/ Kinh tế - Pháp luật
/ Sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng nhằm phù hợp với thực tiễn

Sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng nhằm phù hợp với thực tiễn

16/03/2024 07:38 |

(LSVN) - Luật Thuế giá trị gia tăng được ban hành năm 1997 và được sửa đổi toàn diện vào năm 2008, sửa đổi, bổ sung vào năm 2013. Đến nay, Luật đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế không còn phù hợp với thực tế và cần được xem xét, đánh giá sửa đổi.

Ảnh minh họa.

Theo kế hoạch, dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 và xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 tới.

Theo đó, Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội, Quốc hội và Bộ Tài chính đã phối hợp tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) ngày 15/3.

Luật Thuế giá trị gia tăng được ban hành năm 1997 và được sửa đổi toàn diện vào năm 2008, sửa đổi, bổ sung vào năm 2013. Đến nay, Luật đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế không còn phù hợp với thực tế và cần được xem xét, đánh giá sửa đổi.

Theo Bộ Tài chính, nội dung vướng mắc, chồng chéo với Luật Thuế giá trị gia tăng, thì Luật Quản lý thuế đã phát hiện có nội dung chồng chéo liên quan đến người nộp thuế, khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào, hóa đơn và chứng từ. Bên cạnh đó, các nội dung chồng chéo khác có liên quan đến các luật chuyên ngành Luật Trồng trọt, Luật Chăn nuôi, Luật Thủy sản, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Chứng khoán, Luật báo chí, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp.

Các nội dung vướng mắc tập trung vào đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng, đối tượng áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng 5%, các trường hợp hoàn thuế giá trị gia tăng.

Từ kết quả rà soát, Bộ Tài chính kiến nghị các trường hợp có sự khác nhau giữa quy định giữa các luật trong việc áp dụng chính sách thuế giá trị gia tăng thì thực hiện theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng. Mặt khác, mục tiêu sửa đổi cũng nhằm hướng tới các quy định đảm bảo phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam đồng thời không trái với các cam kết tại các Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia và là thành viên.

Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi các nội dung trong dự thảo Luật thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) về quy định về người nộp thuế (để đồng bộ với Luật quản lý thuế), đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng, đối tượng áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng 5% và quy định về khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào (để đồng bộ với luật khác).

Sau khi lắng nghe các cơ quan chức năng chia sẻ các vấn đề then chốt trong thiết kế chính sách thuế giá trị gia tăng, như việc hợp lý hoá cơ sở thuế, khả năng thu hẹp đối tượng không chịu thuế… Các Đại biểu đã đóng góp nhiều kiến nghị trong việc sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định của luật hiện hành và đóng đề xuất các vấn đề liên quan đến chính sách hoàn thuế, thuế thương mại điện tử xuyên biên giới…

Trong đó, các ý kiến có nêu khả năng hợp lý hoá các mức thuế suất thuế giá trị gia tăng hiện hành và tính phù hợp của mức thuế suất phổ thông 10% cùng các xu thế, định hướng trong dài hạn hơn. Một số kiến nghị cho rằng nên thu hẹp và tiến tới loại bỏ mức thuế suất 5% đồng thời tập trung đánh giá kỹ mức thuế suất 0% áp dụng đối với xuất khẩu và các lĩnh vực dịch vụ xuất khẩu.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh đánh giá cao các nội dung các tham luận và ý kiến của các chuyên gia. Ông cho biết đây là những thông tin đầu vào hết sức thiết thực. Trên cơ sở đó Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội và cơ quan soạn thảo sẽ phối hợp nghiên cứu, tiếp thu cho quá trình thẩm tra, hoàn thiện dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội.

TRẦN QUÝ

Chất vấn không phải sát hạch mà là một hình thức giám sát

Nguyễn Hoàng Lâm