Ảnh minh họa.
Ngày 18/8/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh số 02/2022/UBTVQH15 xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng, trong đó có quy định về xử phạt đối với hành vi của luật sư khi tham gia tố tụng (có hiệu lực từ ngày 01/9/2022). Do vậy, cũng cần thiết phải sửa đổi các quy định liên quan đến vấn đề này tại Nghị định số 82/2020/NĐ-CP để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ.
Dự thảo Nghị định dự kiến sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 82/2020/NĐ-CP. Trong đó, tại khoản 4 Điều 1 dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản của Điều 6 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP như sau:
- Bổ sung khoản 5a vào sau khoản 5 Điều 6 như sau:
“5a. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với luật sư có lời lẽ, hành vi xúc phạm cá nhân, cơ quan, tổ chức trong quá trình tham gia tố tụng”.
- Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 8 Điều 6 như sau:
“c) Tịch thu tang vật là giấy chứng nhận về việc tham gia tố tụng, văn bản thông báo người bào chữa bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung quy định tại điểm a khoản 4 Điều này;”.
- Bổ sung điểm d vào sau điểm c khoản 8 Điều 6 như sau:
“c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại khoản 5a Điều này;”.
- Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 9 Điều 6 như sau:
“a) Buộc nộp lại bản chính giấy chứng nhận về việc tham gia tố tụng, văn bản thông báo người bào chữa bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung cho cơ quan, người có thẩm quyền đã cấp đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 4 Điều này, trừ trường hợp bản chính đã bị tịch thu theo quy định tại điểm c khoản 8 Điều này:”.
- Bổ sung điểm c vào sau điểm b khoản 9 Điều 6 như sau:
“c) Buộc nộp lại chứng chỉ hành nghề luật sư, giấy đăng ký hành nghề luật sư, giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam của luật sư nước ngoài bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung cho cơ quan, người có thẩm quyền đã cấp đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 4 Điều này;”.
Dự thảo Nghị định cũng quy định về việc áp dụng pháp luật trong trường hợp Luật sư thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 5a dự kiến bổ sung vào Điều 6 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP đối với người có thẩm quyền hoặc những người khác thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của Toà án.
Theo đó, Luật sư thực hiện hành vi vi phạm này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 21 Pháp lệnh số 02/2022/UBTVQH15 ngày 18/8/2022 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.
Khoản 3 Điều 4 dự thảo Nghị định quy định về điều khoản chuyển tiếp như sau:
- Đối với hành vi vi phạm xảy ra và đã kết thúc trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực mà bị phát hiện hoặc đang xem xét ra quyết định xử phạt khi Nghị định này đã có hiệu lực thì áp dụng quy định của Nghị định này nếu Nghị định này không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn.
- Đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã đã được ban hành hoặc đã được thi hành xong trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành, mà cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính còn khiếu nại thì áp dụng quy định của Nghị định số 82/2020/NĐ-CP để giải quyết.
ĐẠI HƯNG
Đề xuất đưa ra khỏi Danh mục 14 hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá