Ảnh minh họa.
Tờ trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) trình Chính phủ có đề xuất sửa đổi quy định tại Điều 55 Luật Đấu thầu để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động bán lẻ thuốc tại nhà thuốc bệnh viện, đáp ứng tiến độ, chất lượng, phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh.
Theo Tờ trình của Bộ KH&ĐT, về mua thuốc để bán lẻ tại các nhà thuốc bệnh viện công lập, hiện việc mua thuốc để bán lẻ tại các nhà thuốc bệnh viện đều sử dụng nguồn thu hợp pháp của cơ sở y tế và chủ đầu tư phải tổ chức lựa chọn nhà thầu theo quy định tại Điều 2 Luật Đấu thầu năm 2023.
Trường hợp tổ chức đấu thầu rộng rãi thì cơ sở y tế thường tổng hợp nhu cầu danh mục thuốc do quỹ BHYT chi trả của bệnh viện với danh mục thuốc bán lẻ tại nhà thuốc để tổ chức đấu thầu. Do vậy, với khối lượng mua sắm thuốc lớn, quá trình lựa chọn nhà thầu có thể bị kéo dài nên không đáp ứng tính kịp thời đối với hoạt động bán lẻ thuốc trong nhà thuốc bệnh viện. Trong trường hợp này cơ sở y tế thường lựa chọn hình thức mua sắm trực tiếp (áp giá) để mua thuốc bán lẻ tại nhà thuốc bệnh viện.
Bộ KH&ĐT cũng cho rằng, theo quy định tại Điều 25 Luật Đấu thầu, trường hợp chủ đầu tư áp dụng hình thức mua sắm trực tiếp thì chỉ được áp dụng 1 lần đối với 1 dự toán mua sắm nên chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu đặc thù của việc bán lẻ thuốc tại nhà thuốc bệnh viện như: bán thuốc theo nhu cầu điều trị của người bệnh, không dự trù trước được số lượng; cơ sở y tế cần phải mua ngay được các loại thuốc phù hợp với công tác khám bệnh, chữa bệnh của từng cơ sở y tế...
Do vậy, cần xem xét, sửa đổi quy định tại Điều 55 Luật Đấu thầu để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động bán lẻ thuốc tại nhà thuốc bệnh viện, đáp ứng tiến độ, chất lượng, phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh.
Dự án Luật này cũng đã được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Phiên họp thứ 38 và sẽ được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV tới đây (khai mạc ngày 21/10/2024).
Cho ý kiến về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng, để tháo gỡ khó khăn, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đấu thầu trong lĩnh vực y tế, bảo đảm nguồn cung về thuốc, vật tư y tế phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh, thuận tiện cho người bệnh trong việc mua thuốc đảm bảo chất lượng tại các cơ sở y tế công lập là cần thiết.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ giải trình, làm rõ cơ chế kiểm tra, giám sát nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch và bảo đảm hiệu quả kinh tế khi đề xuất áp dụng mua sắm trực tiếp nhiều lần và cần có ý kiến cụ thể của Bộ Y tế về nội dung này.
Ngoài ra, quy định mua sắm trang thiết bị, vật tư có nhiều văn bản pháp luật chi phối, trong đó có Luật Đấu thầu, Luật Quản lý sử dụng tài sản công, Luật Dược đều được Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 8. Vì vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất giữa các luật.
QUÝ MINH