hưởng tới bầu cử Tổng thống Mỹ?

Sự ra đi của nữ thẩm phán Ginsburg ảnh hưởng tới bầu cử Tổng thống Mỹ?

05/01/2021 18:11 |

(LSO) – Sự ra đi của nữ thẩm phán nổi tiếng Ruth Bader Ginsburg ảnh hưởng không nhỏ đến nền chính trị Mỹ, bắt đầu với cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới.

Các thẩm phán của Tòa án Tối cao Mỹ năm 2019. Ảnh: vne.

Tòa án Tối cao Hoa Kỳ (Supreme Court of the United States, viết tắt là SCOTUS hay USSC) là toà án liên bang cao nhất tại Hoa Kỳ, có thẩm quyền tối hậu trong việc giải thích Hiến pháp Hoa Kỳ, và có tiếng nói quyết định trong các tranh tụng về luật liên bang, cùng với quyền tài phán chung thẩm (có quyền tuyên bố các đạo luật của Quốc hội Hoa Kỳ và của các Viện lập pháp tiểu bang, hoặc các hoạt động của nhánh hành pháp liên bang và tiểu bang là vi hiến).

Là định chế quyền lực cao nhất của nhánh tư pháp trong chính phủ Hoa Kỳ, Tòa án tối cao là tòa án duy nhất được thiết lập bởi Hiến pháp. Tất cả tòa án liên bang khác được thành lập bởi quốc hội. Thẩm phán tòa tối cao (hiện nay có 9 người) được bổ nhiệm trọn đời bởi tổng thống và được phê chuẩn bởi Thượng viện. Một trong chín thẩm phán được chọn để trở thành Chủ tịch Pháp viện hay Chánh Án (Chief Justice).

Điều III của Hiến pháp Hoa Kỳ quy định những trường hợp được đưa ra xét xử trước tòa tối cao cũng như nhiệm kỳ của thẩm phán tòa tối cao. Khoản I viết “Quyền tài phán của Hoa Kỳ được dành cho một tòa tối cao”, và ấn định nhiệm kỳ trọn đời cho các thẩm phán của tòa án này, “trong khi họ có tư cách tốt”, tức là các thẩm phán có thể bị luận tội nhưng không thể bị cách chức vì các lý do khác, và lương bổng của họ cũng không bị cắt giảm khi đang nhiệm chức. Những quy định này của Hiến pháp là nhằm bảo vệ tính độc lập của các thẩm phán khi đưa ra các phán quyết.

Thẩm phán Ruth Bader Ginsburg, người có thời gian phục vụ lâu nhất tại Tòa án tối cao Mỹ, qua đời ngày 18/9 tại thủ đô Washington do biến chứng của ung thư tuyến tụy di căn. Theo tờ CBC phân tích, sự ra đi của nữ thẩm phán tích cực đấu tranh cho nữ quyền này có thể để lại hệ quả trong nhiều thập kỷ tới, bắt đầu với cuộc bầu cử tổng thống Mỹ dự kiến diễn ra trong năm nay.

“Không nên phóng đại cái chết của Ginsburg với nền chính trị Mỹ. Nhưng hệ quả tiềm tàng từ sự kiện này sẽ xuất hiện ngay lập tức, bắt đầu với chiến dịch bầu cử quyết định việc đương kim Tổng thống Donald Trump có nhiệm kỳ hai hay không. Ngoài ra, sự ra đi của Ginsburg có thể để lại di chấn kéo dài hàng thập kỷ”, CBC phân tích.

Hậu quả của sự kiện có thể vượt xa tưởng tượng. Tại sao? 

Tác động đến bầu cử Tổng thống 

Sự ra đi của Ginsburg như vạc dầu đổ vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, được ví như cuộc chiến sống còn của nền dân chủ Mỹ, vốn đã rất nóng. Đó là chủ đề của bài phát biểu của Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama trước đại hội đảng Dân chủ. 

Bên phía đối diện, các nhân vật bên trong chính quyền và thân cận với Tổng thống Donald Trump đang gợi lên kịch bản về bạo lực sau cuộc bầu cử. Cuộc đua giữa Trump và Joe Biden - ứng viên Đảng Dân chủ, đã nóng đến mức Trump cho rằng ông đang bị lừa, phản đối hình thức bỏ phiếu qua thư.

“Tôi thực sự lo lắng”, Joseph Ellis, nhà sử học Mỹ đoạt giải Pulitzer, cho biết trong cuộc phỏng vấn hôm thứ Bảy. “Số phận của nền cộng hòa chưa từng bị đe dọa từ sau nội chiến Mỹ. Hôm nay, chúng ta đang ở trong thời điểm với nguy cơ tương tự”. 

Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Marco Rubio khẳng định nước Mỹ sắp phải đối mặt với những tháng khó khăn nhất.

Tòa án bảo thủ 

Việc bà Ginsburg qua đời để lại khoảng trống lớn tại Tòa án tối cao. Ngay từ lúc này, hai đảng có thể phát sinh cuộc cạnh tranh khốc liệt cho việc lựa chọn người thay thế.

Tòa án Mỹ gần đây đang nghiêng về phe bảo thủ với tỷ lệ 5-4 trong số 9 thẩm phán. Tỉ lệ là 5-3 khi Ginsburg qua đời, và có thể là 6-3 nếu Tổng thống Trump xác nhận ứng viên cho vị trí thẩm phán của ông, nhiều khả năng theo trường phái bảo thủ. 

Tòa án Tối cao chiếm thế thượng phong trên cán cân quyền lực trong suốt lịch sử tư pháp Mỹ, bắt đầu từ thế kỷ XIX. Hiện tại, chế độ đảng phái gay gắt khiến việc thông qua các dự luật tại Quốc hội Mỹ khó hơn nhiều so với vài thập kỷ trước.

Để giải quyết các tranh chấp chính trị, các đảng phái thường dựa vào tòa án. Đạo luật chăm sóc sức khỏe của cựu Tổng thống Obama, với mục tiêu mở rộng phạm vi bảo hiểm y tế cho hàng triệu người, đang đứng trước thách thức lớn trong phiên điều trần vào ngày 10/11 tới. Sự tồn vong của đạo luật này từng được quyết định chỉ bằng một lá phiếu. Thậm chí, Tòa án Tối cao Mỹ còn có thể quyết định cuộc bầu cử tổng thống. Năm 2000, Tòa án Mỹ kết thúc cuộc kiểm phiếu lại ở Florida và đưa George W. Bush trở thành Tổng thống Mỹ.

Cuộc chiến pháp lý xung quanh việc gửi phiếu bầu cử qua thư có thể khiến vấn đề đi xa hơn, lộn xộn hơn nhiều.

Nhiều vấn đề nổi cộm ở Mỹ cũng được đưa ra tòa vào tháng 10, 11 tới. Khó tránh khỏi cuộc chiến pháp lý dai dẳng về phá thai, thực hiện quy ước về chống biến đổi khí hậu, vấn đề nhập cư hay công tác điều hành của tổng thống đương nhiệm. 

Trong tương lai, những vấn đề nói trên sẽ bị thách thức bởi một tòa án với bầu không khí thù địch lan tỏa mạnh mẽ hơn. “Phe bảo thủ chiếm đa số và thể hiện sức mạnh mà chúng ta chưa từng được chứng kiến. Điều này sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều khía cạnh, vấn đề tại Mỹ”, cựu công tố viên liên bang Mỹ Joseph Moreno cho biết. 

Một thay đổi lớn khác có thể xuất hiện là kinh tế. Trong cuốn sách “Bất bình đẳng tối thượng”, tác giả Adam Cohen lập luận rằng Tòa án Tối cao, trong phần lớn lịch sử nước Mỹ, đã ưu ái những người giàu có và quyền lực. Chỉ có một ngoại lệ hiếm hoi là tòa án những năm 1960 do Thẩm phán Earl Warren lãnh đạo. 

Theo Cohen, tòa án đang gây ra tình trạng bất bình đẳng ở Mỹ, tước bỏ quyền lực của các công đoàn, cho phép cơ quan tài chính dấn sâu vào chính trị, phá hoại sự hợp nhất và nguồn tài trợ của trường học ở các vùng thiểu số.

Thay đổi trọng tâm bầu cử 

Cuộc chiến tòa án có thể làm lu mờ vấn đề bầu cử Tổng thống mà đảng Dân chủ đang hy vọng sẽ tập trung vào: Đại dịch Covid-19 khiến 200.000 người Mỹ thiệt mạng.

Vấn đề ở Tòa án Tối cao đã từng là xúc tác giúp Trump thắng cuộc bầu cử năm 2016, khi hơn một phần tư cử tri của Trump khẳng định đó là lý do họ bỏ phiếu cho ông.

Trump đã củng cố quan hệ đồng minh với phe bảo thủ xã hội bằng cam kết bổ nhiệm một thẩm phán bảo thủ vào tòa án để thế chỗ. Đương kim Tổng thống Mỹ cũng có bước đi bất thường là công bố trước danh sách các ứng viên, đồng thời hứa sẽ sớm đưa ra lựa chọn trong ít ngày tới.

Một ứng viên sáng giá được đề cập là bà Barbara Lagoa - người Mỹ gốc Cuba đầu tiên phục vụ tại Tòa án Tối cao Florida. Trump ca ngợi Lagoa, khẳng định nữ ứng viên này “có gốc Tây Ban Nha” và “đến từ Florida” - bang chiến trường trong cuộc bầu cử tổng thống tới đây. Tuy nhiên, chưa chắc những vấn đề này sẽ giúp ích nhiều cho Trump. 

Cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều tích cực gây quỹ sau cái chết của Ginsburg. Đảng Dân chủ quyên góp được hàng chục triệu USD, chỉ vài giờ sau sự ra đi của nữ thẩm phán nổi tiếng. 

Hiệu ứng của cuộc đối đầu này gây tiếng vang lớn, nhưng không đồng đều ở khắp nơi trên nước Mỹ. Đảng Cộng hòa sẽ được trợ giúp ở một số bang, nhưng không phải là tất cả. Đảng này vận động ở nhiều bang tôn giáo hơn trực tiếp lao đầu vào cuộc chiến, điều sẽ làm nảy sinh các vấn đề xã hội nóng bỏng. 

Dù vậy, ứng viên Đảng Dân chủ Joe Biden cũng có những tín hiệu tích cực. Khảo sát ở 3 bang chiến trường cho thấy ông vẫn đáng tin cậy hơn Trump. 

Chiến thuật của Đảng Cộng hòa

Tổng thống Mỹ có quyền lựa chọn thẩm phán, còn Thượng viện có quyền xác nhận. Hiện tại, Đảng Cộng hòa kiểm soát Thượng viện với 53 phiếu, so với 47 phiếu của Dân Chủ. Các quyết định quan trọng tại Thượng viện cần 60 phiếu để được thông qua, tuy nhiên, để xác nhận tư cách thẩm phán, Thượng viện chỉ cần 50 hoặc 51 phiếu. 

Đảng Cộng hòa đã lập tức xúc tiến bổ nhiệm phẩm phán mới. Theo Tổng thống Trump, đây là hành động không thể chậm trễ. 

Đảng của ông có sự linh hoạt về thời gian biểu quyết cuối cùng, có thể trước hoặc sau cuộc bầu cử ngày 3/11: nhiệm kỳ Thượng viện hiện tại kéo dài hai tháng sau cuộc bầu cử, cho đến ngày 3/1 và nhiệm kỳ tổng thống hiện tại kéo dài đến ngày 20/1.

Trung bình chỉ mất hơn hai tháng để xác nhận thẩm phán kể từ những năm 1970. Quá trình này từng nhanh hơn, trong thời đại ít đảng phái hơn, và có thể nhanh hơn một lần nữa với quy tắc đa số đơn giản mới.

Phía Đảng Dân chủ nỗ lực tìm kiếm phương án đối phó, với chiến thuật trì hoãn lập pháp, công kích, đe dọa trả thù nếu giành lại Thượng viện và nỗ lực làm xấu hổ các thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa trong các cuộc đua tái cử cam go.

Cả hai đảng đều tố cáo nhau là “đạo đức giả”. Đảng Cộng hòa vì đã tự đảo ngược tuyên bố năm 2016 của họ rằng các tổng thống không nên chỉ định một thẩm phán gần với một cuộc bầu cử. Đảng Dân chủ cũng làm trái với những tuyên bố của mình theo chiều hướng khác. 

Tuy nhiên, Đảng Cộng hòa có khả năng giữ ưu thế trong cuộc chiến này. Họ đã kiểm soát Thượng viện vào năm 2016 và duy trì đến hiện tại. 

Triển vọng mở rộng tòa án

Những đảng viên theo chủ nghĩa cấp tiến mong muốn mở rộng Tòa án Tối cao, đồng nghĩa với bổ sung thêm những thẩm phán mới. Ứng viên Tổng thống Biden phản đối ý tưởng nói trên, cho rằng Đảng Dân chủ sẽ phải hối tiếc.

Dù vậy, ý tưởng vẫn đang thành hình ở phe cánh tả. Gần một nửa số ứng viên Tổng thống của đảng cho biết họ rất cởi mở với vấn đề mở rộng tòa án. Thượng nghị sĩ Bernie Sanders đã đưa ra ý tưởng luân phiên thẩm phán giữa các tòa án cấp trên và cấp dưới. Cố Tổng thống Franklin D. Roosevelt cũng từng muốn mở rộng tòa tối cao, nhưng bất thành.

Đảng Dân chủ dẫn đầu Ủy ban Tư pháp Hạ viện nói rằng nếu Đảng Cộng hòa tiến hành đề cử ứng viên vào vị trí thẩm phán, Đảng Dân chủ nên lập tức mở rộng tòa án nếu họ giành được Thượng viện.

Lãnh đạo đảng Dân chủ tại Thượng viện, Chuck Schumer, để ngỏ khả năng chuyển sang bỏ phiếu đa số đơn giản đối với tất cả dự luật nếu đảng của ông giành lại được ghế.

Theo báo chí Mỹ, Schumer khẳng định với các thành viên trong Đảng Dân chủ rằng sẽ “không có gì đáng bàn” nếu Đảng Cộng hòa bổ nhiệm thẩm phán thay Ginsburg ngay lúc này. 

LÊ HÙNG (t/h)

/dang-ldp-cam-quyen-tai-nhat-ban-chia-re-ve-thoi-diem-giai-tan-ha-vien.html