/ Thư viện pháp luật
/ Sửa đổi, bổ sung thời hạn kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường

Sửa đổi, bổ sung thời hạn kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường

18/01/2025 18:37 |2 tháng trước

(LSVN) - Nghị định số 05/2025/NĐ-CP ngày 06/01/2025 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. Trong đó, Nghị định số 05/2025/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung thời hạn kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường.

Cụ thể, khoản 54 Điều 1 Nghị định 05/2025/NĐ-CP sửa đổi bổ sung điểm đ và điểm e khoản 5 Điều 163 Nghị định 08/2022/NĐ-CP.

Theo đó, về thời hạn kiểm tra, thời hạn một cuộc kiểm tra đối với một tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tối đa không quá 07 ngày, kể từ ngày bắt đầu tiến hành kiểm tra tại nơi được kiểm tra. Trường hợp vụ việc phức tạp, phạm vi kiểm tra rộng thì có thể gia hạn một lần không quá 07 ngày. Thời hạn kiểm tra không bao gồm thời gian phân tích, giám định, kiểm định mẫu môi trường (nếu có).

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Thời hạn một cuộc kiểm tra đối với nhiều tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tối đa không quá 30 ngày, kể từ ngày bắt đầu tiến hành kiểm tra tại nơi được kiểm tra. Trường hợp vụ việc phức tạp, phạm vi kiểm tra rộng thì có thể gia hạn một lần không quá 15 ngày.

Thời hạn kiểm tra không bao gồm thời gian phân tích, giám định, kiểm định mẫu môi trường (nếu có).

Mẫu quyết định thành lập đoàn kiểm tra, gia hạn thời hạn kiểm tra do Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định.

Quyết định kiểm tra phải được gửi cho đối tượng kiểm tra chậm nhất 05 ngày, kể từ ngày ban hành, trừ trường hợp kiểm tra đột xuất không báo trước theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 160 Luật Bảo vệ môi trường và pháp luật khác có liên quan.

Đoàn kiểm tra phải tiến hành kiểm tra chậm nhất 10 ngày, kể từ ngày ban hành quyết định kiểm tra.

Điểm a khoản 3 Điều 160 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định việc kiểm tra đột xuất không báo trước của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường được thực hiện khi có căn cứ cho rằng tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường hoặc do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.

PV

Các tin khác