Ảnh minh họa.
Theo Bộ Văn hóa,Thể thao và Du lịch, các quy định về hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng và dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới hiện nay trong Luật Quảng cáo còn rất sơ sài gần như chưa có hướng dẫn dẫn cụ thể về hình thức, cơ chế quản lý, mô hình hoạt động cũng như trách nhiệm của các bên tham gia trong chuỗi cung cấp dịch vụ, vì vậy, gần như thực tế không điều chỉnh được nhiều bất cập trong quá trình triển khai.
Hoạt động quảng cáo trên các trang thông tin điện tử xuyên biên giới phát triển rất mạnh,không chỉ các tổ chức, cá nhân trong nước sử dụng mà các tổ chức, cá nhân nước ngoài cũng giới thiệu các sản phẩm đến người dân Việt Nam thông qua nền tảng này. Cùng với đó là sự xuất hiện của nhiều sản phẩm quảng cáo có nội dung không phù hợp với pháp luật Việt Nam, gây bất ổn trong xã hội và ảnh hưởng xấu đến uy tín của các doanh nghiệp trong nước.
Các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Google, TikTok,... ngày càng chiếm thị phần lớn trong hoạt động quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam (khoảng 80%), thậm chí có thể nói Facebook, Google, TikTok... đang ở vị trí độc quyền, có khả năng chi phối thị trường.
Các đối tượng vi phạm trong hoạt động quảng cáo trực tuyến có nhiều thủ đoạn đối phó và tìm mọi cách nhằm trốn tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng như sử dụng tên miền quốc tế, che giấu tên, địa chỉ người chịu trách nhiệm, sử dụng tên, địa chỉ giả, thuê đặt máy chủ ở nước ngoài, xóa hoặc thay đổi nội dung quảng cáo vi phạm, khi bị phát hiện thì trốn tránh, không lên làm việc với cơ quan chức năng, một số hồ sơ thiếu tài liệu chứng cứ vi phạm hoặc chưa thể hiện rõ hành vi vi phạm nên chưa đủ cơ sở pháp lý để xử phạt vi phạm hành chính,... một số trường hợp chưa tìm được đối tượng vi phạm,việc xử lý hiệu quả chưa cao.
Việc thu thập, lưu trữ, sử dụng dữ liệu người dùng (thông tin cá nhân, hành vi, thói quen..) để thực hiện hình thức quảng cáo nhắm mục tiêu đang diễn ra ngày càng phổ biến nhưng chưa có quy định pháp luật nhằm đảm bảo quyền riêng tư cho người dùng bị sử dụng dữ liệu cũng như bảo vệ trẻ em để không trở thành đối tượng không phù hợp của quảng cáo.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo theo hướng xây dựng biện pháp quản lý phù hợp với hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới; sửa đổi, bổ sung quy định hoạt động quảng cáo trên báo điện tử, trang thông tin điện tử; mạng xã hội.
Cụ thể, sửa đổi, bổ sung Điều 23 Luật Quảng cáo như sau:
- Sửa tên điều“Quảng cáo trên báo điện tử, trang thông tin điện tử, mạng xã hội, công cụ tìm kiếm”;
- Điểm b, khoản 1: Tăng thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo tối đa là 03 giây;
- Khoản 3, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo và người quảng cáo ở trong nước và ngoài nước tham gia hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về quảng cáo, quy định về an ninh mạng và quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng; phải nộp thuế theo quy định pháp luật về thuế;
- Khoản 4, các tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam tuân thủ các quyền và nghĩa vụ được quy định tại Luật này và các quy định sau:
“a) Thông báo thông tin liên hệ với cơ quan có thẩm quyền những nội dung sau: Tên tổ chức, tên giao dịch, địa chỉ trụ sở chính nơi đăng ký hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo; địa điểm đặt hệ thống máy chủ chính cung cấp dịch vụ và hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam (nếu có); đầu mối liên hệ: Tên tổ chức, cá nhân đại diện tại Việt Nam (nếu có);hình thức và thời gian thông báo.
b) Không đặt sản phẩm quảng cáo vào các nội dung vi phạm pháp luật.
c) Thực hiện việc ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật theo yêu cầu của các cơ quan chức năng có thẩm quyền”.
ĐẠI HƯNG