Ảnh minh hoạ.
Cụ thể, về điểm mới trong quy định thành lập đơn vị đăng kiểm, dự thảo quy định: Khi có nhu cầu đầu tư xây dựng đơn vị đăng kiểm thì tổ chức thành lập đơn vị đăng kiểm phải có văn bản đề nghị UBND cấp tỉnh xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư, trong đó nêu rõ vị trí dự kiến xây dựng đơn vị đăng kiểm. Vị trí xây dựng đơn vị đăng kiểm phải đảm bảo phù hợp với mục đích, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại địa phương và đảm bảo mật độ các đơn vị đăng kiểm trên địa bàn, các tỉnh thành phố liền kề trong khu vực phân bố đồng đều, phù hợp theo hướng giảm cự ly di chuyển của phương tiện đến các đơn vị đăng kiểm, đặc biệt tại vùng sâu, vùng xa và hải đảo.
Các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng, đơn vị kinh doanh vận tải được bổ sung ngành nghề kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới hoặc ngược lại nhưng phải đảm bảo đáp ứng các điều kiện quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới tại Nghị định số 139/2018/NĐ-CP và Nghị định số 30/2023/NĐ-CP.
Việc cấp giấy phép hoạt động đơn vị đăng kiểm do Sở GTVT thực hiện, do đó, sau khi hoàn thành việc đầu tư, xây dựng, tổ chức đầu tư trung tâm đăng kiểm gửi hồ sơ về Sở GTVT để đề nghị kiểm tra, đánh giá việc đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực để cấp phép. Sở GTVT thành lập đoàn kiểm tra, trong đoàn phải có tối thiểu một thành viên đã hoàn thành khóa tập huấn nghiệp vụ kiểm tra, đánh giá hoạt động kiểm định xe cơ giới (do Cục Đăng kiểm Việt Nam tổ chức).
Bên cạnh đó, Sở GTVT thực hiện kiểm tra, đánh giá việc duy trì điều kiện hoạt động của trung tâm đăng kiểm trên địa bàn trong quá trình vận hành, với 6 nội dung kiểm tra: cơ sở vật chất, nhân lực, hồ sơ và dữ liệu, chế độ báo cáo và quản lý, phúc tra kết quả kiểm định xe... Trong trường hợp Sở GTVT chưa thực hiện được thì đề nghị Cục Đăng kiểm Việt Nam tham gia phối hợp.
Để phúc tra kết quả kiểm định, trường hợp phương tiện đang có mặt tại đơn vị đăng kiểm, đoàn kiểm tra lựa chọn trong số các phương tiện đã được đơn vị đăng kiểm kiểm tra, đánh giá và ghi nhận kết quả kiểm tra để thực hiện việc kiểm tra đánh giá lại tình trạng kỹ thuật của phương tiện theo quy định và so sánh với kết luận kiểm tra đánh giá của đơn vị đăng kiểm.
Trong trường hợp phương tiện không có mặt tại đơn vị đăng kiểm, nếu phát hiện có dấu hiệu đơn vị đăng kiểm bỏ qua lỗi kỹ thuật của phương tiện nhưng vẫn cấp Giấy chứng nhận, Tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường thì phối hợp với cơ quan chức năng để thực hiện việc phúc tra lại tình trạng kỹ thuật của phương tiện.
Cục Đăng kiểm Việt Nam, Sở GTVT cùng có thẩm quyền kiểm tra đột xuất đối với đơn vị đăng kiểm trong 3 trường hợp: khi có phản ánh, khiếu nại có cơ sở về vi phạm trong hoạt động kiểm định, có văn bản yêu cầu của các cơ quan chức năng; khi phát hiện có dấu hiệu bất thường trong hoạt động kiểm định (thông qua hệ thống giám sát, phân tích cơ sở dữ liệu kiểm định). Trường hợp đơn vị đăng kiểm vi phạm các quy định về hoạt động kiểm định xe cơ giới thì cơ quan quản lý xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định.
Ngoài ra, dự thảo Thông tư cũng dành một chương quy định, hướng dẫn chi tiết về quy trình của Cục Đăng kiểm Việt Nam trong tổ chức tập huấn nghiệp vụ kiểm tra, đánh giá hoạt động kiểm định xe cơ giới cho Sở GTVT hoặc đơn vị đăng kiểm. Dự thảo thông tư trên được lấy ý kiến đến hết ngày 05/11/2023.